1. Tài chính

Hà Nam: Miễn giảm lãi vay, cho vay mới để doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão lũ

Bão số 3 đã trực tiếp đổ bộ và gây ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh Hà Nam từ chiều ngày 7/9, gây mưa và gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 9.

Thời điểm lũ trên hệ thống các sông chảy qua địa bàn tỉnh Hà Nam dâng cao đã khiến nhiều doanh nghiệp bị ngập lụt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh.

Lũ dâng cao trên hệ thống sông Hồng gây ngập úng cho Nhà máy gạch tuynel của Công ty TNHH Minh Hiếu (xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân). Đây là một trong những doanh nghiệp được đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại có công suất 40 triệu viên/năm. Nước tràn vào nhà máy gây ngập lụt toàn bộ hệ thống lò nung, làm ngập nhiều mô tơ cỡ lớn; làm hỏng hàng chục triệu viên gạch mộc chưa nung… gây thiệt hại hàng tỷ đồng.

Nhà xưởng của Công ty cổ phần VLXD Lý Nhân bị tốc mái do bão số 3.

Cũng như Công ty TNHH Minh Hiếu, cơn bão số 3 đã làm hàng trăm m2 mái che của Công ty cổ phần VLXD Lý Nhân (xã Nhân Mỹ, Lý Nhân) bị tốc mái; hệ thống lò nung, mô tơ điện bị nước tràn vào gây thiệt hại 500 – 600 triệu đồng.

Trong thời gian này, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam đang nỗ lực tự khắc phục thiệt hại sau bão song cũng rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng.

Việc thực hiện chính sách hoãn, giãn nợ và giảm lãi suất là những giải pháp vô cùng cần thiết để giúp doanh nghiệp đứng vững trong thời gian khủng hoảng; khắc phục được khó khăn trước mắt, thúc đẩy phát triển dài hạn khi các nguồn vốn được giải phóng và dòng tiền có thể tiếp tục lưu thông.

Đối với các ngân hàng cũng nên giảm bớt thủ tục cho vay, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề. Theo tổng hợp của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Hà Nam, trên địa bàn tỉnh có 219 khách hàng của các ngân hàng thương mại bị thiệt hại 219 tỷ đồng và dư nợ thiệt hại của khách hàng đến hết tháng 9 năm 2024 là 386 tỷ đồng.

Các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm lãi suất cho 33 khách hàng, dư nợ được miễn, giảm lãi là 23 tỷ đồng; cho vay mới 03 khách hàng, với doanh số 1,4 tỷ đồng. Một số ngân hàng vẫn đang tiếp tục thống kê mức độ thiệt hại để tiếp tục hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão lũ.

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh sau bão lũ, các doanh nghiệp kiến nghị: Chính phủ và cơ quan chức năng cần triển khai kịp thời, đồng bộ chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp có thể tái thiết sản xuất. Các ngân hàng cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp bằng việc giãn hoãn các khoản vay trước đó, đồng thời, có chính sách giảm lãi suất phù hợp.

Cơ quan thuế nghiên cứu xem xét miễn giảm, giãn hoãn một số loại thuế, phí. Các ngành và các cấp cần có chính sách hỗ trợ sự phục hồi hoàn toàn của khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng với lãi suất hợp lý…

Trần Anh

Tin khác