Hà Nội: Quy mô tài sản doanh nghiệp liên quan đến tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng 223%, chủ yếu đến từ dự án 'nóng rần rần' tại Cổ Loa, Đông Anh
CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC - mã VEF) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2024, ghi nhận doanh thu thuần chưa đến 4 tỷ đồng và lợi nhuận gộp đạt gần 800 triệu đồng. Mặc dù con số này có sự cải thiện so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng hoạt động kinh doanh cốt lõi vẫn chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu doanh thu của doanh nghiệp.
Điểm sáng trong kết quả kinh doanh của VEFAC tiếp tục đến từ mảng tài chính, đặc biệt là lãi từ các khoản đầu tư và cho vay. Trong quý III, doanh thu tài chính của công ty đạt 129 tỷ đồng, tuy nhiên con số này đã giảm 14% so với cùng kỳ năm 2023.
Đồng thời, chi phí tài chính cũng tăng lên, ghi nhận 11,5 tỷ đồng trong quý. Kết quả, VEFAC đạt lãi ròng 84,6 tỷ đồng, giảm 27% so với quý III/2023. Tính đến hết 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế lũy kế của công ty đạt 264,4 tỷ đồng, giảm 23% so với năm trước.
VEFAC là một doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Vingroup, với Vingroup nắm giữ hơn 83% cổ phần. Công ty này hiện đang là chủ đầu tư của hai dự án lớn là Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia tại Cổ Loa và Khu đô thị Vinhomes Global Gate, với tổng mức đầu tư lên đến 35.000 tỷ đồng. Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia, với quy mô 90ha, được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những trung tâm triển lãm hàng đầu thế giới.
Trong bối cảnh công ty tiếp tục phát triển các dự án quy mô lớn, quy mô tài sản của VEFAC đã có sự gia tăng đáng kể. Tổng tài sản của công ty đã tăng từ 10.999 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2024 lên 35.582 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2024, tương đương mức tăng 223%. Trong đó, phần lớn sự tăng trưởng đến từ chi phí sản xuất kinh doanh tại dự án Vinhomes Cổ Loa, với giá trị lên tới 21.982 tỷ đồng. Khoản phải thu từ Vinhomes cũng ghi nhận mức tăng vọt, đạt 11.371 tỷ đồng.
Điểm đáng chú ý là VEFAC không sử dụng các khoản vay nợ để huy động vốn cho các dự án này. Thay vào đó, công ty đã tận dụng dòng tiền từ các khoản người mua trả trước, với con số ghi nhận là 12.200 tỷ đồng vào cuối quý III.
Khoản phải trả ngắn hạn khác của công ty cũng tăng mạnh, đạt hơn 14.000 tỷ đồng, chủ yếu đến từ các khoản vốn của Vingroup và các đối tác doanh nghiệp.
Mặc dù đối diện với áp lực tài chính và chi phí tăng cao, VEFAC vẫn duy trì tình hình tài chính ổn định nhờ các khoản đầu tư mang lại lợi nhuận và việc kiểm soát tốt chi phí vay nợ. Tuy nhiên, trong các quý tới, dự kiến lợi nhuận từ mảng tài chính của VEFAC có thể sẽ giảm khi công ty đã thu hồi hơn 3.000 tỷ đồng từ các đối tác vay vào cuối tháng 9.
An Vũ