1. Chứng khoán

Hoạt động M&A thượng nguồn tại Mỹ sau 100 ngày ông Trump trở lại Nhà Trắng

Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực thượng nguồn dầu khí tại Mỹ đã đạt tổng giá trị 17 tỷ USD trong quý I/2025. Hình minh họa

Tuy nhiên, EIR lưu ý rằng gần một nửa giá trị giao dịch trong quý này đến từ một mình Diamondback Energy. Công ty này đã thực hiện hai thương vụ lớn: Mua lại Double Eagle IV và chuyển nhượng tài sản khoáng sản cho công ty liên kết Viper Energy Partners.

Ngoài thương vụ của Diamondback, EIR cho biết các nhà đầu tư đang bắt đầu gặp khó khăn khi tìm kiếm các cơ hội mua lại phù hợp, trong khi giá yêu cầu cho các tài sản chưa phát triển lại ở mức cao. Đồng thời, xu hướng giá dầu và giá cổ phiếu giảm cũng đang tạo thêm áp lực cho các doanh nghiệp trong ngành.

M&A chững lại vì giá dầu đi xuống

Theo phân tích của EIR, trong giai đoạn trước khi thị trường bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như chính sách của OPEC hay các rào cản thương mại, giá tài sản dầu đá phiến chất lượng cao đã tăng đáng kể. Nhưng một khi giá dầu giảm, hoạt động M&A thường chững lại.

Từ năm 2014 đến nay, đã có 17 quý mà giá dầu giảm hơn 5% so với quý trước. Trong số đó, có tới 11 quý chứng kiến giá trị các thương vụ M&A giảm trung bình khoảng 30%.

Đặc biệt, tại lưu vực Permian – trung tâm khai thác dầu đá phiến của Mỹ – giá trị tài sản biến động mạnh theo giá dầu. Năm 2015, giá trị trung bình mỗi mẫu đất ở đây giảm khoảng 1/3 so với năm trước. Đến năm 2020, con số này còn giảm hơn một nửa so với năm 2019.

Một trường hợp ngoại lệ hiếm hoi là năm 2023: Mặc dù giá dầu đã giảm so với đỉnh năm 2022, các nhà đầu tư vẫn mạnh tay chi tiền cho tài sản chưa phát triển. Tuy nhiên, EIR cho biết điều đó chỉ xảy ra vì giá dầu trung bình năm 2023 vẫn ở mức cao, khoảng 78 USD/thùng – khác hẳn với bối cảnh giá thấp kéo dài mà thị trường đang đối mặt trong năm 2025.

Doanh nghiệp E&P đang chống chọi tốt hơn

Dù thị trường đang trong chu kỳ giảm giá, EIR nhận định rằng các công ty thăm dò và khai thác (E&P) được niêm yết hiện nay đang có nền tảng tài chính vững vàng hơn so với các giai đoạn suy giảm trước.

Sau những đợt tái cơ cấu lớn trong quá khứ, các doanh nghiệp đã rút kinh nghiệm: Họ kiểm soát nợ tốt hơn, không mở rộng sản lượng quá mức và sử dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro một cách thận trọng.

Nhờ vậy, hầu hết các công ty E&P hiện có thể duy trì hoạt động ổn định trong suốt năm 2025. Tuy nhiên, EIR cũng cảnh báo rằng nếu giá dầu tiếp tục ở mức thấp sang năm 2026, áp lực tài chính sẽ ngày càng lớn đối với nhiều doanh nghiệp trong ngành.

Trong thông cáo báo chí mới đây, ông Andrew Dittmar – chuyên gia phân tích chính tại Enverus Intelligence Research (EIR) – nhận định rằng nếu giá dầu tiếp tục ở mức thấp sang năm 2026, các công ty E&P có thể buộc phải đưa ra những lựa chọn cứng rắn hơn: Cắt giảm đầu tư, bán tài sản hoặc thậm chí sáp nhập với đối thủ để tồn tại.

Thị trường M&A sắp đối mặt “cơn sóng dữ”

Ông Dittmar cảnh báo, thị trường M&A trong lĩnh vực thượng nguồn đang bước vào thời kỳ khó khăn nhất kể từ nửa đầu năm 2020 – giai đoạn đại dịch khiến giá dầu lao dốc. Giờ đây, một lần nữa, sự kết hợp giữa giá tài sản cao và cơ hội đầu tư ngày càng khan hiếm đang va chạm với xu hướng giá dầu giảm, tạo nên thách thức lớn.

Ông chia sẻ: “Người bán hiểu rõ rằng các nguồn tài nguyên đá phiến chất lượng cao đang dần cạn kiệt, nên họ không muốn bán tài sản với giá thấp”.

Trong khi đó, theo ông, người mua cũng chẳng dễ dàng gì: “Họ đã chi nhiều trong các thương vụ trước, giờ tài chính đang căng thẳng, không thể tiếp tục trả giá cao – nhất là khi giá dầu đang giảm. Chính sự bất đồng giữa hai bên về mức giá hợp lý đang khiến hoạt động M&A rơi vào trạng thái chững lại”.

