FLC nợ thuế đất nghìn tỷ, chấm dứt 14 dự án bất động sản
"Thay máu" ban lãnh đạo
Đại hội đã thống nhất bầu ông Vũ Anh Tuân, ông Nguyễn Chí Công, ông Nguyễn Thanh Tùng và ông Đỗ Mạnh Hùng là thành viên HĐQT, thay cho các thành viên cũ đã từ nhiệm. Như vậy, HĐQT mới của FLC sẽ có 5 thành viên, bao gồm cả ông Lê Bá Nguyên – Chủ tịch HĐQT.
Bốn thành viên HĐQT mới đều là những nhân sự cấp cao tại những đơn vị công tác trước đây và được đánh giá là phù hợp với định hướng kinh doanh, tái cấu trúc của FLC trong thời gian tới.
Bà Trần Thị Mỹ Dung và ông Bùi Phạm Minh Điệp là thành viên Ban Kiểm soát, thay cho thành viên cũ đã từ nhiệm. Như vậy, Ban Kiểm soát mới của FLC sẽ có 3 thành viên, bao gồm cả ông Nguyễn Xuân Hòa – Trưởng Ban Kiểm soát.
14 dự án đã chấm dứt hoạt động, tổng nghĩa vụ tài chính phải nộp lên đến hơn 1.000 tỷ đồng
Hiện tại, danh mục tổng số lượng dự án do FLC là chủ đầu tư hoặc liên danh làm chủ đầu tư là 54 dự án, tại 14 tỉnh thành từ Bắc tới Nam.
Tuy nhiên, các dự án này đang gặp khó khăn lớn trong việc triển khai do các vấn đề tài chính và pháp lý. Tình trạng này bắt nguồn từ những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 giai đoạn 2019-2021 và các sự kiện liên quan đến vụ án của nguyên lãnh đạo tập đoàn vào năm 2022. FLC rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán trong nhiều giai đoạn, làm gián đoạn hoạt động triển khai và thi công tại hầu hết các dự án.
Cùng với đó, phương án tái cơ cấu bộ máy, cắt giảm nhân sự, thay đổi bộ máy quản lý điều hành đã dẫn tới các hoạt động triển khai thi công tại các dự án bị ngừng trệ trong thời gian dài.
Một vấn đề nổi bật là hầu hết các dự án của tập đoàn đang ở trong tình trạng hết hạn tiến độ đầu tư, nợ nghĩa vụ tài chính, nợ khách hàng, nợ thủ tục pháp lý để đủ điều kiện thi công xây dựng, hoàn thiện công trình.
Việc tập đoàn chưa phát hành báo cáo tài chính được kiểm toán trong hai năm gần đây dẫn đến tình trạng thiếu hồ sơ cần thiết để xin gia hạn tiến độ, khiến nhiều thủ tục pháp lý liên quan đến dự án vẫn chưa thể tiếp tục triển khai theo đúng quy định.
Do đó, nhiều dự án đang trong tình trạng không thể hoàn tất các thủ tục pháp lý, chưa đáp ứng đủ điều kiện để đưa vào kinh doanh và khai thác vận hành.
Một số dự án có nguy cơ thu hồi cao có thể kể đến: Khu đô thị Yên Lạc Green City (Vĩnh Phúc), Khu đô thị Bắc Sông Cầu – Phân khu A (Phú Yên), và Khu đô thị mới Vị Thanh (Hậu Giang).
Một tình trạng khác của các dự án trên đó là đang nợ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất rất lớn, tổng nghĩa vụ tài chính phải nộp lên đến hơn 1.000 tỷ đồng. Điều này là rào cản rất lớn trong việc địa phương tháo gỡ vướng mắc các thủ tục pháp lý của dự án. Đối với các dự án đang xây dựng dở dang, tình trạng tài chính yếu kém dẫn đến tiến độ triển khai bị chậm trễ, gây ảnh hưởng đến khách hàng và uy tín của tập đoàn.
Trong số 54 dự án đang được FLC triển khai, 12 dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng do hết hạn tiến độ, và 8 dự án đang đối mặt nguy cơ thu hồi. Bên cạnh đó, 14 dự án đã chấm dứt hoạt động, bao gồm cả việc FLC tự nguyện dừng hoặc bị tỉnh thu hồi. Tổng chi phí mà tập đoàn cần thu hồi từ các dự án đã chấm dứt ước tính khoảng 450 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc thu hồi số tiền này phụ thuộc vào việc các địa phương lựa chọn nhà đầu tư mới để tiếp tục triển khai dự án.
Để giải quyết tình hình hiện tại, FLC đưa ra hai phương án chính. Một là tìm kiếm đối tác có đủ năng lực tài chính để hợp tác đầu tư, từ đó chia sẻ rủi ro và thúc đẩy tiến độ các dự án. Hai là chủ động chấm dứt hoạt động các dự án không khả thi để thu hồi chi phí đầu tư trước khi bị thu hồi theo quyết định của tỉnh.
"Tuy nhiên do tình hình hiện tại, phải đợi cổ phiếu FLC được giao dịch trở lại thì tập đoàn mới có phương án để mời gọi các quỹ đầu tư này tham gia. Bởi giai đoạn hiện tại bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài rất khó khăn về thủ tục", đại diện FLC giải thích.
Minh Vy