Gần 25.000 tỷ được EVNFinance cho các khách hàng vay đều cùng một tòa nhà làm việc, lần mở ra mối quan hệ với một tập đoàn lớn đa ngành
Gần 25.000 tỷ “đổ” vào các nhóm khách hàng cho vay hoặc có cùng người đại diện hoặc cùng tòa nhà làm việc
Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVNFinance, EVF) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán bán niên năm 2024, với lợi nhuận trước thuế ghi nhận hơn 310 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước.
Những số liệu về kết quả kinh doanh thực tế không có sự thay đổi so với báo cáo tự lập trước đó, nhưng các thông tin chi tiết hơn về cấu trúc hoạt động của doanh nghiệp này lại cho thấy những chi tiết rất đáng chú ý.
Trong đó, danh mục cho vay khách hàng của EVNFinance xuất hiện một loạt đặc điểm “kỳ lạ”.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024, EVNFinance ghi nhận các khoản cho vay ngắn hạn góp vốn vào các hợp đồng hợp tác kinh doanh để triển khai các dự án bất động sản dài hạn ở mức hơn 11.300 tỷ đồng. Các khoản vay này được bảo đảm bằng quyền tài sản và tài sản hình thành trong tương lai.
Đáng chú ý hơn cả, các nhóm khách hàng cho vay hoặc có cùng người đại diện hoặc cùng tòa nhà làm việc ghi nhận tới hơn 24.900 tỷ đồng, chiếm tới hơn 65% dư nợ cho vay khách hàng của EVNFinance.
Tương tự, quy mô các khoản vay hơn 24.900 tỷ đồng cũng được EVNFinance thông tin là được định giá độc lập bởi một công ty thẩm định giá trong nhiều năm.
Thông tin này chưa thể khẳng định việc EVNFinance có cho vay tập trung vào một nhóm khách hàng hay không.
Thực tế, việc xác định nhóm khách hàng là người có liên quan thực sự hay không cũng không dễ dàng. Các tiêu chí thường dùng để đối chiếu là cơ cấu cổ đông, người đại diện theo pháp luật, thay vì tiêu chí địa lý. Bởi việc các công ty đặt trụ sở chung một tòa nhà có thể không đồng nghĩa họ cùng chung chủ. Nhưng từ góc độ thị trường, những đặc điểm này là đáng để tâm.
Theo tìm hiể của báo Nhà báo & Công luận, với những doanh nghiệp lớn, đặc biệt là nhóm bất động sản, việc thành lập các pháp nhân dưới dạng các công ty do cổ đông cá nhân sở hữu không phải chuyện hiếm. Những doanh nghiệp này thường ít có sự liên quan về mặt “giấy tờ” nhưng vẫn được thị trường ngầm hiểu là nằm trong cùng một hệ sinh thái kinh doanh.
EVNFinance và những lần làm “deal” cùng Amber Holdings, lần mở ra mối quan hệ với hệ sinh thái của một tập đoàn lớn về tài chính đa ngành
Những đặc điểm mới xuất hiện trong báo cáo kiểm toán bán niên của EVNFinance cũng khiến nhiều người nhớ lại hành trình của một trong những công ty tài chính có lịch sử trên thị trường. Và dấu ấn gần nhất là sự năng nổ trong những thương vụ đầu tư “không quá kín”.
Được thành lập năm 2008, EVNFinance ra đời giữa làn sóng đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty vốn Nhà nước. Công ty này có điều lệ ban đầu ở mức 2.500 tỷ đồng, trên cơ sở góp vốn của một tập đoàn về điện lực, một ngân hàng có cổ đông chiến lược là một tập đoàn kinh tế đa ngành với Chủ tịch là doanh nhân họ Vũ quê Thái Bình, CTCP Cơ Điện Lạnh (REE) và tổ chức, cán bộ nhân viên ngành điện.
Tuy nhiên, với cơ cấu cổ đông pha loãng đáng kể, hoạt động của công ty này không mấy được chú ý. Bước ngoặt xuất hiện khi Tập đoàn điện lực triệt thoái vốn khỏi EVNFinance giai đoạn 2019 – 2020, cũng là thời điểm mà những cái tên mới hiện diện rõ nét.
