1. Tài chính

Giá dầu có thể tiếp tục neo ở mức cao

Giá dầu đã đi lên liên tục kể từ tháng 6 do chính sách cắt giảm tự nguyện của Saudi Arabia và Nga, hai nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thuộc Tổ chức các Quốc gia Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước thành viên (OPEC+).

Tính tới thời điểm 21-9, giá dầu WTI và Brent đã tăng khoảng 7% kể từ đầu tháng 9.

Nhận định về giá dầu những tháng cuối năm, trao đổi với PLO, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam (Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam-MXV), cho biết:

Mới đây, trong phiên họp tháng 9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 5,25 - 5,5%. Theo sau là lời cảnh báo rằng lạm phát kéo dài nên nhiều khả năng có thêm ít nhất một lần tăng lãi suất trong năm nay. Trong khi đó, sức khỏe của nền kinh tế Mỹ vẫn được FED đánh giá tính cực với ước tính tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ sẽ đạt 2,1% trong năm nay, so với dự báo chỉ 1% trong tháng 6.

Theo đại diện MXV, mặc dù là một trong những quốc gia xuất khẩu dầu thô, rất khó để Mỹ có thể chấp nhận giá dầu thô ở mức cao vì sẽ ảnh hưởng tới nỗ lực kiềm chế lạm phát. Hơn nữa, Mỹ cũng đang là quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới. Những phát biểu của quan chức FED trong cuộc họp cho thấy quan điểm cứng rắn trong việc đưa lạm phát của Mỹ về đúng quỹ đạo. Việc nền kinh tế Mỹ vẫn ổn định, thậm chí tăng trưởng tích cực hơn giai đoạn vừa qua càng tạo ra không gian cho FED kéo dài và thậm chí siết chặt hơn chính sách tiền tệ. Động thái của FED phần nào sẽ gây áp lực lên thị trường.

Ngoài ra, để hạn chế tác động từ phía OPEC+, Mỹ cũng nỗ lực gia tăng sản lượng. Theo báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA), nguồn cung dầu thô của Mỹ đã tiếp tục duy trì mức đỉnh 12,9 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 3-2020. Hơn nữa, các quốc gia như Iran, Venezuela được kỳ vọng sẽ bù đắp một phần dòng chảy trên thị trường khi Mỹ có động thái nới lỏng các lệnh trừng phạt.

“Trong 4 tháng cuối năm, vấn đề siết chặt nguồn cung vẫn sẽ khiến giá dầu thế giới ở mức nền cao hơn nhiều so với nửa đầu năm nay. EIA dự báo thị trường sẽ thâm hụt khoảng 240.000 thùng dầu/ngày trong quý IV. Do đó, giá dầu Brent sẽ còn dư địa tăng trên vùng 90 - 95 USD/thùng. Việc có vượt lên vùng giá 100 USD/thùng sẽ phụ thuộc phần lớn vào bối cảnh kinh tế, đặc biệt là tăng trưởng của Mỹ và Trung Quốc.

Như vậy, việc thị trường sẽ tiếp tục thâm hụt vì sản lượng của Mỹ và một vài quốc gia khác khó có thể bù đắp cho lượng cắt giảm đến từ Saudi và Nga. Do đó, nhiều khả năng giá dầu sẽ duy trì ở mức cao, bên cạnh sức ép vĩ mô vẫn tạo sức cản với giá dầu” - ông Quang Anh cho hay.

Cùng với đà tăng của giá dầu thế giới, hiện giá xăng dầu trong nước cũng đang tăng theo. Tính từ thời điểm điều hành giá ngày 1-6 đến kỳ điều hành giá ngày 21-9 vừa rồi, mỗi lít xăng E5 đã tăng thêm 3.319 đồng; xăng A95 tăng thêm 3.733 đồng; dầu diesel tăng 5.651 đồng; dầu hỏa tăng 6.045 đồng; dầu mazut tăng thêm 2.961 đồng/kg.

Hiện giá xăng E5 đang ở mức 24.197 đồng/lít, xăng A95 tiến sát mốc 26.000/lít, dầu diesel 23.594 đồng/lít, dầu hỏa 23.816 đồng/lít, dầu mazut 17.847 đồng/kg.

AN HIỀN

Tin khác