1. Tài chính

Huy động vốn trái phiếu chính phủ đạt hơn 230.500 tỷ đồng

Tranh thủ thời điểm thuận lợi để phát hành

Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết, tổng nhu cầu vốn vay của ngân sách trung ương (NSTW) năm 2023 là 621.015 tỷ đồng theo dự toán được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022 (bao gồm 430.500 tỷ đồng bù đắp bội chi ngân sách trung ương và 190.515 tỷ đồng chi trả nợ gốc đến hạn).

Trên cơ sở các nguồn huy động vốn trong và ngoài nước, Bộ Tài chính đã giao nhiệm vụ phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) năm 2023 cho KBNN là 400.000 tỷ đồng, bằng kế hoạch phát hành TPCP năm 2022 ban đầu và gấp gần 1,9 lần so với kế hoạch phát hành TPCP năm 2022 điều chỉnh.

Để hoàn thành kế hoạch được giao, ngay từ đầu năm, KBNN đã bám sát tình hình thu, chi của ngân sách nhà nước, NSTW và diễn biến thị trường, tranh thủ thời điểm thị trường thuận lợi tổ chức phát hành TPCP.

Phát hành trái phiếu chính phủ để bù đắp bội chi

Cho biết thêm về việc phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) trong khi tồn ngân quỹ nhà nước cao, Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết, thời gian qua, cân đối thu - chi ngân sách nhà nước (NSNN) về tổng thể có thặng dư, song chủ yếu là cân đối ngân sách địa phương (NSĐP) thặng dư lớn, trong khi cân đối ngân sách trung ương (NSTW) vẫn tiếp tục bội chi. Bên cạnh đó, yêu cầu trả nợ gốc đến hạn hàng năm cũng rất lớn, tập trung vào nhiệm vụ của NSTW.

Cụ thể, theo dự toán NSNN năm 2023, nhu cầu bù đắp bội chi của NSTW là 430.500 tỷ đồng; cho trả nợ gốc là 190.515 tỷ đồng. Nguồn bù đắp chủ yếu từ vay trong nước thông qua phát hành TPCP.

Đồng thời, Luật NSNN cũng quy định không sử dụng ngân sách cấp này để chi cho nhiệm vụ của ngân sách cấp khác, nên trường hợp không phát hành TPCP, NSTW sẽ không có nguồn để trả nợ gốc và chi đầu tư phát triển.

Do đó, KBNN phát hành TPCP để bù đắp bội chi và chi trả nợ gốc đến hạn của NSTW theo quy định của Luật NSNN và Luật Quản lý nợ công. Khối lượng TPCP huy động theo nhiệm vụ Bộ Tài chính giao (trong phạm vi tổng mức vay NSNN được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định).

Tín hiệu tích cực từ thị trường TPCP đã đến ngay từ đầu năm và được đánh giá là cơ bản thuận lợi cho công tác huy động vốn, khi lãi suất giao dịch TPCP có thời điểm tăng nhẹ vào cuối tháng 2 và nửa đầu tháng 3, song xu hướng chung toàn quý I/2023 là giảm. Theo báo cáo từ KBNN, đến ngày 23/3/2023, lãi suất giao dịch TPCP thấp hơn từ 0,7 - 1,3%/năm tùy từng loại kỳ hạn so với đầu năm. Trên thị trường sơ cấp, lãi suất dự thầu cơ bản giảm và nhu cầu mua TPCP ở mức cao.

Bám sát tình hình thị trường, KBNN đã tranh thủ những thời điểm mặt bằng lãi suất giảm và nhu cầu mua TPCP cao để tổ chức phát hành TPCP với khối lượng phù hợp nhu cầu chi NSTW cao trong những tháng đầu năm 2023 và nhu cầu vốn vay lớn của NSTW năm 2023.

Đặc biệt, trong quý II/2023, khi nhu cầu trả nợ thấp, cùng với tiến độ thu ngân sách đạt khá (đến 30/6/2023, thu NSTW đạt 56,9% so với dự toán); tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa cao (giải ngân vốn đầu tư công nguồn NSTW đạt khoảng 28,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), KBNN đã điều chỉnh giảm khối lượng gọi thầu TPCP.

