Hành trình lao dốc của cổ phiếu Nhựa Đông Á
Công ty Cổ phần Tập đoàn Nhựa Đông Á (Nhựa Đông Á, mã chứng khoán DAG) đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng khi lỗ lũy kế đã vượt quá vốn chủ sở hữu. Tình trạng tài chính bấp bênh này không chỉ làm giảm giá trị cổ phiếu trên thị trường mà còn làm gia tăng lo ngại về khả năng tiếp tục hoạt động của công ty trong tương lai.
Hủy niêm yết cổ phiếu
Ngày 9/10, bà Trần Anh Đào, Phó Tổng giám đốc phụ trách Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HoSE) đã ký văn bản thông báo về việc xem xét hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu DAG của Nhựa Đông Á. Theo HoSE, từ khi cổ phiếu DAG bị đình chỉ giao dịch đến nay, công ty vẫn chưa khắc phục được các vi phạm về công bố thông tin, điều này có thể tiếp tục kéo dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của cổ đông.
HoSE cũng nhấn mạnh rằng, quyết định này được đưa ra dựa trên quy định tại Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020, cùng với ý kiến từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
Từ ngày 8/8, cổ phiếu DAG đã bị đình chỉ giao dịch do Nhựa Đông Á vi phạm quy định công bố thông tin. Ngày 4/10, cổ phiếu này tiếp tục bị đưa vào diện kiểm soát do công ty chậm nộp báo cáo tài chính bán niên 2024 quá 30 ngày so với quy định.
Trong khi đó, Nhựa Đông Á cho biết, sự chậm trễ này là do biến động nhân sự trong bộ phận kế toán và trục trặc kỹ thuật khi chuyển đổi phần mềm kế toán mới. DAG dự kiến sẽ hoàn thành báo cáo tài chính và công bố trong tháng 10/2024.
Ngoài ra, cổ phiếu DAG cũng đã bị cảnh báo từ ngày 8/8 vì công ty kiểm toán có ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm 2023, khi lỗ lũy kế của Nhựa Đông Á tính đến 31/12/2023 lên đến 588 tỷ đồng.
Khó khăn chồng chất
Báo cáo tài chính hợp nhất của Nhựa Đông Á cho thấy, nửa đầu năm 2024, công ty chỉ ghi nhận doanh thu 55,3 tỷ đồng, giảm 94% so với cùng kỳ năm ngoái (1.215 tỷ đồng). Chi phí lãi vay, chi phí quản lý và kinh doanh dưới giá vốn đã khiến Nhựa Đông Á lỗ ròng gần 67 tỷ đồng.
Nợ phải trả của Nhựa Đông Á hiện lên đến 1.367,5 tỷ đồng, trong đó, nợ ngắn hạn chiếm 733,6 tỷ đồng và nợ dài hạn là 412 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty đã trích lập dự phòng gần 480 tỷ đồng cho các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi và giảm giá hàng tồn kho, khiến nguy cơ mất vốn gia tăng.
Cùng với đó, Nhựa Đông Á cũng đang bị khởi kiện bởi nhiều ngân hàng lớn như Woori Việt Nam, VPBank, Eximbank và HDBank do chưa thanh toán gốc và lãi các khoản vay. Công ty cũng từng bị Cục thuế TP. Hà Nội cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng vì nợ thuế.
Từ đỉnh cao đến vực thẳm
Trước khi rơi vào khó khăn, Nhựa Đông Á từng là một trong những doanh nghiệp nhựa hàng đầu với lãi ròng hàng năm trên 50 tỷ đồng. Thời kỳ đỉnh cao nhất của công ty là giai đoạn từ 2010 đến 2019, khi doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng ấn tượng.
Tuy nhiên, từ năm 2020, doanh thu của công ty bắt đầu trồi sụt, biên lợi nhuận gộp thu hẹp và lợi nhuận ròng sụt giảm mạnh. Lãi ròng của Nhựa Đông Á giảm từ 53 tỷ đồng năm 2019 xuống còn 9,8 tỷ đồng năm 2020, tiếp tục giảm xuống 5,9 tỷ đồng năm 2021 và chỉ đạt 7,4 tỷ đồng năm 2022.
Thời kỳ hoàng kim của cổ phiếu DAG vào giai đoạn 2021-2022 đã chứng kiến mức giá hơn 18.000 đồng/cổ phiếu, thu hút đông đảo nhà đầu tư. Nhưng hiện tại, hành trình lao dốc của DAG khiến công ty phải đối mặt với nhiều thách thức và đứng trước nguy cơ hủy niêm yết.
Theo các chuyên gia phân tích, một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp đang trên đà làm ăn thịnh vượng sa sút về kết quả kinh doanh là do quản trị kém hiệu quả, thiếu hụt nhân sự giỏi và gặp khó khăn trong quy trình quản lý thông tin tài chính. Trường hợp của Nhựa Đông Á cho thấy dù có giai đoạn đạt doanh thu và lợi nhuận ấn tượng, nhưng nếu không duy trì sự ổn định và minh bạch trong hoạt động quản trị, kinh doanh doanh nghiệp có thể dễ dàng rơi vào tình trạng khó khăn.
Hòa Bình