1. Chứng khoán

HYBE đặt cược lớn vào 2025: BTS xuất ngũ và 'cơ hội vàng' từ thị trường Trung Quốc

Kể từ đầu năm 2025, tập đoàn giải trí HYBE - trụ cột của làn sóng Hallyu đã liên tục thu hút sự chú ý của công chúng và giới đầu tư toàn cầu. Bên cạnh những tranh cãi xung quanh mâu thuẫn hợp đồng giữa nhãn hiệu ADOR và nhóm nhạc nữ đình đám NewJeans, các hoạt động kinh doanh toàn cầu khác của HYBE cũng liên tục tạo nên làn sóng thảo luận sôi nổi.

Sự kỳ vọng của thị trường vào HYBE càng trở nên rõ nét hơn khi có hai tín hiệu tích cực: Trung Quốc được dự báo sẽ nới lỏng "lệnh hạn chế văn hóa Hàn Quốc" trong năm nay, và toàn bộ các thành viên BTS - nhóm nhạc biểu tượng của Kpop sẽ hoàn tất nghĩa vụ quân sự, sẵn sàng trở lại sân khấu.

Tất cả các thành viên BTS sẽ chính thức xuất ngũ vào tháng 6 tới.

Kết quả kinh doanh và triển vọng phục hồi

Theo báo cáo tài chính năm 2024, HYBE đạt doanh thu kỷ lục hơn 2,25 nghìn tỷ won (khoảng 11,2 nghìn tỷ nhân dân tệ), tăng 4% so với năm trước và đánh dấu năm thứ hai liên tiếp vượt mốc 2 nghìn tỷ won. Tuy nhiên, lợi nhuận hoạt động lại giảm 38% và lần đầu tiên kể từ khi niêm yết vào năm 2020, HYBE ghi nhận khoản lỗ ròng hàng năm - chủ yếu do chi phí đào tạo nghệ sĩ gia tăng.

Tuy vậy, giới phân tích vẫn giữ quan điểm tích cực về triển vọng phục hồi của HYBE trong nửa cuối năm. Sự trở lại của BTS được kỳ vọng sẽ kích hoạt đà tăng trưởng mạnh mẽ, thúc đẩy doanh số album, thu nhập từ bản quyền, biểu diễn và các mặt hàng ăn theo. Đặc biệt, cộng đồng người hâm mộ toàn cầu ARMY sẽ là lực đẩy lớn cho nền tảng Weverse - một trong những tài sản chiến lược của HYBE góp phần mở rộng doanh thu từ nội dung số.

Dự kiến, BTS có thể phát hành album mới và khởi động chuyến lưu diễn toàn cầu vào quý IV năm nay - yếu tố có thể giúp HYBE đạt mức lợi nhuận đột phá, đồng thời củng cố vị thế dẫn đầu trong ngành giải trí toàn cầu.

Cơ hội lớn từ thị trường Trung Quốc

Một yếu tố quan trọng khác đang mở ra cơ hội tăng trưởng mới cho HYBE là sự thay đổi chính sách văn hóa của Trung Quốc. Tại kỳ họp "Lưỡng hội" diễn ra vào tháng 3, chính phủ Trung Quốc đã bày tỏ ý định thúc đẩy giao lưu văn hóa và nới lỏng các biện pháp hạn chế đối với làn sóng Hàn Quốc.

Các tín hiệu tích cực đã xuất hiện: phim, truyền hình Hàn Quốc được phép phát trực tuyến trở lại; các nền tảng như Tencent Music và NetEase Cloud Music nối lại việc phân phối nhạc Kpop và các cuộc đàm phán cấp cao Hàn - Trung đều đề cập đến việc tăng cường hợp tác văn hóa.

Nếu xu hướng này tiếp tục, HYBE với các nghệ sĩ nổi bật như BTS, SEVENTEEN và NewJeans sẽ là một trong những đơn vị hưởng lợi lớn nhất. Sức ảnh hưởng mạnh mẽ của các nhóm này tại Trung Quốc, cùng với lực lượng người hâm mộ Kpop đông đảo và chi tiêu mạnh tay, có thể mang lại nguồn doanh thu khổng lồ từ album, hòa nhạc, bản quyền và các hợp đồng quảng cáo.

Cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt

Dù đang giữ vị trí dẫn đầu, HYBE vẫn đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các "ông lớn" khác như YG, SM và JYP Entertainment. Cụ thể, YG đang thúc đẩy nhóm BABYMONSTER ra thị trường toàn cầu, SM trình làng nhóm nhạc mới Hearts2Hearts còn JYP ghi dấu ấn với nhóm nhạc nam KickFlip.

Trong bối cảnh đó, lợi thế cốt lõi của HYBE nằm ở hệ sinh thái sở hữu trí tuệ mạnh mẽ, sự vận hành hiệu quả của nền tảng cộng đồng Weverse và khả năng mở rộng toàn cầu với các chi nhánh tại Mỹ, Nhật Bản cùng nhiều thị trường chiến lược khác.

Sự tăng giá gần đây của cổ phiếu HYBE không phải là hiện tượng nhất thời mà phản ánh kỳ vọng lớn từ thị trường. Sự trở lại của BTS được xem là chất xúc tác mạnh mẽ cho sự tăng trưởng doanh thu ngắn hạn, trong khi sự mở cửa của thị trường Trung Quốc và chiến lược toàn cầu hóa sẽ tạo ra không gian tăng trưởng dài hạn.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa những kỳ vọng này, HYBE cần chứng minh khả năng triển khai hiệu quả từ quy mô chuyến lưu diễn của BTS, mức độ phục hồi của thị trường Trung Quốc, đến năng lực mở rộng sang các khu vực mới. Nếu tất cả các yếu tố này đồng loạt phát huy, năm 2025 có thể sẽ là cột mốc bứt phá mới của HYBE trên bản đồ giải trí toàn cầu.

Bình Nguyên

Tin khác