1. Tài chính

Gỡ 'nút thắt' cho 1.300 mã trái phiếu, đưa thị trường thoát cảnh 'chợ chiều'

Theo quy định khoảng 1.300 mã trái phiếu sẽ phải lên sàn trong 3 tháng tính từ khi sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ đi vào vận hành. Theo các chuyên gia để đạt được mục tiêu cần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp để tiếp tục khơi thông kênh dẫn vốn từ thị trường TPDN.

95% TPDN chưa lên sàn

Nhiều công ty chứng khoán cho biết, sau những nỗ lực “nắn chỉnh” của các cơ quan quản lý, đang chứng kiến sự trở lại của nhiều nhà đầu tư trái phiếu, thị trường TPDN đang dần hồi sinh. Từ tháng 6 đến nay số lượng phát hành TPDN mỗi tháng lên đến hàng chục nghìn tỷ mỗi tháng.

Trong tháng 8 là 30 đợt trái phiếu riêng lẻ được phát hành với tổng giá trị hơn 30.600 tỷ đồng.

Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu (VBMA), số đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trong tháng 8 là 30 đợt với tổng giá trị hơn 30.600 tỷ đồng. Các đợt phát hành trong tháng 8 có lãi suất trung bình 9,18%/năm, kỳ hạn chủ yếu từ 2-5 năm.

Xét về giá trị mua lại trái phiếu tháng 8, các doanh nghiệp vừa qua phải mua lại khoảng gần 17.500 tỷ đồng trái phiếu trên tổng số hơn 27.854 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn.

Bên cạnh đó, hơn 10.000 tỷ đồng trái phiếu được đàm phán gia hạn thành công cho thấy nhà đầu tư có niềm tin hơn vào kênh trái phiếu cũng như triển vọng phục hồi của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận trái chủ và doanh nghiệp vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Việc này tạo không ít áp lực cho doanh nghiệp về dòng tiền trả nợ. Trong khi đó, sàn giao dịch TPDN tập trung vẫn đang hoạt động rất "èo uột" do ít mã trái phiếu.

Cơ quan quản lý sẽ tiếp tục tháo gỡ vướng mắc giai đoạn vừa qua để các thành viên thị trường đưa trái phiếu lên sàn thuận lợi theo quy định.

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính)

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, tính đến thời điểm hiện nay mới có 60 trái phiếu của 7 doanh nghiệp đăng ký giao dịch, với khối lượng chỉ đạt khoảng 5% tổng giá trị trái phiếu bắt buộc đăng ký trên thị trường.

Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), giá trị giao dịch trái phiếu qua sàn bình quân đã tăng lên hơn 450 tỷ đồng/phiên. Tuy nhiên, số lượng mã trái phiếu đang tăng khá chậm, nguyên nhân do nhiều doanh nghiệp chưa hoàn thiện hồ sơ đăng ký, chưa hiểu đúng về quy trình, thủ tục để đăng ký giao dịch.

"Hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn đang tìm hiểu thủ tục đăng ký, lưu ký và giao dịch tập trung. Câu hỏi mà họ thắc mắc nhiều nhất là họ làm không kịp thì như thế nào; Các quy định về công bố thông tin, cần phải thực hiện như thế nào và qua các phương tiện đại chúng ra sao?", bà Vũ Thị Thúy Ngà, Phó Tổng Giám đốc HNX, cho biết.

Thông tin Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD), hiện mới có hơn 100 hồ sơ được gửi về. Mỗi ngày, tổng công ty đang xử lý khoảng 20-30 hồ sơ và gửi sang cho HNX. Như vậy, ngày 19/10 là hạn cuối cùng để hơn 1.200 TPDN phát hành riêng lẻ phải lên sàn giao dịch tập trung, nếu không muốn bị xử phạt.

Cần có thêm các quy định pháp lý rõ ràng để bảo vệ nhà đầu tư

Để gỡ những nút thắt về sự chậm trễ này, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho rằng, bên cạnh nâng cấp chất lượng sản phẩm và tính minh bạch, điều quan trọng để thu hút người mua trở lại với kênh trái phiếu phải là tính thông suốt.

Việc thiếu một công cụ đánh giá đã và đang khiến không ít nhà đầu tư đi giao dịch trái phiếu định giá mặt hàng theo lãi suất như gửi tiết kiệm. Để tránh sự lẫn lộn giữa rủi ro và cơ hội đầu tư, hiện nay nhiều công ty chứng khoán cũng đang chủ động phối hợp với đơn vị xếp hạng tín nhiệm cho các sản phẩm trái phiếu mà doanh nghiệp phân phối, để cho nhà đầu tư một cái nhìn rõ hơn trước khi ra quyết định mua trái phiếu thay vì chỉ nhìn vào lãi suất.

Bà Nguyễn Thị Hoạt, Phó Tổng Giám đốc, Công ty CP Chứng khoán Kỹ thương Việt Nam, thông tin: "Đưa đơn vị xếp hạng tín nhiệm vào chính là cách đưa người đồng hành đến nhà đầu tư và để họ có đầy đủ thông tin, họ quyết định sản phẩm phù hợp với mình. Khi quyết định sản phẩm phù hợp với mình nhất, đó chính là cách thị trường phát triển bền vững nhất, qua đó tạo niềm tin cho nhà đầu tư".

Để tăng tính thanh khoản cho sản phẩm trái phiếu phát hành, nhiều chuyên gia cũng khuyến nghị doanh nghiệp có thể xem xét chọn cách phát hành trái phiếu ra công chúng thay vì chỉ tập trung vào kênh riêng lẻ cho nhà đầu tư chuyên nghiệp

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam, cho biết: "Doanh nghiệp khi chấp nhận phát hành riêng lẻ thì khả năng tiếp cận cộng đồng đầu tư bị thu hẹp so với công chúng. Riêng lẻ là làm việc trực tiếp nhiều với nhà đầu tư, tổ chức chuyên nghiệp và sẽ chịu khá nhiều điều kiện theo họ".

Phát hành công chúng dù chi phí cao hơn nhưng tất cả người dân đại chúng đều có thể được tiếp cận. Trong môi trường lãi suất tiết kiệm thấp chỉ 5-6%/năm, những trái phiếu công chúng có lợi suất hấp dẫn trung bình 9 - 10%/năm chắc chắn cũng sẽ thu hút không nhỏ lượng nhà đầu tư quan tâm trở lại kênh đầu tư trái phiếu.

Khoản 3, điều 18, Nghị định số 156 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, quy định rất rõ mức phạt liên quan đến hành vi không đăng ký giao dịch hoặc đăng ký giao dịch không đúng thời hạn. Theo đó, việc quá hạn từ 1 tháng đến trên 12 tháng, tùy theo mức độ quá hạn sẽ bị xử phạt từ mức thấp nhất là 10 triệu đồng đến cao nhất là 400 triệu đồng, đồng thời có thể bị xử lý vi phạm bổ sung.

Thanh Hoa

Tin khác