Lưu vực Permian vẫn là “miếng bánh hấp dẫn”

Dù thị trường khó khăn, lưu vực Permian vẫn là điểm đến hàng đầu của các công ty năng lượng. Theo ông Dittmar, khu vực này không chỉ có trữ lượng dầu khí chất lượng cao mang lại lợi nhuận ổn định, mà còn liên tục cho thấy cơ hội mới khi các nhà khai thác thử nghiệm những tầng địa chất chưa từng khai thác trong cấu trúc đá phiến chồng lớp đặc trưng.

“Permian là một trong số ít những nơi vẫn có thể mang lại hiệu quả tài chính rõ ràng, bất chấp biến động giá dầu”, ông nói thêm.

Giá dầu giảm: Thách thức nhưng cũng là cơ hội

Ông Dittmar cho rằng giá dầu thấp đang cản trợ các thương vụ, nhưng đồng thời cũng mở ra cơ hội cho những nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn và sẵn sàng hành động khi thị trường ổn định trở lại.

“Hoạt động M&A tạm thời chững lại sẽ tạo ra một nhu cầu bị dồn nén. Khi giá dầu hồi phục, thị trường chắc chắn sẽ sôi động hơn”, ông nói thêm.

Ông cũng nhấn mạnh rằng nhiều quỹ đầu tư tư nhân đã kịp huy động vốn mới sau một thời gian thoái lui khỏi thị trường. Khi điều kiện thuận lợi hơn, họ sẽ trở lại với vị thế mạnh mẽ. “Các quỹ tư nhân này, cùng với những công ty E&P có tài chính lành mạnh, sẽ là những bên hưởng lợi lớn nhất trong giai đoạn nhiều biến động hiện nay”, ông bổ sung.

Khí đốt – mảng sáng hiếm hoi

Theo EIR, khí đốt đang nổi lên là điểm sáng tiềm năng của hoạt động M&A. Nhiều nhóm đầu tư – cả trong và ngoài nước – đang đặc biệt quan tâm tới các tài sản gắn với hạ tầng xuất khẩu ở khu vực bờ Vịnh (Gulf Coast).

Tuy giá khí đốt ngắn hạn cũng đang chịu sức ép từ tình trạng bán tháo trên thị trường năng lượng, nhưng về dài hạn, tiềm năng vẫn rất đáng kỳ vọng.

“Giá khí tương lai được dự báo sẽ phục hồi nhờ nhu cầu tăng mạnh từ các nhà máy xuất khẩu LNG và trung tâm dữ liệu”, báo cáo của EIR cho biết.

Hiện tại, các tài sản khí đốt tại khu vực Haynesville đang được săn đón, trong khi nguồn cung từ các quỹ tư nhân và tài sản không cốt lõi lại khá hạn chế – một yếu tố có thể thúc đẩy M&A trong phân khúc này.

Trong thông cáo báo chí mới đây, Enverus Intelligence Research (EIR) cho biết đã sử dụng công cụ AI mới nhất mang tên Investor Analytics để phân tích nội dung từ các cuộc họp công bố kết quả kinh doanh gần đây. Kết quả cho thấy, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành dầu khí tỏ ra lo ngại vì giá chào bán tài sản quá cao và thiếu cơ hội thực sự hấp dẫn để thực hiện các thương vụ M&A.

Theo EIR: “Một trong những trở ngại lớn hiện nay là phần lớn các thương vụ quy mô lớn tập trung vào tài sản đang khai thác, thay vì tài nguyên chưa được phát triển. Điều này gây khó cho các công ty đang muốn kéo dài vòng đời khai thác thông qua M&A”.

Viện Dầu khí Mỹ (API), Nhà Trắng và OPEC chưa đưa ra bình luận chính thức về báo cáo của EIR.

M&A năm 2024: Cao thứ ba trong lịch sử, nhưng đà giảm rõ rệt từ giữa năm

Trong một thông cáo trước đó vào tháng 1, EIR tiết lộ rằng năm 2024 khép lại với tổng giá trị M&A trong lĩnh vực thượng nguồn tại Mỹ đạt 105 tỷ USD – con số cao thứ ba mà Enverus từng ghi nhận. “Chỉ đứng sau mức kỷ lục 192 tỷ USD của năm 2023 và gần sát mốc 108 tỷ USD của năm 2014”, báo cáo nêu rõ.

Tuy nhiên, hoạt động M&A đã có dấu hiệu hạ nhiệt rõ rệt trong nửa cuối năm, đặc biệt là quý IV/2024 chỉ ghi nhận 9,6 tỷ USD giao dịch, đánh dấu quý sụt giảm thứ 4 liên tiếp, theo Enverus – nền tảng dữ liệu và AI phục vụ 95% doanh nghiệp năng lượng Mỹ.

Nh.Thạch

Reuters

Tin khác