1. Chứng khoán

Giá nông sản ngày 16/4/2025: Cà phê tăng sốc, hồ tiêu tiếp đà bứt phá

Ảnh minh họa. Ảnh: Internet

Cà phê bật tăng ấn tượng

Tại sàn London lúc 5h sáng ngày 16/4/2025, giá cà phê Robusta nối dài chuỗi tăng khi kết thúc phiên giao dịch với mức nhích từ 101 - 110 USD/tấn, dao động trong khoảng 5.102 - 5.390 USD/tấn. Cụ thể, giá giao kỳ hạn tháng 5/2025 đạt 5.373 USD/tấn; tháng 7/2025 ở mức 5.340 USD/tấn; tháng 9/2025 chốt tại 5.272 USD/tấn và tháng 11/2025 ghi nhận 5.199 USD/tấn.

Trên sàn New York, giá cà phê Arabica vào sáng sớm ngày 16/4 vẫn giữ xu hướng đi lên so với phiên liền trước, biên độ tăng từ 8,45 - 9 cent/lb, biến động trong vùng 347.75 - 372.15 cent/lb. Các mức giá giao kỳ hạn gồm: tháng 5/2025 là 369.40 cent/lb; tháng 7/2025 ở mức 367.15 cent/lb; tháng 9/2025 là 361.35 cent/lb và tháng 12/2025 đứng tại 354.05 cent/lb.

Tại Brazil, giá cà phê Arabica cũng cùng chiều tăng với hai sàn London và New York, ghi nhận tăng từ 0,95 - 11,45 USD/tấn, dao động từ 436.15 - 486.95 USD/tấn. Chi tiết từng kỳ hạn gồm: tháng 5/2025 đạt 479.75 USD/tấn; tháng 7/2025 ghi nhận 461.25 USD/tấn; tháng 9/2025 là 446.00 USD/tấn và tháng 12/2025 đạt 436.15 USD/tấn.

Giá cà phê trong nước cũng tăng sốc

Tại thị trường nội địa lúc 5h sáng ngày 16/4/2025, giá cà phê ở khu vực Tây Nguyên bật tăng mạnh so với hôm qua, mức tăng dao động từ 5.000 - 5.200 đồng/kg. Hiện tại, giá thu mua bình quân đạt 130.100 đồng/kg.

Tại một số địa phương, giá cà phê hôm nay ghi nhận như sau: Đắk Lắk và Đắk Nông cùng ở mức 130.200 đồng/kg; Gia Lai chạm 130.000 đồng/kg; trong khi Lâm Đồng thấp hơn với mức 129.300 đồng/kg.

Thị trường cà phê đang chứng kiến chuỗi 5 phiên tăng giá liên tiếp, khởi nguồn từ tuyên bố tạm hoãn áp thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 9/4. Từ 10/4 đến 15/4, giá cà phê nhân xô ở Tây Nguyên đã vọt thêm hơn 12.000 đồng/kg, tương đương khoảng 10%, lên quanh mức 129.300 – 130.200 đồng/kg, tiệm cận đỉnh cũ 133.000 – 135.000 đồng/kg ghi nhận trước khi căng thẳng thương mại leo thang.

Giai đoạn trước đó, thị trường từng sụt giảm mạnh khi Mỹ ban hành mức thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ nhiều quốc gia, bao gồm những nhà xuất khẩu cà phê lớn như Việt Nam, Brazil và Colombia. Chính sách này đã làm dấy lên lo ngại rằng người tiêu dùng Mỹ sẽ phải gánh thêm chi phí trong bối cảnh giá cà phê toàn cầu tăng cao do nguồn cung thắt chặt.

Tuy nhiên, sau khi ông Trump tuyên bố trì hoãn áp thuế mới trong 90 ngày và giữ nguyên mức thuế 10%, tâm lý thị trường đã được cải thiện nhanh chóng. Phản ứng tích cực từ doanh nghiệp và nhà đầu tư đã góp phần đẩy giá cà phê tăng trở lại trên thị trường quốc tế.

Ngoài yếu tố chính trị, giá cà phê còn được hậu thuẫn bởi sự suy yếu của chỉ số USD/DXY – hiện đang ở vùng thấp nhất trong hơn ba năm – cùng với lượng hàng tồn kho Robusta trên sàn London đang giảm mạnh xuống đáy của sáu tuần qua.

Hồ tiêu duy trì đà tăng mạnh

Tính đến 5h sáng ngày 16/4/2025, giá hồ tiêu trong nước tiếp tục leo dốc so với hôm qua, mức tăng ghi nhận trong khoảng 1.000 - 1.500 đồng/kg. Hiện giá thu mua trung bình tại các tỉnh trọng điểm đạt 156.600 đồng/kg.

