Giá vàng không ngừng lao dốc vì USD liên tục lập đỉnh
Thị trường vàng tiếp tục bán tháo, khiến giá giảm sâu dưới mốc hỗ trợ chủ chốt 2.600 USD/oz, do đồng USD không ngừng tăng giá và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng đi lên. Báo cáo lạm phát của Mỹ không nằm ngoài dự báo đã củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tiếp tục hạ lãi suất, nhưng không thể đảo ngược đà giảm của giá vàng.
Lúc đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Tư tại thị trường New York, giá vàng giao ngay giảm 25,5 USD/oz so với mức chốt của phiên trước, tương đương giảm gần 1%, còn 2.573,3 USD/oz - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.
Hơn 8h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á giảm thêm 3,9 USD/oz so với chốt phiên Mỹ, tương đương giảm 0,15%, còn 2.569,4 USD/oz. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương gần 79 triệu đồng/lượng, giảm 1,3 triệu đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Như vậy, từ đầu tuần tới nay, giá vàng thế giới quy đổi đã giảm 3,4 triệu đồng/lượng, sau khi giảm 1,5 triệu đồng/lượng trong tuần trước.
Vietcombank đầu giờ sáng báo giá USD ở mức 25.154 đồng (mua vào) và 25.504 đồng (bán ra), tăng tương ứng 4 đồng và 2 đồng so với sáng hôm qua.
Theo báo cáo ngày thứ Tư từ Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 của nước này tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với mức tăng của tháng 9 và bằng mức dự báo mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. CPI lõi tăng 3,3%, cũng phù hợp với dự báo.
Sau khi báo cáo trên được công bố, thị trường gia tăng đặt cược vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 12. Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, khả năng Fed hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp cuối cùng của năm 2024 là gần 81%, tăng từ mức dưới 60% của ngày hôm trước. Khả năng Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp này giảm còn hơn 19%.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng tiến trình giảm lạm phát trong nền kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu chậm lại, nên việc đạt mục tiêu lạm phát 2% như Fed đề ra có thể sẽ không dễ dàng. Chưa kể, các chính sách của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể sẽ khiến lạm phát ở nước này tăng lên trong những năm tới, dẫn tới việc Fed giảm lãi suất chậm hơn.
Đảng Cộng hòa của ông Trump đã giành được đa số ghế trong Hạ viện, sau khi giành quyền kiểm soát Thượng viện và Nhà Trắng. “Làn sóng đỏ” mang lại quyền lực thống nhất cho đảng này được dự báo sẽ giúp thúc đẩy các chủ trương chính sách của ông Trump trong 4 năm tới.
Kỳ vọng trên có lợi cho tỷ giá USD và đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng lên, nhưng không có lợi cho giá vàng - tài sản được định giá bằng USD và không mang lãi suất.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác chốt phiên ngày thứ Tư ở mức 106,48 điểm, tăng 0,43% so với phiên trước và là mức cao nhất trong 7 tháng trở lại đây - theo dữ liệu từ trang MarketWatch.
Sáng nay, xu hướng tăng của Dollar Index duy trì, đưa chỉ số lên mức gần 106,6 điểm, cao nhất kể từ tháng 4.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đang ở mức trên 4,45%, cao nhất kể từ đầu tháng 7.
“Trong ngắn hạn, giá vàng có thể hồi phục về vùng 2.650 USD/oz, nhưng sau đó giá vàng lại có thể giảm”, nhà phân tích Zain Vawda của công ty Oanda nhận định.
Nhà phân tích Jim Wyckoff của trang Kitco Metals nhận định ngưỡng kháng cự mạnh của giá vàng ở thời điểm hiện tại là ngưỡng 2.700 USD/oz, trong khi ngưỡng hỗ trợ mạnh là 2.500 USD/oz.
Điệp Vũ