1. Tài chính

Hơn 1,16 triệu tỷ đồng được 'bơm' ra nền kinh tế qua kênh tín dụng

Tính đến ngày 27/9, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 8,53% so với đầu năm, trong khi tăng trưởng huy động vốn của các tổ chức tín dụng đạt 4,79%. Ảnh: Chí Hùng.

Trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng đầu năm, Tổng cục Thống kê cho biết tính đến thời điểm 27/9, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 8,53% so với đầu năm, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng trưởng đạt được thấp hơn, ở mức 6,24%.

Ước tính từ đầu năm đến ngày 27/9, dư nợ toàn nền kinh tế đã tăng thêm 1,16 triệu tỷ đồng. Nếu chỉ tính riêng quý III, dư nợ toàn ngành đã tăng thêm gần 330.000 tỷ đồng (+2,43%).

Trước đó, tại cuộc họp giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Phó thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 7 mới đạt 5,93%, giảm so với thời điểm cuối quý II.

Như vậy, chỉ trong gần 2 tháng gần nhất, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 2,6%, cao hơn nhiều so với bình quân các tháng đầu năm.

Giai đoạn đầu năm nay, theo NHNN, mức tăng trưởng tín dụng của các nhà băng không đồng đều. Cuối tháng 8, nhà điều hành đã cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng đạt từ 80% chỉ tiêu tín dụng được giao từ đầu năm trở lên.

Năm nay, tín dụng toàn ngành ngân hàng định hướng tăng trưởng 14-15%. Dựa trên diễn biến thực tế, nhà điều hành cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và chủ động điều chỉnh hạn mức cho từng nhà băng, mà không yêu cầu nhà băng phải gửi đề nghị cấp thêm.

Trong bối cảnh dư nợ tín dụng tăng nhanh hơn cùng kỳ, huy động tiền gửi của các tổ chức tín dụng lại tăng thấp hơn.

Tính đến ngày 27/9, huy động vốn từ dân cư và tổ chức của các nhà băng mới tăng gần 4,8% trong khi cùng thời điểm năm ngoái đạt hơn 6,6%.

Về diễn biến lãi suất, trong báo cáo mới nhất, NHNN cho biết tính đến cuối tháng 8, lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng.

Các khoản tiền gửi kỳ hạn 1-6 tháng có lãi suất phổ biến 2,6-3,6%/năm; tiền gửi kỳ hạn 6-12 tháng lãi suất bình quân 4,4-4,9%/năm; tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng đến 24 tháng có lãi suất 5,3-6,1%/năm; và 6,9-7,4%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.

Lãi suất tiền gửi USD của tổ chức tín dụng ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức.

Ở chiều ngược lại, lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,8-9,2%/năm.

Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,7%/năm thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4%/năm).

Lãi suất cho vay USD bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 4,1-5%/năm đối với ngắn hạn; 6,3-7,3%/năm đối với trung và dài hạn.

Hồng Nhung

Tin khác