Giảm 30% doanh thu môi giới, Chứng khoán BIDV báo lãi quý III hơn 94 tỷ đồng
Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC, mã BSI, sàn HoSE) công bố kết quả kinh doanh quý III/2024 với kết quả không mấy tích cực. Cụ thể, tổng doanh thu hoạt động kỳ này chỉ đạt 319 tỷ đồng, giảm 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong quý III vừa qua, khoản lãi từ cho vay và phải thu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu hoạt động với 125 tỷ đồng và chỉ giảm 1% so với cùng kỳ. Lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm mạnh tới gần 30% xuống còn gần 98 tỷ đồng. Doanh thu môi giới và lưu ký chứng khoán cũng giảm 31% và 12,8%, đạt lần lượt 67 tỷ đồng và 97 tỷ đồng. Phần lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) đạt 21,5 tỷ đồng, tăng 7,4%. Doanh thu tư vấn tài chính đạt 4,88 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ là 325 triệu đồng.
Chi phí hoạt động trong kỳ giảm 13% xuống còn 129 tỷ đồng, trong đó, lỗ từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ giảm 9,8% xuống 64 tỷ đồng. Chi phí môi giới giảm 20% xuống còn 56 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài cính cũng giảm 28,4% xuống 1,5 tỷ đồng. Chi phí tài chính giảm 6% trong khi đó, chi phí quản lý tăng 34,6% và ở mức 51 tỷ đồng.
Kết quả, công ty báo lãi trước thuế hơn 94 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế giảm 43% và đạt hơn 70 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, BSC đạt 1.095 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế 402 tỷ đồng, giảm 6,13% so với cùng kỳ và hoàn thành 73% kế hoạch cả năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 322 tỷ đồng, giảm 6,4%.
Tại thời điểm ngày 30/9, tổng tài sản công ty đạt gần 10.522 tỷ đồng, tăng 26% so với số đầu năm. Tài sản ngắn hạn đạt mức 9.964 tỷ đồng. Trong đó, các khoản cho vay chiếm tỷ trọng lớn nhất với 5.056 tỷ đồng, tăng gần 18% (4.889 tỷ đồng đến từ cho vay ký quỹ). Công ty đã không còn khoản tiền gửi ngân hàng kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống, trong khi đầu năm vẫn gửi nhà băng 570 tỷ đồng. Trong khi đó, khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (tiền gửi ngân hàng và chứng chỉ tiền gửi) kỳ hạn 3-12 tháng tăng từ 1.245 tỷ đồng lên thành 1.425 tỷ đồng.
Các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) là 2.902 tỷ đồng, tăng 63% so với đầu năm và chiếm 28% trong cơ cấu tài sản. Công ty nắm giữ 764 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết, 806 tỷ đồng trái phiếu niêm yết, 712 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết, 504 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi… Phải thu bán các tài sản tài chính tăng vọt từ 1,1 tỷ đồng lên thành 216 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả gấp rưỡi thời điểm đầu năm, đạt xấp xỉ 5.530 tỷ đồng. Trong đó, vay ngắn hạn tăng đến 55%, lên mức 4.349 tỷ đồng. Phải trả hoạt động giao dịch chứng khoán cũng tăng từ 223 tỷ đồng lên thành 1.090 tỷ đồng. Bên cạnh tăng cường hoạt động vay nợ, nguồn vốn chủ sở hữu cũng tăng thêm đáng kể, chủ yếu nhờ tích lũy lợi nhuận.
Đến ngày 30/9, công ty có hơn 688 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối, tương đương gần 31% vốn điều lệ (2.230 tỷ đồng). Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu BSI đang giao dịch ở mức khoảng 48.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng khoảng 12% so với cuối năm ngoái.
Thanh Thủy