1. Chứng khoán

Hai đại gia ở Gia Lai chậm trả nợ trái phiếu

Nguy cơ DLG bị hủy niêm yết

Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã chứng khoán: DLG) vừa có văn bản gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) báo cáo về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu của DLG.

Theo đó, Đức Long Gia Lai xin trả chậm hơn 70 tỷ đồng tiền gốc cho lô trái phiếu 30122017-01, kỳ hạn 5 năm, ngày phát hành 30/12/2017 và ngày thanh toán theo kế hoạch là 30/12/2022. Tại thời điểm ngày 30/6, tổng số tiền gốc phải thanh toán là gần 72 tỷ đồng nhưng đến ngày 30/9, DLG mới thanh toán 1,5 tỷ đồng nên số nợ gốc còn lại là gần 70,4 tỷ đồng.

Tại thời điểm ngày 30/9, DLG mới thanh toán 1,5 tỷ đồng nên số nợ gốc còn lại là gần 70,4 tỷ đồng.

DLG cho biết, công ty đang đàm phán và thỏa thuận với nhà đầu tư trái phiếu để gia hạn và kéo dài thời gian trả nợ gốc, lãi theo quy định của pháp luật.

Nguyên nhân dẫn đến việc trả chậm là do ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh kéo dài, đã ảnh hưởng trực tiếp và khiến tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, lãi suất tăng cao, tín dụng siết chặt… dẫn đến dòng tiền còn hạn chế chưa đáp ứng theo kế hoạch thanh toán cho trái chủ.

Ngoài ra, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) vừa có lưu ý về khả năng cổ phiếu DLG bị hủy niêm yết bắt buộc. Trước đó, cổ phiếu DLG bị chuyển từ diện cảnh báo sang kiểm soát từ ngày 11/4 do báo cáo tài chính kiểm toán trong 2 năm gần nhất (2022 và 2023) có lợi nhuận sau thuế là số âm và tổ chức kiểm toán có ý kiến ngoại trừ 2 năm liên tiếp (2022 và 2023).

Ngày 28/9, HoSE đã nhận được báo cáo tài chính riêng và hợp nhất soát xét bán niên năm 2024 của DLG. Theo đó, báo cáo vẫn tồn tại ý kiến kiểm toán ngoại trừ.

Căn cứ theo quy định điểm h khoản 1 Điều 120 Nghị quyết số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020, cổ phiếu DLG có khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc nếu báo cáo tài chính kiểm toán năm nay tiếp tục có ý kiến loại trừ.

Trong nửa đầu năm nay, Đức Long Gia Lai ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất hơn 594 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ hoạt động kinh tế khởi sắc. Điều này giúp cho lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt hơn 61 tỷ đồng, tăng 77% so với cùng kỳ.

Nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

Tương tự, tại thời điểm ngày 30/9, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG) phải thanh toán tiền lãi trái phiếu mã HAGLBOND16.26 gần 137 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền lãi chậm thanh toán lũy kế đến ngày 30/9 là hơn 3.486 tỷ đồng, số tiền nợ gốc chậm thanh toán lũy kế tính đến ngày 30/9 là 1.015 tỷ đồng. Như vậy, tổng lãi và nợ gốc chậm thanh toán đối với trái phiếu mã HAGLBOND16.26 lên tới hơn 4.501 tỷ đồng.

Lý do chậm thanh toán được Hoàng Anh Gia Lai đưa ra là do chưa thu đủ nguồn tiền từ khoản nợ của Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HNG) và chưa thanh lý được một số tài sản không sinh lợi của công ty. Hoàng Anh Gia Lai dự kiến sẽ thanh toán phần còn lại trong quý IV/2024.

Hoàng Anh Gia Lai có tổng nợ lãi và gốc chậm thanh toán trái phiếu mã HAGLBOND16.26 lên tới hơn 4.501 tỷ đồng.

Nửa đầu năm 2024, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận doanh thu hơn 2.762 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 500 tỷ đồng. Trong báo cáo tài chính kiểm toán bán niên năm 2024 của Hoàng Anh Gia Lai, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam nhấn mạnh: tại thời điểm ngày 30/6, HAG có khoản lỗ lũy kế 957 tỷ đồng và tại ngày này, nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn hơn 350 tỷ đồng.

“Các điều kiện này cùng với những vấn đề khác được nêu trong thuyết minh cho thấy, có sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu, có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Hoàng Anh Gia Lai”, Ernst & Young Việt Nam nhấn mạnh.

Lý giải lo ngại của kiểm toán, Hoàng Anh Gia Lai cho biết, tại thời điểm ngày 30/6, công ty đã lập kế hoạch kinh doanh cho 12 tháng tiếp theo, bao gồm dòng tiền dự kiến sẽ được tạo ra từ việc thanh lý một phần các khoản đầu tư tài chính, thanh lý tài sản, thu hồi các khoản cho vay từ các đối tác, tiền đi vay các ngân hàng thương mại và dòng tiền hoạt động tạo ra từ các dự án đang triển khai.

Hoàng Anh Gia Lai vẫn đang trong quá trình làm việc với các bên cho vay về việc điều chỉnh các điều khoản đã bị vi phạm của các hợp đồng vay và trái phiếu có liên quan, đồng thời đàm phán tái cơ cấu một số khoản nợ quá hạn. Trong đó, hoạt động kinh doanh từ heo (lợn) và chuối tiếp tục tạo ra nguồn tiền lớn trong năm 2024.

Duy Quang

Tin khác