1. Chứng khoán

HPG hồi phục cùng đà tăng giá thép, một mã ngân hàng lập đỉnh

Giao dịch sàn HoSE phiên 8/10.

VN-Index kết phiên 8/10 ở mốc 1.271,98 điểm, tăng hơn 2 điểm so với đóng cửa phiên hôm qua. HNX-Index giảm gần 1 điểm còn UPCoM giảm nhẹ. Tổng giá trị giao dịch trên kênh khớp lệnh đạt gần 16.700 tỷ đồng, trong đó khối ngoại chiếm hơn 3.000 tỷ đồng.

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng hơn 100 tỷ đồng trên sàn HoSE, tập trung vào MWG với giá trị 121 tỷ đồng. Danh sách bán ròng còn có BMP 65 tỷ đồng, STB 63 tỷ đồng, FPT 54 tỷ đồng, VPB 38 tỷ đồng; HDB, PLX, SSI trên 30 tỷ đồng; OCB, BID, DGW, GMD, SHB trên 20 tỷ đồng…

Chiều ngược lại, TCB và HPG được mua ròng mạnh nhất, với giá trị mỗi mã hơn 130 tỷ đồng; kế đến là LPB 83 tỷ đồng, VNM 57 tỷ đồng, HAH 37 tỷ đồng, PVT 29 tỷ đồng, TPB 28 tỷ đồng, VIX 26 tỷ đồng…

Đây là phiên thứ ba liên tiếp, khối ngoại bán ròng trên HoSE. Trong tuần giao dịch trước, khối này mua ròng hơn 400 tỷ đồng.

VN30 tăng gần 4 điểm, với sự đóng góp tích cực nhất từ HPG. Cổ phiếu đầu ngành thép tăng hơn 2% lên giá 26.950 đồng/cp, cao nhất trong hơn 2 tháng qua. VNM sau hai phiên giảm mạnh cũng phục hồi, tăng 1,6% lên giá 68.200 đồng/cp. Được kỳ vọng nhiều cùng triển vọng kết quả kinh doanh nhưng cổ phiếu của Vinamilk chỉ lên được vùng giá gần 75.000 đồng/cp rồi lại thoái lui.

Các mã bluechip ở chiều tăng hôm nay còn có HDB +1,3%, TCB +1%, VHM +1%; ACB, BCM, GVR, MSN, POW, TPB, VPB, VRE tăng nhẹ.

BVH, MBB, SSB, VIB đứng tham chiếu, còn lại ở chiều giảm. Giảm mạnh nhất là MWG -1,7%, các mã khác giảm nhẹ.

Không chỉ HPG, nhóm cổ phiếu thép đồng thuận diễn biến tích cực. HSG +1,4%, NKG +1,4%, VGS +2,1%, TVN +2,3%, TIS +1,4%, SMC +0,9%..

Cổ phiếu thép cho thấy sự hưởng ứng đà tăng giá thép xây dựng. Cuối tuần trước, Hòa Phát đã điều chỉnh giá bán thép xây dựng, lần thứ hai trong tháng 10. Các thương hiệu khác như Việt Ý, Việt Đức, Việt Sing, Kyoei Việt Nam, VJS... cũng thay đổi giá từ đầu tháng. Tùy loại sẽ tăng thêm 100.000 - 170.000 đồng sau mỗi lần điều chỉnh, có loại tăng liên tục hai lần chỉ trong tuần trước.

Sau các đợt tăng giá gần đây, thép xây dựng đang được bán quanh 13,5-14 triệu đồng một tấn. Mặt bằng giá này đang trở lại ngang với cuối tháng 7, đầu tháng 8, trước khi diễn ra đợt giảm khá mạnh xuyên suốt sau đó.

Tại các nhóm trụ cột khác, các cổ phiếu chủ yếu giao dịch giằng co trong biên độ hẹp. Nhóm ngân hàng ghi nhận đa số các mã ở chiều giảm hoặc đứng tham chiếu. Giảm sâu nhất là MSB -1,5%. Chiều tăng có ABB, ACB, HDB, LPB, TCB, TPB, VPB; trong đó LPB bứt phá nhất với mức tăng gần 5%, xác lập đỉnh mới tại vùng giá 33.300 đồng/cp. Chỉ từ đầu tháng 4/2024 đến nay, cổ phiếu của LPBank đã tăng gần gấp đôi giá trị.

Tại nhóm chứng khoán, chiều tăng có VIX +1,3%, HAC +6,5%, EVS +1,5%, DSC +1,8%, APG +1,1%, ABW +2,3%; VFS, TVB tăng nhẹ. Chiều giảm dẫn đầu là MBS, với mức 5,4%, lùi về giá 30.000 đồng/cp. Công ty chứng khoán này vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2024 với lợi nhuận sau thuế đạt 179 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023 nhưng giảm khoảng 18% so với mức lợi nhuận kỷ lục của quý 2/2024, đồng thời ngắt mạch 6 quý liên tiếp tăng trưởng so với quý trước.

Các mã giảm đáng kể khác là ORS -3,7%, BSI -3,1%, APS -2,8%, BVS -2,5%, SHS -1,9%, HCM -1,6%, VDS -3,3%... SSI, VCI, VND giảm nhẹ.

Nhóm bất động sản phân hóa hơn. Chiều tăng có VHM +1%, KBC +1,8%; VIC, DXG, VRE, TCH, HDG, BCM, TIG, KHG… tăng nhẹ. Một số mã nhỏ hút tiền hơn như SIP +2,2%, NTC +6,1%, SGR +4%...

Chiều giảm có DIG -1,8%, HDC -3,3%, NVL -0,9%; VPI, KDH, IDC, CEO, NLG… giảm nhẹ.

Các nhóm ngành còn lại đáng chú ý có nhóm nhựa, với BMP tăng trần lên giá 121.600 đồng/cp. NTP cũng tăng gần 3,5%.

Phạm Ngọc

Tin khác