1. Chứng khoán

Hiệu suất sinh lời kém, chứng khoán có còn là kênh đầu tư hấp dẫn?

Chứng khoán có hiệu suất sinh lời kém nhất từ đầu năm đến nay trong khi nhiều kênh đầu tư truyền thống như bất động sản và càng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Trên thế giới, giá vàng đã tăng tới 40% lên mức hơn 2.700 USD/ounce, kéo theo giá vàng trong nước vươn lên xấp xỉ 90 triệu đồng/chỉ, phá mọi kỷ lục từ trước đến nay.

Thị trường bất động sản cũng chứng kiến chung cư và giá đất tăng giá cục bộ nhưng phi mã tại Hà Nội.

Thậm chí, kênh đầu tư ít rủi ro là gửi tiết kiệm cũng khả quan khi lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng đã tăng lên gần 6%/năm cho những kỳ hạn dài.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán dao động trong biên độ hẹp và phân hóa mạnh, khiến nhà đầu tư khó kiếm lợi nhuận. Chán nản là tâm lý chung của nhà đầu tư chứng khoán từ đầu năm đến nay.

Thị trường chứng khoán kém hấp dẫn thể hiện ở thanh khoản sụt giảm. Tính riêng sàn HoSE, tháng 9 là thời điểm VN-Index trở lại gần vùng giá hồi tháng 5-6. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch chỉ đạt hơn 13,2 tỷ cổ phiếu, là tháng giảm thứ tư liên tiếp.

Theo Chứng khoán Rồng Việt, giá trị khớp lệnh tháng 9 giảm trên diện rộng với 71,5% số lượng cổ phiếu có sự sụt giảm về thanh khoản trung bình.

Bất chấp những yếu tố đó, theo các chuyên gia, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư tiềm năng trong năm tới. Ông Phạm Vũ Thăng Long, Giám đốc Nghiên cứu kinh tế vĩ mô HSC, cho rằng hiện không có nhiều kênh đầu tư tiềm năng.

Với kênh đầu tư an toàn nhất là gửi tiết kiệm, theo ông Long, các ngân hàng trong nước đang duy trì mức lãi suất thấp, với trần lãi suất tiết kiệm kỳ hạn sáu tháng ở mức thấp kỷ lục, khoảng 5,5% đối với các ngân hàng lớn.

“Với mức lạm phát dự kiến khoảng 4%, gửi tiết kiệm không còn là kênh đầu tư hấp dẫn. Khi tính toán đến lạm phát, lãi suất thực mà người gửi tiết kiệm nhận được rất thấp, thậm chí có thể âm”, ông Long nhìn nhận.

Vàng cũng không phải là một lựa chọn tốt trong bối cảnh hiện tại. Sau khi cơ quan quản lý thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát thị trường vàng, giá vàng nhẫn đã tiệm cận giá vàng miếng. Tuy nhiên, điều này gây ra lo ngại về khả năng suy giảm giá trị của kim loại quý này.

Ông Long nhận định kênh đầu tư vàng chứa đựng nhiều rủi ro về biến động giá, do đó không khuyến nghị đầu tư vào thời điểm này.

Về bất động sản, mặc dù chu kỳ phục hồi của thị trường này bắt đầu từ năm 2024, nhưng tốc độ tăng trưởng không thực sự ấn tượng.

Theo số liệu từ HSC, ngành bất động sản chỉ ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu từ 1-2%, trong khi giá nhà ở nhiều khu vực, đặc biệt là tại Hà Nội, đã tăng từ 10-20%.

Sự chênh lệch này làm dấy lên lo ngại về khả năng xảy ra bong bóng bất động sản nên ông Long cho rằng nhà đầu tư không nên tham gia vào thị trường bất động sản trong giai đoạn này.

“Nhà đầu tư nên lựa chọn gửi tiết kiệm ngắn hạn để bảo toàn vốn và có thể đợi cơ hội từ thị trường chứng khoán. Khi thị trường chứng khoán điều chỉnh, việc tăng tỷ trọng cổ phiếu sẽ mang lại lợi nhuận tốt hơn.”, chuyên gia từ HSC nhận định.

Bà Bùi Hoàng Minh, Trưởng phòng phân tích và tư vấn đầu tư khối khách hàng cá nhân của HSC cho biết, nhiều nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc giao dịch cổ phiếu trong năm 2024 và lo lắng về rủi ro thua lỗ trong ngắn hạn.

Mặc dù vậy, chứng khoán là kênh đầu tư dài hạn và đòi hỏi sự kiên nhẫn. Với nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, nhiều doanh nghiệp đã đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cao, tạo cơ hội lớn cho nhà đầu tư trong năm 2025.

“Thị trường chứng khoán năm 2025 sẽ tích cực hơn so với năm 2024, mở ra nhiều cơ hội mới cho nhà đầu tư kiên trì”, bà Minh chia sẻ.

Cổ phiếu ngân hàng vẫn là tâm điểm

Đánh giá về nhóm cổ phiếu tiềm năng trong năm 2025, các chuyên gia HSC đều đặt niềm tin vào cổ phiếu ngân hàng.

Theo bà Minh, các ngân hàng đang bắt đầu trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với các ngành khác, đặc biệt là so với rổ VN30.

Bước sang năm 2025, các ngân hàng sẽ không còn chịu áp lực về vốn như những năm trước, từ đó có thể duy trì cổ tức tiền mặt hấp dẫn.

Một động lực khác của ngành ngân hàng là các nhà băng quốc doanh như BIDV và Vietcombank đang chuẩn bị cho các đợt phát hành riêng lẻ bị trì hoãn nhiều năm.

Các chuyên gia HSC nhìn nhận, định giá của các "cổ phiếu vua" đang ở mức hấp dẫn, đặc biệt là các ngân hàng có tỷ lệ cho vay bất động sản cao.

Một số ngân hàng mà nhà đầu tư nên chú ý đến gồm Techcombank, MB và Sacombank, với mức định giá cổ phiếu trên giá trị sổ sách năm 2025 chỉ khoảng 1 lần.

Ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng phòng phân tích và tư vấn đầu tư - Khối khách hàng cá nhân của HSC, cho rằng nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục giữ vị trí quan trọng trong năm 2025.

“Phần lớn các đợt tăng của thị trường chứng khoán trong những năm qua đều có sự đóng góp từ nhóm cổ phiếu này, nhờ vào vốn hóa lớn và các yếu tố cơ bản ổn định”, ông Quý cho biết.

Trần Anh

Tin khác