Trong đó, những nhân sự có liên quan tới Amber Holdings và hệ sinh thái Mesa Group của doanh nhân Lưu Thị Tuyết Mai là những cái tên cầm trịch mới.
Tháng 5/2020, ông Lê Mạnh Linh, khi đó là Chủ tịch HĐQT CTCP Amber Capital và CTCP Quản lý quỹ Amber được bầu vào HĐQT EVF. Ông Lê Long Giang - cựu Tổng giám đốc CTCP Bất động sản Quang Anh, một pháp nhân có nhiều liên hệ với hệ sinh thái Amber Holdings cũng trở thành thành viên ban kiểm soát của EVF.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, CEO EVNFinance giai đoạn 2020-2023, từng tham gia HĐQT tại CTCP Xây dựng và chế biến lương thực Vĩnh Hà (VHF), đồng thời đại diện phần vốn góp của Công ty TNHH Xây dựng HTB - hai thành viên trong hệ sinh thái Mesa Group.
Nếu Mesa Group là cái tên không mới trên thương trường và tầm ảnh hưởng tại EVNFinance cũng không quá nổi trội, Amber Holdings lại hoàn toàn khác.
Chỉ trong những năm gần đây, Amber Holdings vươn mình trở thành một trong những tập đoàn đa ngành với tốc độ phát triển nhanh chóng, trải rộng từ năng lượng tái tạo, tài chính chứng khoán cho đến bất động sản. Và trong quá trình phát triển thần tốc đó, dấu ấn của EVNFinance là không nhỏ.
EVNFinance từng là cổ đông nắm giữ 4,9% vốn điều lệ của CTCP Amber Capital, và 4,98% vốn điều lệ của CTCP Bất động sản Quang Anh. EVF cũng sở hữu 9,09% vốn điều lệ của CTCP Helio Power, tính tới cuối năm 2019.
Công ty tài chính này cũng là nhà đầu tư mua trọn 200 tỷ đồng trái phiếu phát hành năm 2018 và 2020 của Công ty Chứng khoán Nhất Việt. Ở đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ của VFS hồi tháng 8/2023, EVF cũng mua vào 12 triệu cổ phiếu, tương đương 10% vốn điều lệ.
Năm 2019, EVNFinance mua toàn bộ 450 tỷ đồng trái phiếu của CTCP Đầu tư AFG Đà Nẵng, pháp nhân do Amber Capital góp vốn. Lô trái phiếu có tài sản đảm bảo là “quyền tài sản được hình thành theo hợp đồng hợp tác đầu tư ký giữa CTCP Đầu tư AFG Đà Nẵng và chủ đầu tư dự án là CTCP Phương Mai”.
Không chỉ góp vốn và hỗ trợ phát hành trái phiếu, EVF còn đóng vai trò thu xếp tín dụng cho nhiều doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái Amber Holdings.
Vào tháng 9/2023, CTCP ABG Thủ Đô đã thế chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh tại EVNFinance chi nhánh Đà Nẵng. Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Tường Vân, thành lập vào tháng 11/2022, có ít nhất 4 lần mang tài sản thế chấp tại EVNFinance. Hai doanh nghiệp khác là Công ty TNHH Xây dựng và Tư vấn Đầu tư Đại Việt và Công ty TNHH Thương mại và Phát triển Nhà ở Phú Quý cũng có nhiều lần mang tài sản thế chấp tại EVNFinance trong hai năm trở lại đây.
Tới giữa năm 2024, theo báo cáo tài chính kiểm toán bán niên, EVNFinance ghi nhận khoản vay hơn 356 tỷ đồng với CTCP Amya Holdings, phải thu về lãi vay hơn 27 tỷ đồng.
Trước đó, cuối năm 2023, khoản vay của Amya Holdings tại EVNFinance là 235 tỷ đồng. Ngoài ra, Quản lý quỹ Amber sở hữu 674 tỷ đồng giấy tờ có giá nắm giữ do EVF phát hành và 271 tỷ đồng tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại EVF. Khoản mục này không được nhắc tới trong báo cáo bán niên năm 2024 do ông Lê Mạnh Linh, thành viên HĐQT EVNFinance, không còn là Chủ tịch HĐQT, người đại diện theo pháp luật của Quản lý quỹ Amber.
Ánh Dương