1. Tài chính

FED quyết định giảm lãi suất 0,5% sau hơn 4 năm và những tác động

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa kết thúc 2 ngày họp khá căng thẳng, để đưa ra quyết định về lãi suất được đánh giá có tác động mạnh đến thị trường cũng như nền kinh tế Mỹ và thế giới. Bởi các nhà đầu tư và hoạch định chính sách toàn cầu muốn tìm kiếm một sự dẫn dắt từ FED; đồng thời kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ “hạ cánh mềm” - tức giảm lạm phát nhưng không gây suy thoái.

Chiều 18/9 (theo giờ Mỹ), FED đã chính thức quyết định cắt giảm lãi suất ở mức 0,5% hay 50 điểm cơ bản. Đây lần đầu tiên FED cắt giảm lãi suất kể từ tháng 3/2020, thời điểm đại dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng tại nước này. Quyết định hạ lãi suất ở mức 0,5% giúp đưa phạm vi lãi suất xuống 4,75% - 5%, sẽ tác động tương đối rộng đối với thị trường tài chính Mỹ, không chỉ ảnh hưởng đến chi phí vay ngắn hạn của ngân hàng, mà còn nhiều sản phẩm tiêu dùng như lãi suất vay thế chấp, vay mua nhà, mua xe hay thẻ tín dụng.

Mặc dù mức độ cắt giảm đúng với kỳ vọng của thị trường và dự báo của giới chuyên gia, nhưng đánh dấu sự thay đổi lớn trong điều hành chính sách tiền tệ của FED. Trong cuộc họp báo hồi tháng 7, Chủ tịch FED ông Powell cho biết, FED chưa tính toán đến việc cắt giảm lãi suất ở mức 0,50%. Các dự báo trên thị trường cũng chỉ nghiêng về phương án cắt giảm ở mức trên trong vài ngày gần đây.

Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), ông Jerome Powell phát biểu tại họp báo sau khi Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) quyết định cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm ngày 18/9 - Ảnh cắt từ clip của Reuters

Quyết định của FED nhìn chung là được đánh giá hết sức thận trọng trong bối cảnh Mỹ chuẩn bị bầu cử Tổng thống, các dấu hiệu kinh tế trong nước đan xen và địa chính trị toàn cầu tiếp tục phức tạp. Theo thông báo của FED, quyết định cắt giảm lãi suất dựa trên tiến triến về lạm phát và cân bằng rủi ro. Tuy nhiên, quyết định cắt giảm tới 0,5% trong bối cảnh hầu hết các chỉ số kinh tế của Mỹ vẫn ổn định và bền vững khiến không ít ý kiến còn nghi ngờ về động lực chính phía sau.

Nếu kinh tế Mỹ có xu hướng đạt được cú “hạ cánh mềm” lạm phát trở lại mức trước đại dịch, không khiến kinh tế Mỹ suy thoái, việc hạ lãi suất cộng với lạm phát giảm mạnh là tin tốt cho nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu kinh tế xấu đi, có nguy cơ rơi vào suy thoái qua các dấu hiệu như tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, chỉ số tiêu dùng giảm bớt, cũng buộc FED phải cắt giảm lãi suất. Trong điều kiện nền kinh tế Mỹ có đủ các dấu hiệu như trên, quyết định của FED có thể dựa trên cả hai xu hướng. Ngoài ra, sức ép để FED cắt giảm lãi suất có thể cũng xuất phát một phần tư đề xuất của giới chức và nghị sỹ Mỹ trong thời gian vừa qua.

Quyết định cắt giảm lãi suất ở mức 0,5% đã nhận được phản ứng tích cực từ Chính quyền Tổng thống Biden cũng như giới kinh doanh và người dân Mỹ. Ngay sau quyết định của FED, Tổng thống Biden tuyên bố, nước Mỹ vừa đạt đến thời điểm quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch. Lạm phát và lãi suất đang giảm trong khi nền kinh tế vẫn mạnh, điều này có nghĩa là các chính sách của Mỹ đang giúp giảm chi phí và tạo ra việc làm. Ngay trước cuộc họp của FED, các Nghị sỹ, trong đó có nhiều Nghị sỹ đảng Cộng hòa đã lên tiếng vận động FED cắt giảm lãi suất, thậm chí còn ủng hộ phương án cắt giảm tới 0,75%.

