1. Chứng khoán

Hiệu suất hoạt động của các quỹ mở biến động ra sao sau 9 tháng?

Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE). Ảnh: Hứa Chung/TTXVN

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9/2024, chỉ số VN-Index đạt 1.287,94 điểm, tăng 13,98% so với cuối năm 2023. Thị trường chứng khoán đã trải qua 9 tháng đầy biến động, chỉ số VN-Index có thời điểm giảm xuống dưới 1.200 điểm. Tuy nhiên, kết thúc quý III/2024, thị trường đã có nhiều sự hồi phục tích cực hơn.

Dù có nhiều biến động, song các quỹ đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn ghi nhận hiệu suất vượt trội hơn so với thị trường chung.

Theo Fmarket - nền tảng đầu tư quỹ mở hàng đầu Việt Nam, có 18 quỹ cổ phiếu đạt lợi nhuận cao hơn mức tăng trưởng của chỉ số VN-Index; trong đó, có 12 quỹ đạt lợi nhuận trên 20%.

Dẫn đầu thành tích lợi nhuận 9 tháng tiếp tục là quỹ VMEEF - Quỹ đầu tư cổ phiếu Kinh tế hiện đại của VinaCapital với lợi nhuận 34,16%, cao hơn nhiều so với chỉ số chung VN-Index.

Với việc tập trung danh mục vào cổ phiếu các công ty được hưởng lợi trực tiếp từ động lực phát triển kinh tế dài hạn của Việt Nam, quỹ VMEEF đang cho thấy khả năng hoạt động hiệu quả khi liên tục mang lại lợi nhuận hấp dẫn cho các nhà đầu tư.

Ở vị trí thứ 2 và thứ 3 lần lượt là các quỹ của Công ty Quản lý Quỹ SSI. Cụ thể, Quỹ đầu tư cổ phiếu Lợi thế cạnh tranh bền vững SSI (SSISCA) đạt lợi nhuận 31,21%, Quỹ chủ trương phân bổ nhiều vào các cổ phiếu midcap có tiềm năng tăng trưởng cao, tuy nhiên quỹ cũng linh hoạt nắm bắt các cơ hội đầu tư tại từng thời điểm để không bỏ lỡ các sóng tăng trưởng từ thị trường.

Tiếp đó là Quỹ đầu tư tăng trưởng dài hạn Việt Nam (VLGF) với lợi nhuận 28,89%. Đây là quỹ cổ phiếu năng động, tập trung nhiều hơn vào các cổ phiếu large-cap đầu ngành, có thanh khoản cao.

Cũng theo Fmarket, đây là 3 trong số 50 quỹ mở trên nền tảng này liên tiếp đạt thành tích tốt nhất trong thời gian gần đây.

Ngoài 3 quỹ trên, không ít quỹ cũng có lợi nhuận hấp dẫn trên 20%, bao gồm: BVPF (24,74%), VCBF-BCF (24,51%), MAGEF (23,72%), DCDS (23,56%), VEOF (22,21%), MAFEQI (22,1%), VESAF (20,84%), MBVF (20,39%), VCBF-MGF (20,21%) vượt xa so với chỉ số VN-Index với mức tăng trưởng 13,98%.

Hiệu suất đầu tư vượt trội của các quỹ mở đã và dần khẳng định được sự chuyên nghiệp và khả năng quản trị danh mục của các công ty quản lý quỹ. Dù trong điều kiện thị trường nào, đội ngũ chuyên gia quỹ luôn tìm thấy cơ hội và nhạy bén thay đổi chiến lược để tối ưu lợi nhuận mang lại cho nhà đầu tư.

Theo Fmarket, trong bối cảnh tình hình thị trường còn nhiều biến số, việc phân bổ một phần tài sản vào các sản phẩm quỹ mở là một giải pháp phù hợp cho việc gia tăng tài sản cho những tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025. Đây là kênh đầu tư tiềm năng dành cho các nhà đầu tư không chuyên khi vẫn duy trì được hiệu suất tốt giữa những diễn biến phức tạp của thị trường. Đồng thời, quỹ mở có thể giúp những nhà đầu tư gặp hạn chế về những yếu tố về tâm lý, kiến thức, kỹ năng, nguồn vốn và các quy định pháp lý về điều kiện tham gia thị trường đầy cạnh tranh.

Ở thời điểm hiện tại, mặc dù vẫn còn một số biến cố khó lường, tuy nhiên các yếu tố vĩ mô cơ bản dự báo có nhiều thuận lợi hỗ trợ thị trường chứng khoán trong thời gian tới. Đặc biệt, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm mạnh lãi suất 0,5 điểm % trong tháng 9 đã tạo ra nhiều dư địa cho chính sách tiền tệ của Việt Nam nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Đáng chú ý, các định chế tài chính vẫn duy trì dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024 và 2025; các vấn đề ảnh hưởng do siêu bão Yagi gây ra ở khu vực phía Bắc chỉ là gián đoạn tạm thời.

Bên cạnh các yếu tố vĩ mô, việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư sửa đổi quy định nhà đầu tư tổ chức nước ngoài không cần ký quỹ 100% trước khi giao dịch có hiệu lực từ đầu tháng 11/2024, đánh dấu một nút thắt quan trọng trong quá trình nâng hạng thị trường của chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới. Đây được xem là động lực thúc đẩy chứng khoán Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tích cực hơn trong dài hạn.

Hứa Chung (TTXVN)

Tin khác