Giá bất động sản khó tăng ''nóng''
Nhiều dấu hiệu khởi sắc
Diễn biến thị trường bất động sản thời gian gần đây cho thấy, thị trường đang có dấu hiệu của sự khởi động sau một khoảng thời gian gặp khó khăn và có nhiều vấn đề, khi có vẻ như đang nóng lên, đang sôi động hơn và đang sốt giá...
Theo đánh giá của TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), nếu nhìn vào số liệu thống kê thì thị trường bất động sản bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc. Cụ thể, trong ba quý đầu năm 2024 đã có gần 40 nghìn sản phẩm được đưa vào thị trường. Tỷ lệ hấp thụ cũng ở mức tốt. Tuy nhiên, nếu so sánh với giai đoạn 2018 - 2019 thì con số này vẫn còn khiêm tốn. Tức là thị trường mới đang khôi phục lại một phần nhỏ, chứ chưa phục hồi trở lại một cách thực sự như giai đoạn bình thường.
Thị trường bất động sản đang thiếu rất nhiều nguồn cung nhà ở thương mại giá rẻ. Trong khi đó, thể chế hiện nay chưa kích thích việc đầu tư phát triển các sản phẩm nhà ở vừa túi tiền cho người dân. Thể chế đã và đang được điều chỉnh, với kỳ vọng việc phát triển nhà ở xã hội giai đoạn tới sẽ tốt lên.
Thời gian vừa qua, thị trường bất động sản gần như tê liệt. Nguyên nhân chính đến từ hai yếu tố rất cơ bản. Thứ nhất là về thể chế. Khó khăn về thể chế tạo ra khó khăn trong quá trình phát triển các dự án bất động sản, kéo theo đó là không có nguồn cung gia nhập thị trường. Thứ hai là vấn đề tắc nghẽn vốn.
Chính phủ cũng đã biết được những vấn đề này và đã thúc đẩy quá trình cải cách thể chế. Việc 4 bộ luật rất quan trọng đã được Quốc hội thông qua gồm: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (hiệu lực từ ngày 1/8) và Luật Các tổ chức tín dụng là minh chứng rất rõ.
''Thị trường nhờ đó lấy lại được niềm tin và có nhiều hoạt động đang được triển khai nhằm tháo gỡ điểm nghẽn của các dự án bất động sản. Đây là thời điểm thị trường đang có dấu hiệu của sự hồi phục và đang dần lấy lại các hoạt động về cả cung, cầu lẫn giao dịch" – ông Đính phân tích.
Chính phủ sẽ không để bất động sản tăng ''nóng''
Cũng theo nhận định của vị chuyên gia này, giá bất động sản tại TP. Hồ Chí Minh đã “lên đỉnh” và tăng khá mạnh trong suốt khoảng thời gian từ năm 2019 đến nay. Còn ở phía Bắc, trong khoảng 5 năm trở lại đây hạ tầng được đầu tư rất mạnh, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, kéo theo sự phát triển đô thị. Thị trường bất động sản nhờ đó cũng được kéo lên, dẫn đến nhu cầu đầu tư, nhu cầu nhà ở rất cao.
Riêng thị trường Hà Nội, nguồn cung đang ít nhưng phục vụ chủ yếu cho các hoạt động đầu cơ là chính, chưa có các dự án đáp ứng những nhu cầu thực của người dân, cả kể về nhu cầu nhà ở hay nhu cầu đầu tư cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Do nguồn cung khan hiếm, trong khi nhu cầu rất mạnh, dẫn đến giá bán bị đẩy lên cao. Đây là quy luật thị trường dễ hiểu. Nhưng việc biến động tăng giá ở các khu vực ven đô, hay những phiên đấu giá tăng nóng gần đây không phải dấu hiệu tốt, tức là thị trường đang có những sự lệch lạc, thiếu nguồn cung, yếu về chất lượng.
"Giá nhà tăng cao gây ra rất nhiều hệ lụy. Người dân có nhu cầu ở thực sẽ ngày càng khó khăn trong việc tiếp cận. Ngoài ra, giá tăng sẽ làm gia tăng các chi phí, đặc biệt là các chi phí đầu tư sản xuất, những nhà đầu tư chân chính, những người làm kinh doanh thật sự sẽ khó tiếp cận với tài nguyên đất đai. Nếu tiếp cận được thì chi phí đầu vào sẽ tăng, kéo theo đó làm tăng các chi phí khác, tác động đến giá thành sản phẩm. Vấn đề này Chính phủ đã biết và cũng đang có những chính sách điều tiết phù hợp" - ông Đính nói.
Ông Dương Đức Hiếu - chuyên gia phân tích cao cấp của Công ty cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam, cho biết qua nghiên cứu về thị trường bất động sản Trung Quốc, có thể thấy rằng những năm trước, quốc gia này đã ban hành các chính sách nhằm giảm giá bất động sản, kéo giá bất động sản giảm đồng loạt ở tất cả các phân khúc, tại tất cả các thành phố.
Đỗ Doãn