Hé lộ điểm sáng lợi nhuận quý III
Theo ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dabaco (mã DBC), trong tháng 8, Công ty đạt doanh thu 2.024 tỷ đồng, tăng 11% so với tháng trước đó. Tính chung hai tháng đầu quý III, doanh thu của Dabaco ghi nhận mức tăng 12% so với 2 tháng liền kề trước đó và tăng 33% so với cùng kỳ năm trước.
Giá heo hơi neo cao, trong khi giá thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt, theo lãnh đạo Dabaco, là hai động lực chính giúp Công ty có thể đạt được tăng trưởng cao trong quý III/2024.
Dữ liệu thị trường cho thấy, giá heo hơi ngày 20/9/2024 tại miền Bắc đã chạm mốc 70.000 đồng/kg. Trước đó, trong tháng 7, tháng 8, giá heo dao động trong khoảng 62.000 - 66.000 đồng/kg.
Cũng theo ông So, Công ty đang cố gắng để nỗ lực hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm nay với doanh thu 25.380 tỷ đồng, lãi ròng dự kiến gần 730 tỷ đồng. Hiện Dabaco đang hoàn tất các bước cuối cùng để đồng bộ hóa nhà máy sản xuất và phấn đấu thương mại hóa vắc-xin dịch tả lợn châu Phi (ASF) trong quý IV/2024.
Thông tin từ Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã TCM) cho biết, trong tháng 8/2024, Công ty ước đạt doanh thu 16 triệu USD (393 tỷ đồng), lãi sau thuế hơn 1 triệu USD (hơn 24 tỷ đồng), lần lượt tăng 28% và 37% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2024, Công ty đạt doanh thu hơn 107 triệu USD (2.631 tỷ đồng), tăng 17% so với cùng kỳ và thực hiện được 68% kế hoạch năm; lãi sau thuế hơn 8 triệu USD (196 tỷ đồng), tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt 18% mục tiêu cả năm.
Kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm của TCM phản ánh bức tranh chung tích cực của ngành dệt may. Hàng loạt doanh nghiệp trong ngành này như Tập đoàn Dệt may Việt Nam (mã VGT), Công ty cổ phần May Sông Hồng (mã MSH), Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (mã TNG), TCM được dự báo duy trì đà tăng trưởng tốt trong quý III/2024 nhờ hiệu ứng nền so sánh cùng kỳ ở mức thấp và biên EBIT (thu nhập trước lãi vay và thuế) cải thiện. Xu hướng hồi phục về doanh thu được dự báo sẽ rõ nét hơn khi đơn hàng năm nay rất dồi dào.
Nhận định được FiinGroup đưa ra, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết sẽ tiếp tục khả quan trong quý III/2024 nhờ nền so sánh là mức đáy trong 6 quý trở lại đây được thiết lập trong quý III/2023.
Đây cũng là quý mà hai ngành chủ chốt bao gồm ngân hàng và bất động sản cùng có kết quả kinh doanh kém và lợi nhuận của nhóm còn lại, ngoại trừ thép, chứng khoán, dầu khí gần như chưa hồi phục hoặc hồi phục rất chậm.
Cũng theo FiinGroup, nhóm hàng tiêu dùng dự báo đạt tăng trưởng vượt trội về lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ nhờ doanh thu tăng trưởng và biên EBIT cải thiện, dẫn dắt bởi bán lẻ (đại diện là MWG, FRT).
Trong khi đó, doanh nghiệp ngành sữa (với đại diện là VNM), đồ uống (đại diện là SAB), thực phẩm (đại diện là MSN) dự báo ghi nhận mức tăng trưởng thấp hơn mức trung bình của nhóm phi tài chính, nhưng đây sẽ là kết quả kinh doanh vượt kỳ vọng.
Với cầu tiêu dùng dự kiến sẽ hồi phục mạnh hơn và biên lợi nhuận duy trì mở rộng (nhờ kiểm soát tốt chi phí đầu vào), triển vọng tăng trưởng trong quý III và quý IV/2024 dự kiến vẫn khá tích cực với hầu hết các ngành này. Yếu tố lợi nhuận quý III tiếp tục hồi phục mạnh là cơ hội để tích lũy cổ phiếu tăng trưởng tốt.
Ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư vẫn đánh giá cao các cổ phiếu đầu ngành thuộc VN30 khi cho rằng, nhóm cổ phiếu này sẽ thu hút được dòng tiền khi kỳ báo cáo kết quả kinh doanh quý III đang dần hé lộ.
Hoàng Minh