1. Chứng khoán

Hà Đô bị phạt về thuế hơn 7,6 tỷ, làm ăn sao?

Mới đây, Công ty CP Tập đoàn Hà Đô (Mã: HDG) công bố đã nhận được quyết định xử phạt từ Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) về vi phạm hành chính qua kiểm tra thuế.

Theo đó, Tập đoàn Hà Đô khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp; công ty lập hóa đơn không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế. Việc này tái diễn nhiều lần. Đồng thời, công ty sử dụng hóa đơn không đúng quy định.

Với những vi phạm trên, Tổng Cục Thuế quyết định xử phạt Tập đoàn Hà Đô số tiền gần 4,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, Tập đoàn Hà Đô phải nộp đủ số tiền thuế thiếu vào ngân sách nhà nước là hơn 1 tỷ đồng và tiền tiền chậm nộp thuế là hơn 2,1 tỷ đồng. Số tiền chậm nộp thuế này được tính đến hết ngày 25/9. Như vậy, tổng số tiền xử lý về thuế là hơn 7,6 tỷ đồng.

Ảnh minh họa.

Hà Đô được thành lập năm 1990, tiền thân là xí nghiệp xây dựng trực thuộc Viện Kỹ thuật Quân sự (Bộ Quốc Phòng). Năm 2010, Hà Đô chuyển thành mô hình công ty cổ phần và niêm yết trên sàn chứng khoán với mã HDG.

Công ty đang kinh doanh trong nhiều lĩnh vực như bất động sản, năng lượng, đầu tư tài chính. Trong lĩnh vực bất động sản, Hà Đô là chủ đầu tư của nhiều chung cư, khu đô thị như Hado Charm Villas quy mô 30 ha tại huyện Hoài Đức (Hà Nội), Centrosa Garden gần 7 ha ở quận 10 (TP HCM). Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng có 3 nhà máy điện gió, mặt trời và 5 nhà máy thủy điện.

Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý II/2024, Hà Đô ghi nhận doanh thu thuần gần 560 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, nhờ tiết giảm được chi phí lãi vay và các chi phí khác, lợi nhuận của doanh nghiệp tăng 46% lên hơn 111 tỷ đồng.

Năm nay, Tập đoàn Hà Đô đặt mục tiêu doanh thu 2.896 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 972 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, Hà Đô ghi nhận hơn 1.407 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 376 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm lần lượt 10% và 13% so với cùng kỳ năm ngoái, lần lượt hoàn thành 49% và 39% kế hoạch đề ra.

Tính đến ngày 30/6/2024, Tập đoàn Hà Đô đang có khoản vay ngắn hạn khoảng 395 tỷ đồng, vay dài hạn trên 550 tỷ đồng. Trong khoản vay ngân hàng, chủ nợ lớn nhất của Tập đoàn Hà Đô là Ngân hàng Shinhanbank - chi nhánh Trần Duy Hưng với số tiền hơn 109 tỷ đồng.

Năm nay, Hà Đô dự kiến doanh thu bất động sản năm đạt 1.000 tỷ đồng (gấp 3,5 lần năm 2023), chủ yếu nhờ ghi nhận doanh thu từ Charm Villas – giai đoạn 3 trong nửa cuối năm 2024. Doanh nghiệp cho biết sẽ tập trung vào mua lại các dự án bất động sản nhà ở mới trong giai đoạn 2024 - 2025 nhờ nguồn tiền mặt dồi dào và dòng tiền ổn định từ mảng năng lượng.

Hồi cuối tháng 7 vừa qua, ông Nguyễn Trọng Thông, sinh năm 1953, Chủ tịch, người sáng lập Hà Đô đã xin nghỉ với lý do tuổi tác, sức khỏe. HĐQT Tập đoàn Hà Đô sau đó bổ nhiệm ông Lê Xuân Long làm Chủ tịch và ông Nguyễn Trọng Minh (con trai cựu Chủ tịch Nguyễn Trọng Thông) giữ vai trò CEO.

Khánh Hoài (tổng hợp)

Tin khác