1. Tài chính

Fed giảm lãi suất, ngân hàng trung ương ở ASEAN sẽ phản ứng ra sao?

(KTSG Online) – Động thái hạ lãi suất lần đầu tiên của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong 4 năm qua sẽ cởi bỏ áp lực tỷ giá đối với giới hoạch định chính sách tiền tệ ở các nước ASEAN. Điều này cho phép nhiều ngân hàng trung ương khu vực bắt đầu hoặc tiếp tục nới lỏng tiền tệ.

Trụ sở của Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) ở thủ đô Jakarta. Hôm 18-9, BI bất ngờ thông báo giảm lãi suất 25 điểm cơ bản chỉ vài giờ trước khi Fed hạ lãi suất 50 điểm cơ bản. Ảnh: Reuters

Hôm 18-9, Fed thông báo hạ lãi suất 50 điểm cơ bản (0,5 điểm phần trăm) xuống biên độ 4,75 – 5% trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt và thị trường lao động suy yếu. Đây là lần giảm chi phí vay đầu tiên của Fed kể từ những ngày đầu của đại dịch Covid-19. Động thái của Fed giúp giải tỏa mối lo ngại về áp lực tỷ giá của các nước ASEAN, cho phép giới chức trách tự tin thực hiện kế hoạch giảm lãi suất trong những tháng tới.

Cho đến tháng 8, các ngân hàng trung ương ở Malaysia, Thái Lan và Indonesia vẫn giữ nguyên lãi suất. Ưu tiên của họ là bảo đảm sự ổn định của tỷ giá để kiểm soát lạm phát khi Fed thể hiện lập trường giữ lãi suất cao trong thời dài hơn dự kiến.

Philippines hiện ở mức 6,25%, cao nhất trong gần 17 năm. Trong khi đó, Thái Lan đang duy trì mức lãi suất cao nhất trong 10 năm, 2,5%.

Các chuyên gia dự báo, nhiều ngân hàng trung ương ở Đông Nam Á sớm hạ lãi suất nhưng quy mô và tốc độ sẽ ở mức thận trọng.

“Các thị trường nhanh chóng được định giá dựa trên kịch bản các ngân hàng trung ương ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ theo chân Fed để cắt giảm lãi suất nhiều đợt. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng trước đó, họ không tăng lãi suất mạnh mẽ như Fed. Vì vậy, họ có thể không giảm lãi suất nhanh chóng”, Aidan Shevlin, người đứng đầu bộ phận quản lý thanh khoản quốc tế của JP Morgan Asset Management nói.

Shevlin cho biết thêm, các ngân hàng trung ương ở châu Á đang trong các giai đoạn khác nhau của chu kỳ lãi suất. Điều này là do các nhà hoạch định chính sách theo đuổi các ưu tiên khác nhau, bao gồm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng trong nước và giữ tỷ giá ổn định.

Tương tự, các ngân hàng trung ương ở ASEAN sẽ có những bước đi khác nhau về lãi suất trong thời gian tới tùy vào các ưu tiên vĩ mô.

Indonesia bất ngờ hạ lãi suất

Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) trở thành ngân hàng ương đầu tiên của ASEAN giảm lãi suất trước kỳ vọng Fed nới lỏng tiền tệ. Hôm 18-9, BI bất ngờ thông báo hạ lãi suất 25 điểm cơ bản, chỉ vài giờ trước khi Fed công bố giảm lãi suất 50 cơ bản.

Các nhà phân tích dự đoán, BI sẽ hạ lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào năm tới. Cơ sở cho dự báo này là đồng rupiah đang mạnh lên và lạm phát của Indonesia đang ổn định.

Hồi tháng 6, đồng rupiah rơi xuống mức thấp nhất so với đô la Mỹ nhưng bật dậy mạnh mẽ kể từ đó. Lạm phát của Indonesia suy giảm đều đặn, xuống còn 2,12% trong tháng 8, đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 2-2022.

Chu kỳ nới lỏng tiền tệ diễn ra khi sức mua của người tiêu dùng ở nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á suy yếu trong mùa hè vừa qua sau khi BI tăng lãi suất tổng cộng 50 điểm cơ bản kể từ tháng 10-2023. Lãi suất thấp hơn sẽ phục hồi chi tiêu của các hộ gia đình, vốn chiếm khoảng 53% GDP của Indonesia, từ đó, giúp đạt mục tiêu tăng trưởng 5,2% trong năm nay.

