1. Tài chính

Hết 3 quý, tăng trưởng tín dụng mới đạt gần 7%

Theo Phó thống đốc, trong những tháng đầu năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp; kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, nhiều quốc gia vẫn thắt chặt chính sách tiền tệ và duy trì xu hướng tăng lãi suất; giá dầu tăng cao, xung đột, thiên tai, biến đổi khí hậu… tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng, giá cả hàng hóa và dòng vốn đầu tư toàn cầu.

Là nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam cũng chịu những tác động lớn từ bên ngoài. Trong bối cảnh trên, thực hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trên cơ sở bám sát diễn biến vĩ mô trong và ngoài nước, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn hệ thống ngân hàng thực hiện các giải pháp để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và đặc biệt chú trọng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận vốn vay.

(Ảnh minh họa)

Tính đến 29/9/2023 tăng trưởng tín dụng tăng 6,92% so với cuối năm 2022, tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng cao.

Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước thông tin, trước bối cảnh trong và ngoài nước có nhiều biến động, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động điều hành tín dụng phù hợp, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế. Cụ thể, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 khoảng 14-15% (cao hơn tăng trưởng các năm trước), có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Đến ngày 29/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,749 triệu tỷ đồng, tăng 6,92%.

Về điều hành giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục điều chỉnh giảm 04 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5 - 2,0%/năm, trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao.

Theo ông Bắc, đến nay, mặt bằng lãi suất thị trường đã có xu hướng giảm (lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới giảm khoảng hơn 1,0% so với cuối năm 2022). Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước thực hiện nhiều biện pháp để giảm lãi suất cho vay như.

Đến nay, các tổ chức tín dụng cam kết tổng tiền lãi được giảm khoảng 22.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng chủ động triển khai các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng trong những ngành, lĩnh vực chủ chốt như bất động sản; một số mặt hàng nông sản chủ lực như lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long, thủy sản, cà phê…

Gần đây nhất, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản với quy mô khoảng 15.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam thấp hơn tối thiểu từ 1%-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn; trung, dài hạn) của chính ngân hàng cho vay, thời gian triển khai đến hết 30/6/2024. Đến nay đã có 13 ngân hàng thương mại đã đăng ký tham gia chương trình và đã thực hiện cho vay với doanh số giải ngân đạt gần 5.500 tỷ đồng, cho 2.000 lượt khách hàng vay vốn.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN. Đếncuối tháng 8/2023, lũy kế tổng giá trị nợ (gốc và lãi) được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ gần 121.000 tỷ đồng, với gần 124.000 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách, kế hoạch nhằm tạo thuận lợi cho chuyển đổi số ngành Ngân hàng nhằm giúp các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, số hóa nhiều nghiệp vụ để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và người dân.

Hải Đăng

Tin khác