Giá dầu thô rủi ro suy yếu, triển vọng nào cho cổ phiếu dầu khí?
Chứng khoán KBSV vừa có báo cáo triển vọng ngành dầu khí với điểm nhấn giá dầu thô rủi ro suy yếu trong nửa cuối năm 2024.
Trước đó, trong nửa đầu năm giá dầu thô biến động mạnh, dao động trong khoảng 80-90 USD/thùng trong nửa đầu năm 2024 do tranh chấp tại khu vực Trung Đông và Biển Đỏ gây gián đoạn chuỗi cung ứng dầu thô toàn cầu; OPEC+ quyết định duy trì cắt giảm sản lượng; và triển vọng kinh tế Mỹ tích cực làm tăng kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu thô.
Sang đến quý 3/2024, giá dầu Brent sụt giảm mạnh và đã có lúc xuống mốc 70 USD/thùng. Nguyên nhân là bởi số liệu kinh tế ảm đạm của 2 nhà tiêu thụ lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc làm tăng xác suất xảy ra suy thoái, ảnh hưởng tiêu cực tới kỳ vọng nhu cầu dầu thô và bất ổn chính trị tại Libya dần được giải quyết khiến nguồn cung dầu thô tại quốc gia này sớm ổn định trở lại.
Chứng khoán KBSV cho rằng rủi ro giá dầu thô suy yếu trong giai đoạn cuối năm 2024. Cả 3 tổ chức là OPEC, EIA và IEA đều điều chỉnh giảm dự phóng nhu cầu tiêu thụ dầu thô cho năm 2024 do các dữ liệu kinh tế tương đối kém khả quan từ Mỹ và Trung Quốc.
Cuối tháng 9/2024, cả 2 quốc gia trên đều có động thái nới lỏng chính sách tiền tệ hoặc tài khóa để thúc đẩy nền kinh tế. Trong giai đoạn cuối năm 2024, giá dầu thô có thể sẽ duy trì quanh mức hiện tại do các số liệu kinh tế từ Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ vẫn ảm đạm trước khi các động thái hỗ trợ được phản ánh vào tình hình kinh tế thực tế, trong khi nhóm OPEC+ thể hiện rõ chủ trương thắt chặt sản lượng để hỗ trợ giá dầu.
Tới năm 2025, nhu cầu tiêu thụ dầu thô được kỳ vọng sẽ cải thiện nhờ các biện pháp kích thích kinh tế, nhưng nguồn cung dầu thô toàn cầu có thể sẽ đối mặt với áp lực tăng khi OPEC+ bắt đầu nới lỏng sản lượng.
KBSV tạm thời duy trì giả định giá dầu Brent bình quân cho năm 2024 và 2025 đạt lần lượt 83 và 80 USD/thùng trong kịch bản cơ sở, nhưng không loại trừ khả năng sẽ phải điều chỉnh giảm nếu tình hình thị trường tiếp tục yếu trong giai đoạn đầu quý 4/2024.
Ở trong nước, Dự án Lô B Ô Môn đạt được một số tiến triển. Đầu tháng 9/2024, PVN đã trao gói thầu quốc tế EPCI 1 với đầy đủ điều kiện cho liên danh tổng thầu McDermott và PVS. Cũng trong tháng 9/2024, PVN thông báo đã chính thức khởi công xây dựng dự án Lô B và trao gói thầu EPCI 2 với đầy đủ điều kiện cho PVS.
Như vậy các bên đã có thể triển khai 2 gói thầu EPCI 1 và 2 (tổng trị giá khoảng 1.5 tỷ USD) với đẩy đủ các hạng mục công việc mà không còn bị giới hạn như hình thức trao thầu hạn chế (LLOA) trước đây. Tuy nhiên, tiến độ cấp FID cho toàn dự án vẫn chưa có nhiều tiến triển. Vướng mắc cốt yếu vẫn nằm ở việc thương thảo hợp đồng mua bán điện (PPA) với các yếu tố như giá mua điện hay tổng sản lượng mua điện hàng năm (Qc) chưa được thống nhất. Việc FID tiếp tục chậm trễ sẽ là rủi ro cho dự án trong dài hạn.
Nhận định về triển vọng dầu khí, theo KBSV, các cổ phiếu ngành dầu khí ưa thích là PVS và PVD sau khi thị giá cổ phiếu đã điều chỉnh về mức hấp dẫn. Triển vọng của nhóm thượng nguồn (PVD, PVS) là tương đối tươi sáng nhờ tăng trưởng đầu tư vào mảng E&P toàn cầu và khối lượng công việc lớn tạo ra bởi các đại dự án E&P nội địa từ năm 2024.
Đối với riêng PVD, gánh nặng tỷ giá được kỳ vọng sẽ giảm đi đáng kể trong 2H2024 nhưng lại xuất hiện rủi ro chậm trễ trong dự án đầu tư giàn khoan mới.
Với nhóm trung nguồn, triển vọng của PVT rủi ro điều chỉnh giá cước mảng tàu LPG.
Giá dầu thô suy giảm sẽ là rủi ro cho nhóm hạ nguồn trong giai đoạn cuối năm 2024, đầu năm 2025. GAS có thể có tăng trưởng (nhưng chỉ ở mức thấp) trong giai đoạn 2024-2025 nhờ sự bổ sung từ mảng LNG nhưng sẽ khó duy trì mức cổ tức cao do bước vào giai đoạn đầu tư dự án Lô B Ô Môn.
Trong khi đó, kết quả kinh doanh năm 2024 của BSR bị ảnh hưởng tiêu cực bởi kỳ bảo dưỡng lớn và biên lọc dầu suy yếu. Tuy nhiên trong năm 2025, kỳ vọng BSR sẽ có mức tăng trưởng mạnh từ mức nền thấp khi NMLD Dung Quất hoạt động ổn định và giá cổ phiếu cũng sẽ được hỗ trợ trong ngắn hạn nhờ việc chuyển niêm yết từ UPCOM sang HSX.
Thu Minh