Tại Gia Lai, giá tiêu hôm nay bật tăng 1.500 đồng/kg, hiện ở mức 155.500 đồng/kg.

Tại khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu, giá cũng đi lên thêm 1.000 đồng/kg, hiện được thu mua với giá 156.000 đồng/kg.

Tại Bình Phước, giá tiêu cùng xu hướng tăng 1.500 đồng/kg so với hôm qua, hiện được giao dịch tại mức 155.500 đồng/kg.

Tại Đắk Nông, giá tiêu bật tăng trở lại sau chuỗi ngày đi ngang, tăng 1.500 đồng/kg, hiện được thu mua ở mức 158.000 đồng/kg.

Giá tiêu tại Đắk Lắk và thế giới biến động nhẹ

Tại Đắk Lắk, giá tiêu cũng tăng thêm 1.000 đồng/kg so với hôm qua, hiện đạt mức cao nhất cả nước là 158.000 đồng/kg.

Theo cập nhật từ Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) lúc 5h ngày 16/4/2025, thị trường hồ tiêu toàn cầu có diễn biến nhẹ, trong đó giá tiêu Indonesia giảm từ 17 - 24 USD/tấn; các thị trường còn lại giữ xu hướng ổn định so với những phiên biến động trước.

Cụ thể, IPC công bố giá tiêu đen Lampung của Indonesia ở mức 7.064 USD/tấn; giá tiêu trắng Muntok đạt 9.651 USD/tấn.

Thị trường Malaysia tiếp tục ổn định, không thay đổi so với phiên giảm mạnh hôm qua. Giá tiêu đen ASTA đạt 9.600 USD/tấn, trong khi tiêu trắng ASTA đạt mức 12.100 USD/tấn.

Tại Brazil, giá tiêu vẫn giữ nguyên ở mức 6.850 USD/tấn.

Thị trường hồ tiêu Việt Nam không có biến động lớn, giá tiêu đen xuất khẩu loại 500 g/l đứng tại 6.600 USD/tấn, loại 550 g/l là 6.800 USD/tấn và tiêu trắng vẫn ở mức 9.600 USD/tấn.

Thị trường tiêu hồi phục mạnh sau biến động chính sách

Tại thị trường nội địa, giá hồ tiêu đang tăng nhanh trở lại sau thời gian chững lại vì lo ngại về khả năng Mỹ sẽ áp mức thuế đối ứng lên tới 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam, bao gồm cả hồ tiêu. Tuy nhiên, sau khi chính quyền Mỹ tuyên bố tạm hoãn áp thuế này trong 90 ngày, hoạt động giao dịch sôi động đã quay trở lại với tốc độ mua vào tăng cao từ các nhà nhập khẩu nước ngoài.

Quyết định hoãn thuế không chỉ giúp giải tỏa tâm lý lo lắng mà còn khiến các doanh nghiệp tranh thủ nhập hàng trước khi thời gian miễn thuế kết thúc. Đây là yếu tố quan trọng góp phần đẩy giá tiêu tăng nhanh trong những ngày qua.

Trong nước, một bộ phận nông dân sau khi thu hoạch đã quyết định không bán ngay mà giữ lại hàng, nhờ trước đó đã có lợi nhuận ổn định từ cây cà phê và sầu riêng. Việc này làm giảm nguồn cung tiêu trên thị trường, trong khi thông tin về sản lượng vụ tiêu năm nay giảm so với năm trước cũng khiến kỳ vọng giá tiêu sớm đạt mốc 160.000 đồng/kg càng tăng.

Số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho thấy, trong tháng 3/2025, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 5.000 tấn hồ tiêu, với tổng giá trị gần 29 triệu USD. So với tháng trước, sản lượng nhập khẩu tăng gần 69% và giá trị tăng hơn 81%; so với cùng kỳ năm trước, tăng lần lượt hơn 32% và 104,9%.

Không chỉ tiêu dùng nội địa, Việt Nam còn nhập khẩu tiêu từ nhiều quốc gia để chế biến và tái xuất. Nhờ trình độ chế biến ngày càng cao, sản lượng tiêu xuất khẩu thường vượt xa sản lượng nội địa – minh chứng cho năng lực gia công đang được nâng cao, góp phần gia tăng giá trị cho ngành hồ tiêu quốc gia.

Mặc dù vậy, trong bối cảnh thương mại toàn cầu ngày càng siết chặt với nhiều rào cản thuế quan, các doanh nghiệp Việt cần đẩy mạnh minh bạch chuỗi cung ứng và tăng đầu tư vào chế biến sâu nếu muốn duy trì ưu thế lâu dài trên thị trường quốc tế.

Lan Lê (t/h)

Tin khác