1. Chứng khoán

Giá dầu thế giới giảm hơn 7% trong tuần qua

Bơm xăng cho phương tiện tại trạm xăng ở Essen, Đức. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Sau khi tăng nhẹ vào lúc mở cửa, giá dầu thế giới đã quay đầu đi xuống trong phiên giao dịch 18/9. Chốt phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 1,39 USD, tương đương 1,87%, xuống còn 73,06 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,45 USD, tương đương 2,05%, xuống mức 69,22 USD/thùng.

Tính chung trong cả tuần này, giá dầu Brent giảm tổng cộng hơn 7%, còn giá dầu WTI giảm khoảng 8%. Cả hai mức giá này đều đánh dấu mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ ngày 2/9, sau khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hạ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2024 và 2025.

Yếu tố góp phần cản đà tăng của giá dầu trong những phiên gần đây bao gồm nhưng dữ liệu tăng trưởng kinh tế yếu của Trung Quốc và các nhà đầu tư đang tập trung theo dõi những diễn biến phức tạp ở Trung Đông.

Nền kinh tế Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, ghi nhân tăng trưởng quý III/2024 chậm nhất kể từ đầu năm 2023, mặc dù mức tiêu thụ và sản lượng công nghiệp tháng 9/2024 đã vượt dự báo.

Đáng chú ý, sản lượng lọc dầu của Trung Quốc đã giảm trong tháng thứ 6 liên tiếp, khi biên lợi nhuận lọc dầu thấp và xu hướng tiêu thụ nhiên liệu yếu đã hạn chế hoạt động của các nhà máy lọc dầu.

Ông Neil Atkinson, nhà phân tích năng lượng độc lập ở Paris (Pháp) và là cựu trưởng bộ phận dầu mỏ tại IEA cho biết, có nhiều yếu tố đang tác động đến giá dầu. Trong đó, suy yếu kinh tế ở Trung Quốc, xuất phát từ sự chuyển đổi sang điện khí hóa vận tải là một yếu tố chính.

Căng thẳng tại Trung Đông tiếp tục gia tăng sau khi thông tin về thủ lĩnh lực lượng Hamas Yahya Sinwar. Lực lượng Hezbollah ngày 18/10 cho biết đang chuyển sang một giai đoạn mới với khả năng leo thang xung đột với quân đội Israel.

Bất chấp giá dầu biến động do bất ổn ở Trung Đông, nhiều nhà giao dịch vẫn tỏ ra bi quan về triển vọng thị trường trong năm tới. Tại Mỹ, sản lượng dầu thô đã phá vỡ kỷ lục mới trong tuần trước, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Doanh số bán lẻ của Mỹ đã tăng nhẹ hơn dự kiến vào tháng 9/2024, với các nhà đầu tư tin rằng 92% khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào cuộc họp tháng 11 tới.

Trước đó, ngày 14/10, OPEC đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2024 và 2025, đánh dấu lần điều chỉnh giảm thứ ba liên tiếp của nhóm này. Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, là nguyên nhân lớn nhất cho quyết định nói trên. OPEC đã giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu của Trung Quốc từ 650.000 thùng/ngày xuống còn 580.000 thùng/ngày.

Điểm sáng duy nhất của thị trường năng lượng trong phiên này là ngày 17/10, khi giá dầu Brent phục hồi từ mức thấp nhất trong hai tuần, sau số liệu cho thấy lượng dầu thô và nhiên liệu dự trữ tại Mỹ giảm.

EIA cho biết lượng dầu thô dự trữ của nước này đã giảm 2,2 triệu thùng xuống còn 420,6 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 11/10, trái ngược với dự báo tăng 1,8 triệu thùng của các nhà phân tích trong cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.

Minh Trang (Theo Reuters)

Tin khác