Giao dịch chứng khoán sáng 21/10: Cổ phiếu VHM kéo VN-Index hồi phục
Kịch bản cũ lặp lại, thị trường đã trải qua một tuần rung lắc và điều chỉnh khi VN-Index tiếp cận vùng kháng cự mạnh 1.290 – 1.300 điểm. Chỉ số chung đã khép lại phiên cuối tuần ngày 18/10 với nến đỏ giảm điểm nhẹ do áp lực bán bất ngờ tăng nhẹ cuối phiên. Về yếu tố kỹ thuật, hai chỉ báo RSI và MACD đi ngang, cho thấy hiện tại thị trường chưa ghi nhận biến động đáng chú ý.
Theo ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc phân tích, CTCK Agribank (Agriseco), VN-Index đang trong mẫu hình thu hẹp biên độ. Điểm tích cực là các đường xu hướng đang hỗ trợ chỉ số hướng lên, nhưng thanh khoản chưa được cải thiện đáng kể làm dòng tiền lan tỏa yếu giữa các nhóm ngành.
Dự báo diễn biến tuần này, VN-Index có xu hướng tăng giá và có thể tiến sát mốc 1.300 điểm, nhưng sẽ có thể gặp khó khăn trong việc bứt phá mốc kháng cự kể trên.
Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng 21/10, tâm lý thận trọng khiến thị trường duy trì trạng thái ảm đạm. Chỉ số VN-Index lình xình quanh vùng giá tham chiếu khi thiếu vắng nhóm cổ phiếu trụ cột dẫn dắt.
Cũng như phiên cuối tuần trước, dòng tiền tham gia kém sôi động nhưng vẫn chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán. Cụ thể, sau hơn 30 phút giao dịch, các mã EIB, STB, ORS, VND, VCI đang tăng trên dưới 1% với thanh khoản thuộc top 10 mã dẫn đầu thị trường. Tuy nhiên, các nhóm này đều đang giao dịch trong trạng thái phân hóa nên không hỗ trợ nhiều cho thị trường.
Trong khi đó, thương vụ lớn nhất lịch sử chứng khoán khi Vinhome hé lộ tiến trình mua lại 370 triệu cổ phiếu quỹ, cổ phiếu VHM đã duy trì đà tăng khá tốt và xác lập đỉnh mới của năm. Hiện VHM đang tăng hơn 2% và giao dịch quanh vùng giá 46.000 đồng/CP, với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu sàn HOSE, là động lực chính giúp thị trường le lói sắc xanh.
Đặc biệt, diễn biến tích cực của mã lớn VHM cũng đã lan rộng ra toàn ngành bất động sản khi nhiều mã như DXG, PDR, VRE, CTD... đang nới rộng biên độ tăng, trong khi QCG sớm tìm lại sắc tím và hiện đang dư mua trần hơn 0,1 triệu đơn vị. Tuy nhiên, sắc xanh của VN-Index không duy trì được lâu do sức ép đến từ nhiều nhóm ngành khác khiến chỉ số này nhanh chóng đảo chiều.
Vẫn là những diễn biến giằng co, rung lắc của VN-Index quanh tham chiếu với biên độ hẹp trong phần còn lại của phiên. Thanh khoản trở lại mức thấp, giao dịch ảm đạm, ngoại trừ sức ảnh hưởng của VHM là những điểm nhấn chính.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 114 mã tăng và 212 mã giảm, VN-Index tăng 0,96 điểm (+0,07%), lên 1.286,42 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 262,2 triệu đơn vị, giá trị 5.217 tỷ đồng, giảm gần 21% về khối lượng và 28% về giá trị so với phiên sáng thứ Sáu tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 8,3 triệu đơn vị, giá trị 161,3 tỷ đồng.
Nhóm các cổ phiếu bluechip ngoài VHM chỉ biến động nhẹ và phân hóa cao. Theo đó, cổ phiếu VHM +4,2% lên 47.150 đồng, khớp hơn 13,5 triệu đơn vị, giao dịch khối ngoại cũng khá sôi động khi mua vào hơn 3,1 triệu cổ phiếu và bán ra hơn 0,56 triệu đơn vị.
Giá cổ phiếu VHM liên tục hồi phục trong thời gian gần đây nhờ thông tin mua lượng lớn cổ phiếu quỹ và trở lại mức cao nhất một năm, sau khi lùi về mức thấp nhất lịch sử vào đầu tháng 8/2024 khi về dưới 35.000 đồng.
Các cổ phiếu khác đáng chú ý là đà tăng của QCG chưa có dấu hiệu dừng lại, khi cổ phiếu này chạm giá trần +6,6% lên 10.500 đồng, khớp 1,11 triệu đơn vị.
Cùng với đó, một cổ phiếu khác bất ngờ nổi sóng là EIB, khi thanh khoản không thua kém VHM trên sàn nhiều với hơn 12 triệu đơn vị khớp lệnh, giá cổ phiếu tăng 3,34% lên 20.100 đồng – mức cao nhất trong hơn một năm qua.
Ở chiều ngược lại, không nhiều cổ phiếu giảm mạnh, ngoại trừ một vài cái tên như RDP -5,1% xuống 2.040 đồng, APG -4,9% xuống 9.190 đồng, IMP -4,8% xuống 44.600 đồng, HVH -3,3% xuống 8.500 đồng, PSH -3,1% xuống 3.780 đồng…
Trên sàn HNX, trước áp lực bán lan rộng, nhưng thiếu vắng trụ đỡ, chỉ số HNX-Index nới đà đi xuống, nhưng mức giảm cũng không quá lớn khi lực cung giá thấp không xuất hiện.
Chốt phiên, sàn HNX có 43 mã tăng và 77 mã giảm, HNX-Index giảm 1,01 điểm (-0,44%), xuống 228,2 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 18,88 triệu đơn vị, giá trị 301,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,66 triệu đơn vị, giá trị 13,7 tỷ đồng.
Các mã lớn, thanh khoản cao ngoài CEO, TIG, NAG, DXP, DTD, DVM tăng điểm nhẹ, trong khi DL1, VC3, AMV đứng tham chiếu, thì còn lại đều giảm.
Mặc dù vậy, mức giảm cũng chỉ dừng lại ở trên dưới 1%, ngoài VTZ -4,7% xuống 16.400 đồng.
Phiên này, SHS vẫn là cổ phiếu khớp lệnh cao nhất sàn với 5,87 triệu đơn vị, giá cổ phiếu giảm nhẹ 1,3% xuống 15.100 đồng.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng đảo chiều về dưới tham chiếu sau những phút đầu níu giữ sắc xanh.
Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,3 điểm (-0,32%), xuống 92,41 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 10,3 triệu đơn vị, giá trị 124,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,7 triệu đơn vị, giá trị 13 tỷ đồng.
Bảng điện tử phân hóa mạnh, với loạt cổ phiếu HNG, SBS, BVB, AAH, ABB, HBC đứng giá tham chiếu. Trong khi BSR, DFF, OIL, BCR suy yếu.
Một vài mã tăng như TTN +5,8% lên 14.700 đồng, HHG +6,7% xuống 1.600 đồng, DRI nhích hơn 2,5% lên 12.200 đòng.
T.Thúy