Giữa 'cơn lốc' lạm phát, kinh tế Mỹ dần phục hồi sau hai quý suy giảm liên tục
Quý III/2022 đã cho thấy những biến động trái chiều của nền kinh tế Mỹ. Lạm phát vẫn ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ qua và Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã tăng mạnh lãi suất 5 lần trong năm nay để kiềm chế lạm phát và dự định sẽ tiếp tục tăng liên tiếp trong thời gian tới.
Nhiều chuyên gia kinh tế lo lắng về khả năng suy thoái của nền kinh tế trong một năm tới. Họ nghi ngại những nỗ lực chóng lạm phát của Fed có thể gây áp lực lên nền kinh tế, đặc biệt khi lãi suất cao đã bắt đầu ảnh hưởng xấu đến thị trường nhà ở và thị trường chứng khoán. Giá cổ phiếu trên đà suy giảm và đang đi theo kịch bản tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Bên cạnh những gam màu tối, nền kinh tế Mỹ vẫn le lói những điểm sáng. Thị trường việc làm đã dần hạ nhiệt, có thêm nhiều công việc mới và tỷ lệ thất nghiệp giảm dần.
Theo khảo sát của WSJ từ các chuyên gia kinh tế, ước tính nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng khoảng 2,3% hàng năm, được điều chỉnh do tình trạng lạm phát cao điểm từ tháng 7 đến tháng 9/2022.
Trong năm nay, các cuộc khảo sát về sự hài lòng của các hộ gia đình và các lãnh đạo doanh nghiệp đã sụt giảm đáng kể. Tâm lý người tiêu dùng Mỹ đang ở mức gần như thấp nhất trong lịch sử, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu những năm 2007-2009. Do đó, quỹ đạo của nền kinh tế Mỹ sẽ phụ thuộc phần lớn vào sự hài lòng của người tiêu dùng trong những tháng tới.
Mark Begor, Giám đốc điều hành của Công ty báo cáo tín dụng Equifax Inc., cho biết: “Tăng trưởng tiền lương đang tăng lên, đây là tín hiệu lạc quan đối với người tiêu dùng. Rõ ràng, lạm phát là nỗi lo và đang làm tổn thương rất nhiều người tiêu dùng. Nhưng điều đáng mừng là ngay cả trong bối cảnh lạm phát, người tiêu dùng Mỹ vẫn đang chi tiêu, du lịch và tham gia vào nhiều hoạt động khác”.
(theo WSJ)
Hồng Vân