Hơn 22% dư nợ tín dụng đã được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội
Ngân hàng nỗ lực đẩy mạnh tín dụng xanh
Phát biểu tại Hội thảo “ESG trong ngành ngân hàng: Thực thi để dẫn đầu” do Báo Đầu tư tổ chức sáng nay (19/11/2024), bà Hà Thu Giang cho hay, tính đến hết tháng 9/2024 đã có 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt trên 665.000 tỷ đồng, tăng 7,11% so với cuối năm 2023, chiếm tỷ trọng trên 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 43%) và nông nghiệp xanh (trên 30%).
Các tổ chức tín dụng đã tăng cường quản lý rủi ro về môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 3,28 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 22,33% trên tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế, tăng 15,62% so với cuối năm 2023.
“Những kết quả trên cho thấy các giải pháp triển khai của ngành ngân hàng thời gian qua đã góp phần thúc đẩy quá trình thực hành ESG, xanh hóa hoạt động ngân hàng, kịp thời đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn để thực hiện các dự án xanh, bền vững, vì lợi ích cộng đồng; đồng thời, nâng cao nhận thức cũng như năng lực thực thi các quy định về bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp đang sử dụng nguồn lực từ hệ thống ngân hàng, từ đó điều chỉnh hành vi tiến tới thực hành các tiêu chuẩn ESG, xanh hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững của nền kinh tế”, bà Giang cho biết.
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp để xanh hóa dòng vốn, thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ; điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng chủ động nghiên cứu, xây dựng và ban hành nhiều văn bản để triển khai hoạt động quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng như: Chỉ thị số 03/CT-NHNN (năm 2015) để chỉ đạo toàn hệ thống thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Phối hợp với IFC ban hành Sổ tay đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng cho 15 ngành kinh tế có rủi ro môi trường cao; Ban hành Đề án phát triển Ngân hàng xanh tại Việt Nam.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, lồng ghép định hướng các mục tiêu về môi trường và xã hội. Ban hành Thông tư 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 về quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng, có hiệu lực từ 1/6/2023…
Dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, đến nay các tổ chức tín dụng đã nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hành ESG trong hoạt động ngân hàng, từ đó chủ động nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống ESG một cách toàn diện hơn. Cụ thể, các ngân hàng đã đưa ra các cam kết về môi trường và xã hội vào Chiến lược, Kế hoạch kinh doanh; Nghiên cứu các quy định, các tiêu chuẩn quốc tế về ESG để xây dựng quy định nội bộ về thực hành ESG, quản lý rủi ro về môi trường và xã hội; Hoàn thiện mô hình tổ chức, thành lập đơn vị chuyên trách chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động về ESG; thiết kế các gói tín dụng xanh, sản phẩm xanh; Nâng cao năng lực cán bộ về thực hành ESG, quản lý rủi ro môi trường xã hội trọng hoạt động cấp tín dụng…
Ngân hàng “ngóng” tiêu chí môi trường và Danh mục dự án xanh
Mặc dù có nhiều nỗ lực, song đến nay tỷ trọng tín dụng xanh trong tổng dư nợ toàn ngành còn thấp. Bà Hà Thu Giang cho hay, để thúc đẩy thực hành ESG, xanh hóa hoạt động ngành ngân hàng, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi, hướng dẫn và kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện Thông tư 17/2022/TT-NHNN.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ hướng dẫn các tổ chức tín dụng cấp tín dụng xanh, báo cáo tình hình triển khai tín dụng xanh sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục phân loại xanh quốc gia. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tham gia hoạt động hợp tác quốc tế, từ đó tăng cường huy động nguồn lực, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và thúc đẩy thực hành ESG tại Việt Nam…
Tuy nhiên, để các cơ chế, chính sách của ngành ngân hàng thực sự phát huy hiệu quả, bà Giang cho rằng, bên cạnh những nỗ lực của ngành ngân hàng trong việc thúc đẩy thực hành ESG, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ các dự án thân thiện với môi trường, mở rộng và khơi thông nguồn vốn tín dụng cho các lĩnh vực xanh đòi hỏi sự phối, kết hợp từ nhiều bộ, ngành, các đơn vị liên quan.
Cụ thể, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về môi trường, xã hội của các dự án đầu tư theo hướng cập nhật, dễ dàng tiếp cận, làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có thể tra cứu thông tin để đánh giá về môi trường, xã hội.
Ngân hàng Nhà nước cũng kiến nghị phải hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong việc thực thi ESG, dần tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế. Xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển…) của từng ngành/lĩnh vực một cách đồng bộ, thúc đẩy thực hành ESG, đồng thời thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh.
Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về tiêu chí môi trường đối với dự án đầu tư được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.
Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội ngày 11/11/2024 về tín dụng xanh, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản khuyến khích các nhà băng tập trung nguồn lực cấp tín dụng xanh. Tuy nhiên, ngành ngân hàng gặp nhiều khó khăn khi đẩy vốn vào lĩnh vực này, muốn đẩy mạnh cho vay nhưng không biết thế nào là xanh do thiếu hướng dẫn về phân loại danh mục xanh từ Chính phủ.
T.L