1. Tài chính

Gần 70.000 tỷ đồng được hút khỏi hệ thống ngân hàng qua kênh tín phiếu

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố kết quả đấu thầu thị trường mở trong phiên ngày 27/9. Theo đó, cơ quan này tiếp tục chào bán tín phiếu 28 ngày theo cơ chế đấu thầu lãi suất. Kết quả có 9/12 thành viên tham gia trúng thầu với tổng khối lượng là 20.000 tỷ đồng.

Đây là phiên phát hành tín phiếu thứ 5 liên tiếp của Ngân hàng Nhà nước với tổng quy mô phát hành đạt gần 70.000 tỷ đồng. Các đợt tín phiếu này đều có kỳ hạn 28 ngày và được chào bán theo phương thức đấu thầu lãi suất. Mức lãi suất trúng thầu tín phiếu ngày 27/9 vẫn cao hơn lãi suất bình quân liên ngân hàng qua đêm (đạt 0,17%/năm vào ngày 25/9).

Tuy nhiên, lãi suất trúng thầu đã cao hơn so với những phiên trước đó. Đồng thời, số lượng tổ chức tín dụng tham gia đấu thầu là 12, số lượng trúng thầu là 9, là những dấu hiệu cho thấy mức độ dư thừa thanh khoản đã hạ bớt.

Khi nào có dấu hiệu lãi suất liên ngân hàng đã nhích lên góp phần giúp tỷ giá hạ nhiệt, Ngân hàng Nhà nước sẽ dừng lại việc hút tiền.

Trước đó, liên tiếp trong 4 phiên ngày 21, 22, 25 và 26/9, Ngân hàng Nhà nước đã chào thầu thành công tổng cộng 50.000 tỷ đồng tín phiếu 28 ngày và không phát sinh nghiệp vụ trên thị trường mở; qua đó rút khỏi hệ thống ngân hàng lượng tiền tương ứng.

Sau động thái phát hành tín phiếu, lãi suất liên ngân hàng qua đêm và những lãi suất kỳ hạn ngắn đều bắt đầu có xu hướng nhích lên.

Đánh giá về động thái phát hành tín phiếu của nhà điều hành, Công ty Chứng khoán Maybank Việt Nam (MSVN) cho rằng, việc cân nhắc hút tiền trong hệ thống hiện nay của Ngân hàng Nhà nước là một biện pháp để giảm áp lực tỷ giá, đưa tỷ giá về mức mục tiêu (+/-3% cho năm nay).

Theo chuyên gia của MSVN, đây là bước đi có tính toán kỹ từ việc quan sát thanh khoản của hệ thống đang thừa và cũng là bước đi khôn ngoan khi chưa cần phải sử dụng đến công cụ bán ngoại hối như năm ngoái.

Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã bán 25 tỷ USD từ dự trữ ngoại hối. Việc bán sớm khiến Ngân hàng Nhà nước "hết đạn" sớm, giảm khả năng can thiệp linh hoạt về sau.

Chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đang tính toán liều lượng hút tiền qua tín phiếu một cách thận trọng để đảm bảo liều lượng vừa đủ sao cho đạt các mục tiêu: tăng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng lên, từ đó giảm bớt áp lực cho tỷ giá; không gây gián đoạn thanh khoản cho toàn bộ nền kinh tế; đảm bảo lãi suất thực của nền kinh tế (lãi suất cho vay) sẽ tiếp tục xu hướng giảm.

“Vì thế, thị trường cần làm quen với động thái này. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục quan sát trạng thái thanh khoản, lãi suất trúng thầu tín phiếu và lãi suất liên ngân hàng để tiếp tục hút/bơm tiền. Chúng tôi muốn nhấn mạnh lại quan điểm rằng Ngân hàng Nhà nước đang làm thận trọng và có đong đếm...”, MSVN nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng dự báo, khi nào có dấu hiệu lãi suất liên ngân hàng đã nhích lên, góp phần giúp tỷ giá hạ nhiệt, Ngân hàng Nhà nước sẽ dừng lại việc hút tiền.

“Chúng tôi tin rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ đảm bảo không gây gián đoạn thanh khoản cho nền kinh tế chung và làm đảo ngược xu hướng lãi suất cho vay hiện nay. Nếu nhu cầu tín dụng tăng và hệ thống ngân hàng cần thêm thanh khoản, thì chắc chắn Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp bơm thanh khoản ngược lại”, MSVN nêu.

Nhìn chung, so với năm trước, Ngân hàng Nhà nước đang chủ động hơn rất nhiều trong việc điều hành tỷ giá và lãi suất. Không có sự kiện “thiên nga đen”, Ngân hàng Nhà nước năm nay hoàn toàn có khả năng đạt cả mục tiêu giữ tỷ giá ổn định và duy trì chính sách tiền tệ hỗ trợ phát triển kinh tế. Các chuyên gia tin rằng, trong thời gian tới, lãi suất huy động còn giảm và lãi suất cho vay sẽ giảm nhiều hơn.

TS Nguyễn Quốc Anh - Trường Đại học Kinh tế TP HCM nhận định, việc Ngân hàng Nhà nước có động thái phát hành tín phiếu để giảm áp lực và kìm hãm đà tăng của tỷ giá ở thời điểm này là cần thiết. Bởi cuối năm, các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, máy móc, thiết bị là rất lớn, tỷ giá tăng nhanh trong giai đoạn ngắn sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

"Ngân hàng Nhà nước cũng có thể cân nhắc bán ngoại tệ ra thị trường để hạ nhiệt tỷ giá. Bởi dù tỷ giá tăng vẫn ở trong ngưỡng 2-3% cho cả năm 2023 như dự kiến nhưng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, sự biến động này là sức ép đáng kể vì rất ít khi sử dụng công cụ phòng ngừa rủi ro về tỷ giá", TS Nguyễn Quốc Anh nói.

Thanh Hồng

Tin khác