Lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia, người dân loay hoay xoay xở
Cũng giống với nhiều thanh niên Hy Lạp đang cố gắng chi tiêu trong mức cho phép, Christina Pappas đã phải tìm một căn hộ có giá rẻ hơn tại ngoại ô thủ đô Athens, sau khi giá thuê tăng lên. Nhờ người quen giới thiệu, chị đã may mắn tìm được một căn hộ có giá 200 euro/tháng. Là một sinh viên, chị cho biết đây không phải là điều những người trẻ tuổi mong đợi sau cuộc khủng hoảng nợ và một thập kỷ phải thắt chặt chi tiêu.
Chị CHRISTINA PAPPAS - Sinh viên: “Tình cảnh hiện nay khiến tôi không thể lên được một kế hoạch dài hạn, vì tôi không rõ mình có thể tiết kiệm được tiền hay không. Giá cả thì liên tục tăng cao. Có thể tôi sẽ phải di chuyển thường xuyên vì tôi cũng chưa có một công việc hay thu nhập ổn định.”
Không may mắn như chị Pappas, chị Krissy Zeffield, sinh sống tại Mỹ, còn không tìm nổi một căn nhà để ở. Chị phải ngủ dưới tầng hầm trong nhà của bạn mình, và nhiều lúc còn ngủ cả trong xe hơi.
Chị KRISSY ZEFFIELD - Người dân Mỹ: “Tôi không thể trả nổi hóa đơn điện thoại. Những thứ cần thiết hàng ngày giờ đây tôi không thể mua nổi nữa. Thật may vì tôi còn có nơi để ngủ. Tôi đã 38 tuổi rổi, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ ở trong hoàn cảnh này.”
Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp người dân phải xoay sở với cuộc sống hàng ngày khi lạm phát tăng cao. Tại Anh, theo thống kê của Văn phòng Thống kê Quốc gia công bố, hơn 5.600 doanh nghiệp tuyên bố phá sản trong quý 2 năm nay, mức cao nhất kể từ năm 2009.
Bà ANNA VALERO - Chuyên gia tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London: “Có vẻ như mức lạm phát hiện nay sẽ tiếp tục duy trì. Đây là một mức khá cao. Nó khiến giá thực phẩm tăng, và gây ra nhiều áp lực đè nặng lên cuộc sống.”
Trước tình hình này, tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak đang cân nhắc tăng thuế và cắt giảm chi tiêu công trong dự thảo ngân sách mới. Cụ thể, chính phủ của Thủ tướng Sunak có thể thu hẹp chi tiêu công tới 10-15 tỷ bảng Anh (11,6 -17,4 tỷ USD). Ngoài ra, mỗi bộ, cơ quan của chính phủ được yêu cầu tìm cách tiết kiệm từ 10-15% ngân sách hoạt động.
Còn tại Pháp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định ông "không bao giờ bỏ mặc người dân Pháp" đối mặt với lạm phát tăng cao và các cuộc đình công liên tiếp mà không có một giải pháp. Chính phủ nước này sẽ duy trì chính sách giảm thuế năng lượng, các biện pháp hỗ trợ sinh viên, các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình, cũng như các doanh nghiệp. Ông cũng cam kết tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho thế hệ trẻ.