Giao thông Đèo Cả (HHV) góp 600 tỷ đồng làm dự án Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh GĐ1
Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (mã cổ phiếu HHV - sàn HoSE) đã thông qua việc hợp tác với Công ty Cổ phần Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh để cùng thực hiện dự án Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1.
Theo đó, Giao thông Đèo Cả sẽ góp tối đa 600 tỷ đồng từ ngày ký kết hợp đồng đến hết ngày 31/12/2026 hoặc đến khi giải ngân hết, tùy hời điểm nào đến trước. Trong khi đó, công ty Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ góp bằng vốn chủ sở hữu theo quy định tại hợp đồng BOT và giữ vai trò là chủ đầu tư dự án.
Về mối liên hệ, Giao thông Đèo Cả hiện đang sở hữu 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết tại Công ty Cổ phần Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Đồng thời, cả hai công ty này đều thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Đèo Cả.
Dự án Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Giai đoạn 1 của dự án có tổng vốn đầu tư hơn 14.300 tỷ đồng với chiều dài 93 km, dự kiến thi công từ 19/12/2023 - 15/12/2026. Cơ cấu vốn đầu tư gồm vốn ngân sách Nhà nước khoảng 6.600 tỷ đồng; vốn vay khoảng 6.300 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu khoảng 1.400 tỷ đồng.
Xét về hoạt động kinh doanh, trong nửa đầu năm nay, Giao thông Đèo Cả ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt hơn 1.503 tỷ đồng và lãi ròng đạt 244 tỷ đồng, lần lượt tăng 30,6% và 27% so với cùng kỳ năm 2023. Qua đó, hoàn thành 48% kế hoạch doanh thu và 60% kế hoạch lãi cả năm nay.
Ban lãnh đạo Giao thông Đèo cả cho biết, việc kết quả kinh doanh trong kỳ tăng so với 6 tháng đầu năm 2023 chủ yếu là nhờ mức tăng trưởng doanh thu và lãi từ hoạt động thu phí tại các dự án BOT (khoảng 64% doanh thu) và hoạt động thi công xây lắp (khoảng 33% doanh thu).
Một số tổ chức tài chính đánh giá, hoạt động xây lắp của Giao thông Đèo Cả trong thời gian tới có nhiều khả năng được hưởng lợi từ việc Chính phủ thúc đẩy đầu tư công trên toàn quốc ở quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Hiện Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc sẵn sàng hoạt động. Trong nửa đầu năm, Bộ Giao thông Vận tải đã khởi công 6 dự án đường bộ và 1 dự án đường sắt.
Đáng chú ý, Bộ Giao thông Vận tải đang đề nghị bổ sung gần 4.200 tỷ đồng vốn đầu tư công, nhằm đáp ứng nhu cầu triển khai các dự án nhóm B và dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã được Thủ tướng Chính phủ giao 67.955 tỷ đồng kế hoạch 2024 vốn ngân sách trung ương. Bộ Giao thông Vận tải cũng được kéo dài giải ngân kế hoạch 2023 sang năm 2024 khoảng 3.329 tỷ đồng. Tính đến nay, tổng kế hoạch đầu tư năm 2024 là 71.284 tỷ đồng.
Duy Quang