Giá vàng tăng sốc từ nhiệm kỳ hai của ông Trump
Giá vàng lập đỉnh cao nhất mọi thời đại
Ngay sau lễ nhậm chức của Tổng thống Trump hồi tháng 1/2025, giá vàng quốc tế đã tăng từ vùng 2.060 USD/ounce lên trên 2.150 USD/ounce chỉ trong vài tuần. Nguyên nhân chủ yếu đến từ kỳ vọng rằng chính quyền Trump sẽ thúc đẩy chính sách tài khóa mở rộng nhằm kích thích tăng trưởng, đồng thời ông Trump cũng là người có lập trường cứng rắn hơn trong chính sách đối ngoại, đặc biệt với Trung Quốc. Những yếu tố này đã làm giới đầu tư dấy lên lo ngại về lạm phát tăng và bất ổn địa chính trị, vốn là hai chất xúc tác quen thuộc của xu hướng giá vàng tăng.
Diễn biến này càng trở nên rõ nét khi căng thẳng thương mại và công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc tái bùng phát từ quý I/2025. Việc Washington siết chặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với lĩnh vực chip và trí tuệ nhân tạo (AI), cùng với phản ứng cứng rắn từ Bắc Kinh, đã tạo ra làn sóng biến động trên các thị trường tài chính toàn cầu, thúc đẩy nhu cầu tìm đến các tài sản an toàn như vàng.
Đến ngày 16/4, chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ, giá vàng thế giới đã thiết lập kỷ lục mới. Lúc 10h30 sáng giá vàng đã vọt lên 3.272 USD/ounce – vượt mức đỉnh lịch sử trước đó khoảng 5 USD. Mức tăng lên tới 40 USD/ounce chỉ trong buổi sáng, tương đương khoảng 1,25 triệu đồng/lượng, khiến cả giới phân tích và nhà đầu tư ngỡ ngàng.
Tại thị trường trong nước, giá vàng cũng phản ứng mạnh với diễn biến toàn cầu. Sáng 16/4, Công ty SJC nâng giá bán vàng miếng thêm 1,8 triệu đồng/lượng, lên 109,8 triệu đồng/lượng khi mở cửa. Đến 10h, giá tiếp tục tăng thêm 1,2 triệu đồng/lượng, thiết lập mốc cao kỷ lục mới: 111 triệu đồng/lượng. Giá mua vào cũng được điều chỉnh lên 108,5 triệu đồng/lượng – tăng gần 3 triệu đồng chỉ trong vài giờ giao dịch.
Theo các chuyên gia, đà tăng của vàng hiện nay phần lớn xuất phát từ tâm lý phòng ngừa rủi ro trước bối cảnh địa chính trị bất ổn và chính sách thương mại khó lường từ Mỹ. Các động thái thuế quan từ chính quyền Trump, đặc biệt trong căng thẳng Mỹ - Trung, đang tạo áp lực lớn lên các thị trường tài chính. Dù có lúc thị trường chứng khoán hồi phục sau tuyên bố tạm hoãn áp thuế đối ứng cao với một số mặt hàng điện tử, tuy nhiên khả năng gia tăng các biện pháp thuế với các lĩnh vực khác vẫn hiện hữu, khiến nhà đầu tư thêm phần lo ngại.
Một yếu tố quan trọng khác là chính sách tiền tệ. Mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn duy trì lãi suất ở mức cao để kiềm chế lạm phát, nhưng thị trường ngày càng tin rằng Fed sẽ buộc phải hạ lãi suất vào nửa cuối năm 2025 nếu kinh tế Mỹ suy yếu. Kỳ vọng lãi suất thực giảm là yếu tố then chốt khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn với nhà đầu tư tổ chức.
Cùng lúc đó, căng thẳng tại Trung Đông, đặc biệt là giữa Israel và Iran trong quý I/2025, cũng góp phần thúc đẩy dòng vốn chảy mạnh vào các kênh trú ẩn truyền thống. Giao dịch vàng vật chất tại các thị trường châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ cũng tăng mạnh, phản ánh nhu cầu tích trữ vàng giữa bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều bất ổn.
Dù đã tăng rất mạnh, song theo đánh giá của nhiều tổ chức phân tích quốc tế, đà leo thang của giá vàng vẫn chưa kết thúc. Nếu các yếu tố hỗ trợ như bất ổn địa chính trị, chính sách tài khóa mở rộng và kỳ vọng nới lỏng tiền tệ từ Fed tiếp tục kéo dài, giá vàng nhiều khả năng sẽ còn lập thêm các kỷ lục mới trong thời gian tới. Trong một thế giới đầy biến số, vàng tiếp tục thể hiện vai trò là “phao cứu sinh” cậy của nhà đầu tư.
Phan Hà