1. Tài chính

Giá vàng rơi tự do: Nhẫn trơn có rơi xuống 70 triệu, hay tăng lại?

Thị trường tài chính thế giới ghi nhận một tuần biến động rất mạnh sau cuộc bầu cử Mỹ ngày 5/11. Thị trường cổ phiếu Mỹ dồn dập tăng và liên tiếp lập kỷ lục cao mới.

Hôm 11/11 (rạng sáng 12/11 giờ Việt Nam), chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng thêm hơn 300 điểm, lần đầu tiên vượt ngưỡng 44.000 điểm. Chỉ số chứng khoán tầm rộng S&P 500 đạt kỷ lục, trên 6.000 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng vọt lên mốc cao mới, gần 19.300 điểm.

Đồng USD tiếp tục tăng giá sau khi ông Trump thắng cử. Chỉ số đồng USD (DXY) lên mức 105,55 điểm.

Thị trường tiền số sôi sục, giá hầu hết các mã tăng dữ dội. Đồng Bitcoin lần đầu tiên trong lịch sử chạm ngưỡng 89.000 USD/BTC. Dự báo 100.000 USD/BTC trước đây nghe xa vời nay sắp thành hiện thực.

So với thời điểm trước bầu cử Mỹ, đồng Bitcoin đã tăng gần 22.000 USD mỗi BTC, tương đương mức tăng gần 33% trong vòng một tuần từ 5-12/11. Còn so với đầu năm, Bitcoin đã tăng hơn gấp đôi, từ mức 42.230 USD lên 89.000 USD như hiện tại. Vốn hóa thị trường của Bitcoin đạt 1.770 tỷ USD.

Giá dầu giảm khá mạnh, lợi tức trái phiếu 10 năm của Mỹ tăng mạnh lên 4,4%/năm, phản ánh rủi ro lạm phát và ngân sách tăng lên.

Trong khi đó, giá vàng lao dốc không ngừng. Trước bầu cử Mỹ, giá vàng giao ngay giảm từ đỉnh cao lịch sử 2.789 USD/ounce hôm 30/10 về mức 2.750 USD/ounce hôm 5/11, sau đó rơi tự do về mức 2.610 USD/ounce vào đêm 11/11 (giờ Việt Nam).

Giá vàng thế giới lao dốc, vàng nhẫn trơn trong nước về mức 80 triệu đồng/lượng. Ảnh: Chí Hiếu

Vàng giảm mạnh chủ yếu do đồng USD tăng giá. Giới đầu tư đánh cược vào khả năng ông Donald Trump có thể hạ nhiệt căng thẳng địa chính trị tại nhiều khu vực, trong đó có Ukraine và Trung Đông... Dòng tiền đổ dồn vào các kênh rủi ro khác, như thị trường cổ phiếu, thị trường tiền số,... cũng có thể là yếu tố kéo giá vàng giảm xuống.

Giá vàng giảm còn do hoạt động bán khống gia tăng khi xu hướng tăng của vàng bị chặn lại bởi sự kiện Donald Trump thắng cử và hàng loạt yếu tố tiêu cực đè nén lên mặt hàng này. Áp lực chốt lời sau khi vàng tăng giá 35% kể từ đầu năm cộng hưởng với hoạt động bán khống có thể đã và đang nhấn chìm giá vàng.

Việc giá vàng thế giới điều chỉnh đã được dự báo từ trước. Mức giảm tuyệt đối cho đến nay là khá lớn. Tính từ đỉnh 2.789 USD/ounce xuống mức 2.622 USD/ounce vào 8h sáng 12/11, vàng đã mất giá 167 USD.

Tuy nhiên, tính theo con số tương đối, mức giảm mới gần 6%.

Trên thực tế, với vàng, những cú điều chỉnh giảm 10-15% không nhiều, bởi xu hướng chung của vàng là tăng giá theo lạm phát trên thế giới.

Một số dự báo cho rằng, giá vàng giao ngay có thể về mức 2.500 USD/ounce, tương đương mức giảm 10,4% so với đỉnh (ghi nhận hôm 30/10).

Khi đó, giá vàng trong nước quy đổi chỉ còn khoảng 77 triệu đồng/lượng.

Dù vậy, số lượng các dự báo giá vàng về mức 2.500 USD/ounce là không nhiều.

Vàng đang bị lạnh nhạt, bị giới đầu tư trên thế giới bán tháo và tình trạng này có thời điểm diễn ra tại Việt Nam. Vậy liệu vàng có tiếp tục lao dốc về mức 2.500 USD/ounce, trong nước giảm xuống ngưỡng 70 triệu đồng/lượng và khi nào sẽ quay đầu tăng trở lại?

Chia sẻ với VietNamNet, chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thị trường vàng bị tác động mạnh bởi những biến động địa chính trị trên thế giới. Nếu căng thẳng tiếp diễn, giá vàng sẽ tăng trở lại.

Cũng theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, nợ công, lạm phát và các chính sách thuế cực đoan của ông Donald Trump có khả năng đưa giá vàng trở lại mức cũ. Áp lực lên giá vàng có thể chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn.

Chia sẻ hồi cuối tuần, một chuyên gia tài chính phân tích, vàng mất giá do USD tăng giá và dòng tiền đánh cược vào các loại tài sản rủi ro. Vàng được cho là sẽ bị lạnh nhạt một thời gian, cho đến khi các nhà đầu tư giật mình nhận ra tình trạng nợ nần và áp lực thâm hụt ngân sách của Mỹ. Khi đó, vàng sẽ tăng trở lại, nhưng có thể mất vài tháng.

Mạnh Hà

Tin khác