Kết quả, khối lượng TPCP phát hành trong quý II/2023 là 75.019 tỷ đồng, tương đương 63% kế hoạch quý (120.000 tỷ đồng). Lũy kế tổng khối lượng phát hành TPCP từ đầu năm đến hết tháng 8/2023 là 230.511 tỷ đồng, đạt 57,6% kế hoạch năm 2023. Lãi suất phát hành TPCP bình quân là

3,44%/năm; kỳ hạn phát hành TPCP bình quân là 12,44 năm và thời gian đáo hạn bình quân của danh mục TPCP là 9,19 năm.

Theo nhận xét từ KBNN, lãi suất phát hành TPCP được điều hành phù hợp với tình hình thị trường, quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và duy trì xu hướng giảm đã giúp cho công tác huy động vốn qua phát hành TPCP thời gian qua đạt hiệu quả cao.

Tiếp tục phát hành linh hoạt các loại kỳ hạn

Mặc dù công tác huy động vốn đã có nhiều thuận lợi, nhưng những thách thức đặt ra cho công tác này không hề nhỏ khi nền kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn những khó khăn nhất định.

Do đó, để đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu vốn vay của NSTW, đồng thời tiếp tục thực hiện các mục tiêu cơ cấu lại nợ công và duy trì ổn định, phát triển thị trường TPCP, trong thời gian tới, KBNN sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp huy động vốn TPCP, đảm bảo nguyên tắc phối hợp chặt chẽ giữa điều hành chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác. Đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Cụ thể, KBNN tiếp tục bám sát kế hoạch trả nợ gốc của NSTW, thường xuyên rà soát, đánh giá tình hình thu, chi, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để điều hành khối lượng phát hành TPCP phù hợp với nhu cầu vốn vay của NSTW.

Chủ động điều hành lãi suất phát hành TPCP phù hợp với mặt bằng chung của toàn thị trường. Tranh thủ phát hành TPCP khi thị trường thuận lợi (các nhà đầu tư có nhu cầu cao, mặt bằng lãi suất TPCP phù hợp), tránh việc phải tập trung huy động dồn vào cuối năm hoặc khi thị trường không thuận lợi.

Đặc biệt, KBNN tiếp tục phát hành linh hoạt các loại kỳ hạn TPCP để một mặt đáp ứng nhu cầu thị trường, hình thành lãi suất tham chiếu cho thị trường vốn, mặt khác hài hòa nghĩa vụ trả nợ của NSTW giữa các năm. Với các làm này, theo KBNN sẽ vừa đảm bảo mục tiêu tái cơ cấu danh mục nợ TPCP vừa giảm rủi ro đảo nợ. Đồng thời, phấn đấu kỳ hạn phát hành bình quân TPCP phù hợp với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 và Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Bên cạnh đó, KBNN xác định nhu cầu và tổ chức huy động vốn từ nguồn TPCP trên cơ sở tận dụng các nguồn lực sẵn có, các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, vay nước ngoài, vay từ các nguồn tài chính hợp pháp khác để đảm bảo đủ nhu cầu vốn của NSTW theo các phương án đã được Quốc hội phê duyệt tại nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư phát triển

KBNN cho biết, khối lượng TPCP phát hành đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư phát triển (bao gồm chi đầu tư các dự án, công trình giao thông thủy lợi, kiên cố hóa trường học, bệnh viện...) và chi trả nợ của NSTW.

Nguồn vốn huy động từ phát hành TPCP hàng năm dần chiếm phần trọng yếu trong tổng mức vay trong nước của Chính phủ (năm 2015 chỉ khoảng 60%, đến năm 2021 là khoảng 78% và năm 2022 là 100%), giảm dần sự phụ thuộc vào vay nợ nước ngoài, giảm rủi ro cho NSTW. Công tác phát hành TPCP được gắn kết chặt chẽ với quản lý ngân quỹ nhà nước và mang lại hiệu quả cao trong quản lý ngân quỹ, quản lý nợ và quản lý ngân sách.

Trên cơ sở tình hình thu, chi, khả năng giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn NSTW, khả năng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi, KBNN đã tham mưu Bộ Tài chính điều chỉnh giãn, giảm tiến độ, khối lượng phát hành TPCP, đồng thời sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi cho NSTW vay, một mặt giúp đảm bảo đủ vốn cho cân đối ngân sách, tiết kiệm chi phí trả lãi của NSNN, mặt khác giảm bớt áp lực tăng mặt bằng lãi suất, góp phần ổn định thị trường TPCP.

Vân Hà

Tin khác