1. Tài chính

Giải bài toán tái khởi động dự án bất động sản 'đắp chiếu'

Việc triển khai xây dựng các dự án sẽ giúp gia tăng nguồn cung nhà ở trên thị trường. Ảnh minh họa

Nhiều dự án "đắp chiếu" được tái khởi động

Quan sát thị trường BĐS trong thời gian qua, các chuyên gia cho biết, kéo dài kể từ năm 2018, do tác động của nhiều yếu tố cộng hưởng như đại dịch Covid-19, chính sách kiểm soát chặt dòng vốn tín dụng chảy vào lĩnh vực BĐS, hoạt động rà soát thanh tra, kiểm tra các dự án BĐS của cơ quan chức năng, đặc biệt là những vướng mắc liên quan đến vấn đề pháp lý…, khiến hàng loạt dự án bị đình trệ trong một thời gian dài. Tuy nhiên, thời gian gần đây, ghi nhận trên thị trường cho thấy nhiều dự án BĐS “đắp chiếu” đã được tái khởi động, triển khai trở lại.

Ngày 23/10/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về việc thành lập Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án. Theo đó, Ban chỉ đạo có nhiệm vụ rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao, xác định nguyên nhân của khó khăn, vướng mắc và đề xuất phương án xử lý; chỉ đạo các Bộ, cơ quan hướng dẫn tháo gỡ theo thẩm quyền.

“Lực đẩy” cho việc tái khởi động những dự án này được chỉ ra trước hết là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, cùng nỗ lực vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương, nhờ vậy từ khoảng cuối năm 2022 đến nay, nhiều dự án BĐS đã được tháo gỡ những nút thắt về pháp lý, cơ chế chính sách để triển khai trở lại. Yếu tố nữa đó là thị trường BĐS Việt Nam nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư mới, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài, theo đó các nhà đầu tư đã mạnh tay rót vốn vào các dự án BĐS có tiềm năng thông qua hoạt động mua bán, sáp nhập. Đặc biệt, theo quy định của các luật mới liên quan đến BĐS, nếu các chủ đầu tư để dự án “án binh bất động” liên tục trong 48 tháng sẽ đứng trước nguy cơ “mất trắng”, bị thu hồi đất mà không được bồi hoàn, điều này khiến các chủ đầu tư ý thức hơn và gấp rút với nỗ lực tái khởi động dự án. Cùng với đó, hành lang pháp lý mới với nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung đã tháo gỡ rất nhiều khó khăn, vướng mắc cho các dự án BĐS, là điều kiện quan trọng để các chủ đầu tư có thể đưa dự án quay trở lại thị trường…

Việc tái khởi động các dự án bị đình trệ được các chuyên gia đánh giá sẽ mang lại nhiều tác động tích cực. Cụ thể, việc “hồi sinh” những dự án này không chỉ là cơ hội cho các chủ đầu tư có nguồn tiếp tục duy trì hoạt động đầu tư, kinh doanh, mà còn góp phần gia tăng nguồn cung nhà ở trên thị trường, nhất là trong bối cảnh các dự án chung cư tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh liên tục thiết lập mặt bằng giá mới ở mức cao, do hạn chế về nguồn cung. Bên cạnh đó, các dự án BĐS sau thời gian bị đình trệ được đưa vào triển khai xây dựng sẽ giải phóng nguồn lực đất đai, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, cũng như tạo sự lan tỏa cho các ngành kinh tế khác có liên quan và tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động…

Tính toán kỹ lưỡng để “hồi sinh” dự án thành công

Có thể thấy, việc khôi phục được các dự án bị đình trệ là mục tiêu phấn đấu của các DN địa ốc; tuy nhiên, để có thể tái khởi động thành công các dự án không phải là điều đơn giản, do còn có nhiều khó khăn. Trong đó, thách thức lớn nhất đối với các DN được các chuyên gia chỉ ra đó là áp lực tài chính, đây cũng chính là một trong những nguyên nhân chính khiến một số dự án “hồi sinh” nhưng không thu “trái ngọt”. Bởi lẽ, việc các dự án bị bỏ hoang trong thời gian dài thường đối mặt với sự xuống cấp về cơ sở hạ tầng, khiến chi phí phục hồi rất lớn. Cùng với chi phí tài chính phát sinh trong khoảng thời gian dự án bị tạm dừng triển khai đã “ăn mòn” hết lợi nhuận theo kế hoạch dự tính ban đầu. Điều này khiến nhiều chủ đầu tư tái khởi động dự án rồi mở bán với giá chào bán mới tăng tới gấp đôi so với giai đoạn mở bán trước đó để có thể thu được lợi nhuận. Mức giá tăng cao trong khi chất lượng không được nâng cấp, khiến dự án không được thị trường chấp nhận và nhanh chóng “im hơi lặng tiếng”. Ngoài ra, năng lực quản trị DN, khả năng hoạch định chiến lược kinh doanh của nhiều chủ đầu tư còn hạn chế, khiến dự án không có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường…

Từ thực tế đó, đưa ra khuyến nghị cho DN, các chuyên gia cho rằng, trong quá trình tái khởi động dự án bị “đắp chiếu”, các DN cần có sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng. Theo đó, trong nhiều tình huống, DN cần chấp nhận “lãi ít”, hòa vốn, thậm chí “lỗ” để đảm bảo xử lý dứt điểm các tồn đọng; đồng thời ưu tiên mục tiêu duy trì và ổn định bộ máy hoạt động, đảm bảo guồng quay hoạt động đầu tư, kinh doanh hơn là tối đa hóa lợi nhuận. Việc tìm kiếm các đối tác cùng đồng hành cũng là một phương án tốt, giúp DN giảm áp lực về tài chính trong quá trình tái triển khai dự án.

Đối với các dự án phải tạm dừng do gặp các khó khăn về pháp lý, để hỗ trợ DN đưa dự án trở lại thị trường, Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh công tác triển khai tháo gỡ, giải quyết triệt để những vướng mắc cho các dự án. Dựa trên cơ sở thống kê, phân loại các dự án còn vướng mắc, các cơ quan chức năng cần xây dựng cụ thể các tiêu chí để phân mức ưu tiên xử lý, như dựa vào quy mô dự án, mức độ ảnh hưởng của dự án tới sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, năng lực triển khai, uy tín của chủ đầu tư…

Bên cạnh đó, hiện nay các bộ luật liên quan đến lĩnh vực BĐS đã đi vào thực thi, do đó Nhà nước cần tiếp tục tăng cường các chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật, để đảm bảo không chỉ DN mà cả cơ quan quản lý các cấp đều hiểu đúng, đủ về các cơ chế, chính sách mới, từ đó thực thi hiệu quả trong thực tế. Trong quá trình thực thi các quy định mới, nếu phát sinh vướng mắc, cơ quan chức năng cần sẵn sàng vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho DN. Có như vậy, quá trình “gỡ khó” cho thị trường BĐS nói chung, cho các dự án bị đình trệ nói riêng mới nhanh và hiệu quả./.

TUẤN MINH

Tin khác