Hiệu ứng bầu cử dần mờ nhạt trên thị trường chứng khoán Mỹ
S&P 500 đã giảm điểm
Chỉ số S&P 500 giảm 2% trong tuần qua, quét sạch hơn một nửa mức tăng điểm sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống thứ 47 của Mỹ trong cuộc bầu cử vào ngày 5/11. Chiến thắng bầu cử của ông Trump tạo ra hiệu ứng lạc quan về các chính sách tăng trưởng kinh tế của ông Trump.
Mặc dù S&P 500 vẫn dao động gần mức cao kỷ lục và tăng 23% trong năm nay, nhưng "sức nóng" sau chiến thắng bầu cử của ông Trump đã giảm bớt trong những ngày gần đây.
Giới đầu tư lo ngại rằng một số chính sách của ông Trump có thể khiến lạm phát Mỹ tăng trở lại và làm lu mờ triển vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cắt giảm lãi suất thêm nữa.
Thị trường cũng xuất hiện những quan ngại xung quanh việc ông Trump lựa chọn sớm các thành viên nội các và kế hoạch cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà đã làm tổn hại đến cổ phiếu của các công ty dược phẩm và nhà thầu chính phủ. Trong khi đó, Phố Wall vẫn chưa có hình dung rõ ràng liệu Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ thực hiện chương trình nghị sự của mình ra sao.
Thật vậy, thị trường chứng khoán Mỹ đã vội vàng định giá dựa vào những kết quả tích cực từ các chính sách kinh tế trước đó của ông Trump, nhưng "tôi nghi ngờ điều đó đến dễ dàng như vậy", ông Paul Nolte, cố vấn tài sản cấp cao và chiến lược gia thị trường tại Murphy & Sylvest Wealth Management cho biết.
Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024, ông Trump đã tuyên bố các chính sách thương mại của ông - trong đó có việc áp thuế quan mạnh tay đối với hàng hóa nhập khẩu không chỉ từ các đối thủ như Trung Quốc mà còn từ các đồng minh như Liên minh châu Âu - sẽ giúp phục hồi ngành sản xuất chế tạo của Mỹ và tạo ra đủ doanh thu để xoa dịu mối lo ngại về thâm hụt thương mại tăng vọt hoặc lạm phát gia tăng.
Chính sách vẫn bất trắc
Lợi suất tăng là một trong những mối quan tâm chính của thị trường chứng khoán Mỹ, vì nó chi phối mức độ cạnh tranh đầu tư so với cổ phiếu, đồng thời làm tăng chi phí vốn cho các công ty và người tiêu dùng.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm, chỉ số thường biến động theo kỳ vọng lãi suất, đã tăng khoảng 90 điểm cơ bản kể từ giữa tháng 9/2024 do các nhà đầu tư giảm đặt cược vào mức cắt giảm lãi suất của Fed khi sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế sẽ có thể khiến lạm phát tăng trở lại.
Cho đến gần đây, cổ phiếu Mỹ có thể đã phớt lờ mức tăng lợi suất trái phiếu vì nó được thúc đẩy bởi dữ liệu kinh tế mạnh hơn dự kiến. Nhưng nhiều chính sách của ông Trump - từ cắt giảm thuế doanh nghiệp đến thuế quan - được cho là có thể gây ra lạm phát và có thể khiến lợi suất trái phiếu vượt 4,5% - mức độ mà một số nhà đầu tư đã cho là tiềm ẩn nguy cơ bất ổn trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Thật vậy, ngày 15//11 lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã vượt mức 4,5% lần đầu tiên kể từ tháng 5/2024. Trong vòng vài giờ sau đó, lợi suất đã giảm còn khoảng 4,43%, nhưng giá trị các giao dịch đã tăng thêm khoảng 5 triệu USD.
Thực chất, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã tăng lên sau khi Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell cho biết họ sẽ không vội vàng cắt giảm lãi suất khi xét đến tăng trưởng kinh tế vẫn vững chắc và lạm phát ở trên mục tiêu 2%.
"Nếu lợi suất tiếp tục có xu hướng tăng và không tìm thấy mức trần, tôi nghĩ rằng điều này sẽ trở thành vấn đề vì về cơ bản nó sẽ chuyển thành môi trường tiền tệ chặt chẽ hơn", bà Irene Tunkel, chiến lược gia trưởng về cổ phiếu Mỹ tại BCA Research, nhận xét.
Khi lợi suất tăng, sức hấp dẫn tương đối của cổ phiếu so với trái phiếu chính phủ Mỹ (sản phẩm đầu tư vốn được coi là không có rủi ro nếu lợi suất được trả đúng kỳ hạn), đã giảm đi.
Đơn cử, cổ phiếu của Pfizer, Moderna và các hãng dược phẩm khác đã giảm vào cuối tuần trước sau khi ông Trump chọn người hoài nghi về vắc-xin Robert F. Kennedy Jr. làm người đứng đầu Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh.
Ngoài ra, cổ phiếu của các nhà thầu quốc phòng và chính phủ bao gồm Leidos Holdings và General Dynamics cũng giảm, vì các nhà đầu tư lo ngại hậu quả tác động từ một cơ quan chính phủ mới do tỷ phú Elon Musk đứng đầu.
Tuy nhiên, sự không chắc chắn đã thúc đẩy một số nhà đầu tư "bán trước, xét sau (sell first, ask questions later)", ông King Lip, chiến lược gia trưởng tại BakerAvenue Wealth Management cho biết.
Trong khi đó, các chiến lược gia tại Bank of America cho biết rủi ro đối với dự báo tăng trưởng kinh tế 2,3% của họ vào năm tới là "rất lớn theo cả hai hướng" phần nào do chưa rõ các ưu tiên chính sách của ông Trump.
Các chiến lược gia Bank of America lưu ý rằng, tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể vượt 3% vào năm tới nếu chính quyền tập trung vào nới lỏng tài khóa và bãi bỏ quy định. Nhưng sự thay đổi mạnh mẽ sang hướng áp dụng thuế quan có thể gây ra một cuộc chiến thương mại và sau đó kéo nền kinh tế vào suy thoái.
Tất nhiên, thị trường cổ phiếu Mỹ vẫn ghi nhận những mã rộng đường tăng điểm. Điển hình là cổ phiếu của hãng xe điện Tesla của tỷ phú Elon Musk đã tăng 28% kể từ ngày bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 do các nhà đầu tư lạc quan cho rằng mối quan hệ chặt chẽ của ông Musk với Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ có lợi cho hãng xe này.
Hơn nữa, lịch sử cho thấy kể từ năm 1952 chứng khoán Mỹ có xu hướng hoạt động tốt hơn trong hai tháng cuối cùng của các năm bầu cử tổng thống, với S&P 500 tăng trung bình 3,3%, theo công ty tư vấn thị trường Truist.
Đó là lý do để thị trường tiếp tục lạc quan, cùng với lợi nhuận doanh nghiệp tăng mạnh mẽ và tăng trưởng lành mạnh, theo ông Ross Mayfield, chiến lược gia đầu tư tại công ty quản lý tài sản Baird Private Wealth Management.
"Còn rất nhiều thứ khác đang hỗ trợ cho thị trường", ông Mayfield nói thêm.
Đông Phong