Những người ủng hộ quyết định của FED nhiệt tình nhất có lẽ là những người đang sử dụng các dịch vụ tiêu dùng, như vay thế chấp, vay mua nhà, mua xe hoặc nợ thẻ tín dụng. Việc giảm lãi suất có thể giúp giảm bớt gánh nặng trả nợ cho người vay khi chi phí mọi loại khoản vay sẽ giảm, đổi lại thì lợi nhuận của những khoản tiết kiệm có thể giảm đi chút ít.

Đối với giới doanh nghiệp, lãi suất giảm có nghĩa là các khoản vay kinh doanh có thể mang lại lợi nhuận nhiều hơn, khuyến khích người sử dụng lao động tuyển dụng thêm, mở rộng hoạt động. Lợi ích mang lại nhiều nhất có thể là với thị trường nhà ở khi lãi suất cho vay thế chấp có thể giảm bớt trong tương lai.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Mỹ dường như phản ứng khá thận trọng trước quyết định của FED. Các chỉ số chứng khoán chủ chốt của Mỹ như S&P 500 và Dow Jones, Nadaq đã tăng vọt vào đầu giờ chiều, nhưng sau đó lại giảm điểm ở cuối phiên. Việc thị trường chứng khoán Mỹ đảo chiều có thể do giới đầu tư vẫn thận trọng vì chưa rõ khả năng kinh tế Mỹ có rơi vào suy thoái hay không. Ngoài ra, việc giảm điểm có thể là do thị trường chứng khoán Mỹ vừa trải qua chuỗi tăng điểm ấn tượng với 18% trong năm qua và hơn 1% trong tháng qua.

Quyết định cắt giảm lãi suất của FED sau hơn 4 năm tăng liên tục và duy trì ở mức cao cho thấy một giai đoạn của kinh tế Mỹ, tập trung chống lạm phát lên mức cao nhất trong hàng chục năm gần đây đã kết thúc. Mỹ có thể chuyển sang giai đoạn điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt hơn, kết hợp nhiều yếu tố không chỉ tính toán đến lạm phát.

Diễn biến lãi suất chuẩn của FED từ năm 2002 đến nay

Trong các thông báo của FED, cơ quan này cũng để ngỏ khả năng tiếp tục thực hiện các đợt hạ lãi suất trong năm nay và những năm tiếp theo, xuống mức từ 2,8-3,5% đến năm 2026. Tuy nhiên, vấn đề có thể khẳng định là giai đoạn lãi suất thấp như trong thời kỳ những năm 2010 sẽ không bao giờ quay trở lại, khi mức 2,8-3,0% vẫn là mức cao nhất trong giai đoạn 2009-2021.

Là nền kinh tế lớn nhất thế giới, mọi quyết định về chính sách tiền tệ tác động không chỉ đến kinh tế Mỹ mà còn lan rộng ra thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, mức độ tác động còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố ví dụ như phải mất từ 3-6 tháng để ảnh hưởng từ điều chỉnh chính sách tiền tệ đến thị trường trở nên rõ ràng hoặc ở khu vực kinh tế phát triển hay đang phát triển. Đánh giá chung, việc hạ lãi suất của Mỹ sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế thế giới và thị trường chứng khoán toàn cầu.

Trong thời điểm hiện nay, vấn đề được quan tâm nhất không phải là lạm phát mà là nguy cơ suy thoái kinh tế. Theo đó, lãi suất thấp hơn của Mỹ có thể tạo điều kiện cho các ngân hàng Trung ương có nhiều không gian hơn để nới lỏng chính sách tiền tệ; hỗ trợ tăng trưởng trong nước mà không sợ mất kiểm soát tỷ giá. Ngoài ra, sau khi lãi suất toàn cầu ổn định, dòng tiền có thể quay lại thị trường chứng khoán, tác động tích cực đến xu hướng tăng trong trung và dài hạn, di chuyển từ các thị trường tăng nóng trong giai đoạn trươc sang các thị trường có kỳ vọng tăng trưởng cao hơn.

Vũ Hợp/VOV-Washington

Tin khác