1. Tài chính

Giải pháp nào để người dân 'bình tĩnh' với vàng?

Thoái lui chỉ là tạm thời?

Tuần thứ 2 sụt giảm liên tiếp, giá vàng thế giới tiếp tục mất thêm gần 5% trong cả tuần, giá sau quy đổi giảm gần 4 triệu đồng mỗi lượng, kéo vàng miếng trong nước giảm từ 2-2,3 triệu đồng mỗi lượng, vàng nhẫn bốc hơi tới gần 3 triệu đồng về dưới mốc 83 triệu đồng/lượng. Cụ thể, kết thúc phiên cuối tuần 16/11, vàng miếng mua vào tại các doanh nghiệp (SJC, Doji, Bảo Tín Minh Châu…) dao động trong khoảng 80-80,3 triệu đồng/lượng, bán ra đồng giá 83,5 triệu đồng - thấp nhất kể từ ngày 1/10/2024. Chênh lệch mua - bán tiếp tục giữ ở mức cao, 3,3-3,5 triệu đồng - không có lợi cho nhà đầu tư. Tính ra, nếu mua vàng, nhà đầu tư đã lỗ từ 5,5-5,8 triệu đồng mỗi lượng vàng miếng sau 1 tuần nắm giữ.

Giá vàng giảm, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc giảm giá của thế giới. Dù vàng đang nối dài đà giảm, song sức hút của vàng không hề giảm sút. Theo các chuyên gia, vẫn còn những yếu tố nổi bật hỗ trợ kim loại quý. Trước hết là bất ổn địa chính trị như xung đột Nga - Ukraine và các xung đột ở khu vực Trung Đông…, ảnh hưởng đến tâm lý, lo ngại của người dân và họ cố gắng tìm kiếm những kênh trú ẩn an toàn. Xu hướng giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - thường khi Fed giảm lãi suất, những tài sản không có lãi suất như vàng trở nên hấp dẫn hơn.

Bên cạnh đó, vàng còn nhận được sự hỗ trợ từ yếu tố mùa vụ như sắp bước vào mùa cưới ở 2 thị trường đông dân là Trung Quốc và Ấn Độ, và sau đó là "mùa" Vía Thần tài theo quan niệm của các nước phương Đông. Nhìn xa hơn, nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump được dự báo có thể làm gia tăng lạm phát. Lạm phát tăng khiến triển vọng hạ lãi suất của Fed bị thu hẹp - lãi suất cao không có lợi cho vàng. Tuy nhiên, khi đó vàng có thể trở lại với vai trò truyền thống là hàng rào chống lạm phát, được các nhà đầu tư ưu tiên…

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định, tình hình địa chính trị còn nhiều căng thẳng ở một số quốc gia Trung Đông, nên nhiều nhà đầu tư vẫn muốn giữ tài sản ở hầm trú ẩn vàng, do đó, triển vọng của vàng còn sáng, mức giá 3.000 USD/ounce không còn quá xa. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, mua vàng trong nước thời điểm này khá rủi ro, bởi thị trường đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiểm soát, cung vàng SJC luôn khan hiếm. Việc đầu tư vàng cần được xem xét kỹ và không nên "bỏ trứng vào một giỏ", vì giá vàng trong nước thường không biến động kịp theo giá vàng thế giới.

Không khuyến khích nắm giữ vàng

Anh Nguyễn Thành Huy, một khách hàng ở Hà Nội cho biết, trong bối cảnh các kênh đầu tư khó khăn như hiện nay, vàng vẫn là kênh đầu tư được anh lựa chọn đầu tiên vì đầu tư vào vàng không bắt buộc phải có vốn lớn như bất động sản, thanh khoản lại nhanh. Tuy nhiên, thời gian qua, việc mua vàng quả là điều không dễ. "Ngay từ khi NHNN bán vàng cách đây nửa năm, tôi đã xếp hàng mua vàng miếng nhưng rất khó mua. Chán quá, tôi đã chuyển sang vàng nhẫn, nhưng rồi đến cả vàng nhẫn cũng "cháy hàng", muốn mua cũng không có. Tính trong vòng nửa năm qua, tôi cũng chỉ mua được chưa đầy 10 lượng vàng. Trong thời buổi biến động khôn lường, tôi chưa dự định bán, mà sẽ cứ "ôm" đấy, rồi sau này tính tiếp", anh Huy cho biết.

