Giá vàng thế giới tụt dốc khi ông Trump thắng cử, vàng nhẫn rớt khỏi mốc 88 triệu đồng/lượng
Giá vàng nhẫn liên tục được điều chỉnh giảm trong phiên giao dịch chiều ngày 6/11, tuy nhiên, giá vàng miếng SJC vẫn đứng yên. Cụ thể, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng nhẫn loại 1-5 chỉ ở mức 86,4-87,9 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 300 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua và bán so với phiên sáng nay và giảm 100 nghìn đồng/lượng so với kết phiên giao dịch hôm qua.
Mức giá này thấp hơn mức kỷ lục được thiết lập tuần trước (ngày 30/10) là 1,3 triệu đồng/lượng cả hai chiều.
Vàng nhẫn tiếp đà giảm
Trong khi đó, Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji cũng giảm giá vàng nhẫn 200 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và 100 nghìn đồng/lượng chiều bán ra so với sáng nay, giao dịch ở mức 87,3-88,4 triệu đồng/lượng.
Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 87-88,2 triệu đồng/lượng, giảm lần lượt 300 nghìn đồng/lượng và 200 nghìn đồng/lượng ở hai chiều mua - bán so với phiên sáng.
Còn giá vàng miếng SJC do cả ba doanh nghiệp kinh doanh vàng là: Công ty SJC, Doji và PNJ đều niêm yết không đổi so với kết phiên giao dịch hôm qua, ở mốc 87-89 triệu đồng/lượng hai chiều mua vào - bán ra.
Thời gian qua, giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay ở mức 2.721 USD/ounce, thấp hơn gần 70 USD/ounce so với mức đỉnh từng được thiết lập ngày 30/10 (2.790 USD/ounce). Ngay sau khi có kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, giá vàng trên thị trường quốc tế lao dốc không phanh, có thời điểm giảm sát về ngưỡng 2.704 USD/ounce, tương ứng giảm tới gần 40 USD/ounce trong phiên ngày hôm nay trong khi chỉ số DXY đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt tăng vọt trên 105.
Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng ở mức gần 84,4 triệu đồng/lượng, bao gồm thuế và phí. Do giá vàng trong nước điều chỉnh nhẹ trong khi giá vàng quốc tế lao dốc không phanh khiến khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới nới rộng, với giá vàng thế giới quy đổi thấp hơn khoảng 4,6 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.
Theo dự báo về thị trường hàng hóa của Ngân hàng Thế giới (WB), các nhà phân tích dự đoán nhu cầu về vàng sẽ yếu hơn vào năm 2025-2026 do nhu cầu từ các ngân hàng trung ương và sản xuất đồ trang sức, chiếm khoảng 70% nhu cầu vàng toàn cầu, có khả năng sẽ giảm thời gian tới do giá cao kỷ lục.
Giá vàng dự kiến sẽ tăng 21% vào năm 2024, cao hơn khoảng 80% so với mức trung bình 2015-2019 và giảm 1% vào năm 2025 và 3% vào năm 2026.
Dù vậy, nhiều ý kiến lại cho rằng vàng sẽ sớm tỏa sáng trở lại. Giám đốc chiến lược tương lai và ngoại hối tại Tastylive.com Christopher Vecchio cho rằng khi ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ, khả năng chi tiêu của chính phủ sẽ tăng lên và mở rộng các đợt cắt giảm thuế điều này sẽ dẫn đến mức nợ cao hơn. Nếu ông Trump gây sức ép buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì lãi suất thấp sẽ tiếp thêm dầu vào lửa vào lạm phát.
Giao dịch trên thị trường cũng có thể biến động sau quyết định Fed có khả năng cắt giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (0,25%) vào cuối tuần này.
Vàng khan hiếm, loạn giá trao tay
Từ đầu năm đến nay, vàng vẫn trở thành ngôi sao sáng trong thị trường kim loại quý, khi giá tăng trên thị trường quốc tế tăng tới 33% trong năm nay, giao dịch gần mức cao kỷ lục gần 2.800 USD/ounce. Còn tại thị trường trong nước, tính từ đầu năm đến nay, giá vàng miếng tăng gần 20%, còn vàng nhẫn tăng nóng hơn.
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, TS. Nguyễn Đức Độ -Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), chỉ rõ nhiều nguyên nhân thúc đẩy giá vàng tăng nóng thời gian qua. Nguyên nhân thứ nhất, một số quốc gia lớn mua vàng. Thứ hai, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất. Tỷ giá USD/VND tăng khả năng chỉ là sóng hồi trong xu thế giảm dài hạn, khi Fed vẫn tiếp tục giảm lãi suất. Trong ngắn hạn có nhiều yếu tố tác động đến giá vàng và giá USD nên việc DXY và giá vàng cùng tăng vẫn có thể xảy ra. Thứ ba, nguy cơ suy thoái tại Mỹ, EU, còn Trung Quốc tăng trưởng chậm, dẫn đến triển vọng đầu tư kém khả quan. Dư địa tăng của cổ phiếu không còn nhiều.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Độ cho rằng, vàng tăng được một đoạn khá xa nên có thể sắp tới chưa chắc tăng mạnh. Bình luận về khả năng một đồng tiền mới do BRICS (các nền kinh tế mới nổi lớn gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) thiết lập để cạnh tranh với đồng USD trên toàn cầu sẽ đẩy giá vàng tăng sắp tới, theo vị chuyên gia này, hệ thống tiền tệ mới chưa khả quan trong ngắn hạn.
"Có thể các nước sẽ gia tăng thanh toán thương mại song phương bằng đồng tiền không phải USD, chẳng hạn Trung Quốc dùng nhân dân tệ mua hàng Nga, còn Nga dùng đồng rúp mua hàng Trung Quốc. USD vẫn là đồng tiền thống trị trong thương mại của các nước" - ông Độ nêu quan điểm.
Với thị trường vàng trong nước, hiện việc thiếu hụt nguồn cung vàng miếng vẫn đang tiếp diễn. Trao đổi với phóng viên TBTCVN, nhân viên Trung tâm Vàng bạc trang sức Doji Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội) cho biết, mọi cửa hàng trong hệ thống đều không nhận đặt trước và cũng không biết bao giờ có vàng. Nhân viên này gợi ý khách hàng có thể đặt mua trên Egold, một ứng dụng mua bán vàng vật chất trực tuyến của Doji kết hợp với TPBank. Tuy nhiên, ứng dụng liên tục báo lỗi và không thể mua dù 1 chỉ vàng.
Tại cửa hàng vàng SJC Phan Đình Phùng (Ba Đình, Hà Nội), nhân viên cho biết khách hàng phải đăng ký mua trực tuyến với số lượng giới hạn tùy vào lượng hàng trong kho. Dù vậy, nhiều khách hàng than phiền vì rất khó nhọc đăng ký trực tuyến dù canh thời gian SJC mở bán mỗi ngày.
Trước thực tế này, người dân không còn kiên nhẫn với việc chờ đợi và tìm kiếm những phương thức giao dịch khác khó kiểm soát hơn, hoạt động mua bán vàng trao tay qua các hội, nhóm online nở rộ trở nên nhộn nhịp, giá mỗi bên một phách, nguồn vàng cũng khó xác định gây nhiều rủi ro cho người dân khi “nhắm mắt” giao dịch./.
Tú Anh