'Gà đẻ trứng vàng' của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang sắp lên sàn HoSE
CTCP Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer (MCH) hôm 2/10 công bố nghị quyết thông qua việc triển khai chuyển giao dịch cổ phiếu MCH từ hệ thống Upcom lên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE). Thời điểm dự kiến là trong năm 2025.
MCH chọn CTCP Chứng khoán Vietcap làm đơn vị tư vấn niêm yết cổ phiếu.
Quyết định chuyển sàn của MCH được xem là một bước ngoặt, giúp doanh nghiệp đầu ngành hàng tiêu dùng tiếp cận rộng rãi hơn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Masan Consumer hiện có 7 công ty con nắm giữ 100% vốn, trong đó có Công ty TNHH MTV Thực phẩm Masan, Công ty TNHH MTV Masan Beverage và Masan Consumer Limited (Thailand).
Ngoài ra, Masan Consumer gián tiếp sở hữu nhiều doanh nghiệp nổi tiếng trong nước như: Vinacafe Biên Hòa (VCF), nước khoáng Vĩnh Hảo, nước khoáng Quảng Ninh, Café De Nam,... và một công ty liên kết là Cholimex (sở hữu 32,8%).
Công ty TNHH Masan ConsumerHoldings nắm khoảng 94% Masan Consumer. Trong khi đó, Tập đoàn Masan (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang nắm 85,7% Masan ConsumerHoldings.
Gần đây, cổ phiếu MCH có giá ở vùng đỉnh lịch sử, khoảng 200.000 đồng/cp. Quy mô vốn hóa khoảng 142 nghìn tỷ đồng (tương đương 5,7 tỷ USD).
Từ đầu năm tới nay, giá cổ phiếu MCH trong hệ sinh thái doanh nghiệp của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đã tăng gấp đôi, mang lợi ích rất lớn cho các cổ đông.
Hồi giữa tháng 9, Masan Consumer công bố biên bản kiểm phiếu lấy ý kiến về việc chia cổ tức bổ sung năm 2023 bằng tiền, với tỷ lệ tỷ lệ 168%, tương đương 16.800 đồng cho mỗi cổ phiếu MCH.
Trong danh sách các cổ đông tham gia biểu quyết, đáng chú ý có sự xuất hiện của Bill & Melinda Gates Foundation Trust. Đây là quỹ từ thiện quy mô 75 tỷ USD của tỷ phú Bill Gates, người sáng lập Microsoft và vợ cũ Melinda Gates. Tổ chức này nắm hơn 1 triệu cổ phiếu MCH, có giá trị thị trường khoảng 210 tỷ đồng.
Trước đó, Masan Consumer chi trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 100% bằng tiền. Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation Trust có thể nhận về gần 28 tỷ đồng cổ tức từ Masan Consumer cho năm 2023.
Với khoản chia bổ sung cổ tức 2023, Masan Consumer dự kiến sẽ chi gần 12.200 tỷ đồng cho cổ đông. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 25/9, dự kiến thanh toán vào ngày 4/10.
Masan Consumer là nhân tố quan trọng trong hệ sinh thái Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang.
Ngoài Masan ConsumerHoldings và Bill & Melinda Gates Foundation Trust, Masan Consumer có một số cổ đông đáng chú ý khác, như Albizia ASEAN Tenggara Fund, Chứng khoán Vietcap (VCI)...
Trong 6 tháng đầu năm, MCH ghi nhận gần 14 nghìn tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. MCH lãi ròng hơn 3.400 tỷ đồng, tăng 13%.
Gần đây, có những thời điểm vốn hóa của Masan Consumer vượt cả Vinamilk, trở thành công ty lớn nhất ngành thực phẩm đồ uống trên sàn chứng khoán. Vốn hóa Masan Consumer cũng cao hơn so với tập đoàn mẹ (gián tiếp) là CTCP Tập đoàn Masan (MSN).
Ngành tiêu dùng Việt Nam được đánh giá có triển vọng tươi sáng nhờ sự phục hồi kinh tế và nhu cầu tiêu dùng gia tăng, cùng với việc Chính phủ thông qua chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT).
Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024, Masan Consumer kỳ vọng đẩy mạnh thị phần từ mức 5% hiện nay lên cao hơn trong nhóm ngành tiêu dùng nhanh (FMCG) quy mô 32 tỷ USD. Doanh nghiệp của ông Quang cũng đặt mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường toàn cầu thông qua các sàn thương mại lớn như Amazon (Mỹ), Coupang (Hàn Quốc)...
Sáng 2/10, cổ phiếu MCH giảm nhẹ 1.100 đồng xuống còn 195.400 đồng/cp.
Thị trường chứng khoán Việt Nam chịu áp lực giảm sau khi chỉ số VN-Index chinh phục bất thành ngưỡng 1.300 điểm trong hai phiên liền trước. Tới cuối phiên sáng 2/10, VN-Index giảm 2,82 điểm (-0,22%) xuống 1.289,38 điểm.
Thanh khoản đạt mức khá, với gần 9.260 tỷ đồng trên HoSE.
Mạnh Hà