NHNN chủ trương chống vàng hóa, đưa vốn vào sản xuất kinh doanh.

Anh Huy là một trong rất nhiều khách hàng có tư tưởng tích trữ vàng dài hạn. Thực sự, khi giá vàng lên trên mốc 90 triệu đồng rồi đột ngột giảm sau phiên bầu cử Tổng thống Mỹ, rất nhiều người hoảng loạn bán tháo vàng. Tuy nhiên, chỉ một ngày sau đó, "gió đảo chiều" khi người người lại xếp hàng mua vào, khiến cho hàng loạt cửa hàng treo biển hết vàng. Sở dĩ thị trường vàng trong nước "nóng" thời gian qua, theo các chuyên gia, một phần do giá thế giới, một phần do cung ít hơn cầu, một phần do tâm lý. Hơn nữa, sự bế tắc của các kênh đầu tư là nguyên nhân chính khiến dòng tiền rầm rộ chảy vào vàng: Lãi suất tiền gửi thấp nên người dân không muốn gửi vào ngân hàng, trong khi bất động sản đóng băng, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tiềm ẩn nhiều rủi ro..., khiến vàng trở thành kênh trú ẩn của tiền nhàn rỗi.

Thế nhưng, quan điểm của cơ quan điều hành là không khuyến khích người dân tích trữ vàng. Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, quan điểm của NHNN là chống vàng hóa, các giải pháp đưa ra sẽ khiến vàng không trở thành mặt hàng hấp dẫn để đầu cơ. Theo Thống đốc NHNN, khi người dân nắm giữ vàng, thì số tiền đó trở thành "tiền chết", nhưng nếu chuyển hóa sang VND, thì sẽ có cơ hội để kinh doanh, đầu tư vào các lĩnh vực khác như gửi tiền vào ngân hàng để ngân hàng cho vay sản xuất - kinh doanh, hoặc đầu tư vào cổ phần, cổ phiếu, thị trường chứng khoán để phục vụ sản xuất - kinh doanh. "Để không khuyến khích người dân mua vàng, như kinh nghiệm của các nước, thì có rất nhiều giải pháp. Chúng tôi đang đánh giá tổng kết Nghị định 24/2012/NĐ-CP theo tinh thần sẽ thiết kế các giải pháp để có thể hạn chế được sự nắm giữ vàng của người dân" - Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng thông tin.

Nêu quan điểm về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật Anvi cho rằng, vàng là mặt hàng đặc biệt, tác động trực tiếp đến tỷ giá, lạm phát, nên không thể quản lý như những mặt hàng thông thường. Nói cách khác, không thể để tự do hóa thị trường vàng, mà cần có sự can thiệp của NHNN, nếu không sẽ gây bất ổn kinh tế vĩ mô. Tuy vậy, NHNN cũng không thể cấm người dân tích trữ, đầu tư vàng.

"Giải pháp hiệu quả nhất là làm người dân phải tìm đến kênh đầu tư, tích lũy khác", luật sư Trương Thanh Đức nhận định. Ngoài việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khôi phục thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu…, thì một trong các giải pháp để người dân bình tĩnh với vàng, theo giới chuyên gia, là phải ngăn chặn được hiện tượng thao túng, làm giá trên thị trường vàng. Tương tự, chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cũng cho rằng, để người dân không đổ xô vào vàng, giải pháp quan trọng nhất là giữ được giá trị của đồng nội tệ và khôi phục các kênh đầu tư như bất động sản, trái phiếu…

Hà An

Tin khác