Ari Jahja, giám đốc phân tích của Macquarie Capital kỳ vọng, động thái giảm lãi suất của BI sẽ thúc đẩy các ngành như ngân hàng, y tế và hạ tầng. Điều này sẽ củng cố tăng trưởng của Indonesia trong những năm tới.

Với triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ và lạm phát suy yếu, Philippines đã chủ động nới lỏng tiền tệ vào tháng Tám với mức giảm 25 điểm cơ bản, đưa lãi suất xuống còn 6,25%. Ngân hàng trung ương Philippines (BSP) dự kiến tiến hành một đợt giảm lãi suất nữa vào tháng Mười hoặc tháng Mười Hai.

Philippines là một trong những nền kinh tế chịu áp lực lạm phát căng thẳng nhất ở châu Á do nước này phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là thực phẩm, bao gồm gạo.

Để kiểm soát giá cả, BSP khởi động chu kỳ thắt chắt tiền tệ vào năm 2022, đưa lãi suất lên mức cao nhất 17 năm, 6,5%. Tháng trước, lạm phát của Philippines giảm về mức 3,3%, thấp nhất trong 7 tháng. Kể từ cuối tháng Bảy, đồng peso của Philippines thu hẹp đáng kể mức giảm giá so với đô la Mỹ.

Thái Lan, Malaysia chưa vội nới lỏng tiền tệ

Một số nhà phân tích dự đoán, Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) sẽ nới lỏng tiền tệ sớm nhất là vào quí 4 năm nay. Tuy nhiên, các chuyên gia của ngân hàng OCBC cho rằng, BoT sẽ thực hiện đợt giảm lãi suất đầu tiên vào quí 1-2025. Nhà kinh tế Gu Hathaisattha của CSG International nhận định, BoT sẽ giữ nguyên lãi suất cho đến hết nửa đầu năm tới để thẩm định tác động của chương trình phát tiền mặt cho người dân có thu nhập thấp, thông qua ví kỹ thuật số với tổng trị giá 500 tỉ baht (15 tỉ đô la Mỹ).

Đồng tình với nhận định này, nhà phân tích Chak Reung của ngân hàng Maybank dự đoán, BI chưa giảm lãi suất trong năm nay khi tăng trưởng kinh tế đang cải thiện và áp lực lạm phát vẫn còn.

Lạm phát của Thái Lan suy yếu xuống mức 0,35% trong tháng 8 nhưng dự kiến tăng trong tháng 9. Mức lương tối thiểu mới, có hiệu lực vào tháng 10, cũng có thể thúc đẩy lạm phát.

Các nhà kinh tế kỳ vọng Ngân hàng trung ương Malaysia (BNM) duy trì mức lãi suất 3% hiện tại đến hết năm nay. Gần đây, Phó Thống đốc BNM Adnan Zaylani Mohamad Zahid đánh giá, triển vọng tăng trưởng và lạm phát của Malaysia vẫn ổn định. Ông dự báo GDP của đất nước sẽ tăng trưởng khoảng 5% trong năm 2024. Do vậy, BNM không có lý do để điều chỉnh lãi suất.

“Không có lý do thuyết phục để tăng hoặc giảm lãi suất ở giai đoạn này”, ông nói.

Các nhà kinh tế kỳ vọng, lãi suất thấp hơn của Mỹ sẽ củng cố sức mạnh của đồng ringgit Malaysia. Sau khi trở thành đồng tiền có hiệu suất kém nhất ở khu vực kinh tế châu Á mới nổi vào năm ngoái, đồng ringgit tăng vọt lên mức cao nhất 18 tháng so với đô la trong tháng 8.

Với sự ổn định chính trị và các chính sách thúc đẩy kinh doanh, Malaysia đang ở vị thế thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài.

Lãi suất ổn định và dòng tiền đầu tư nước ngoài có thể tác động tích cực đến các ngành kinh tế mũi nhọn của Malaysia như công nghệ, ô tô, năng lượng tái tạo và du lịch.

Việt Nam có thể giữ nguyên lãi suất đến hết năm

Hầu hết các nhà kinh tế dự báo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) duy trì mức lãi suất điều hành hiện nay đến hết năm.

Theo các nhà phân tích của ngân hàng Maybank, đồng Việt Nam (VND) mạnh lên, kết hợp với lạm phát trong nước hạ nhiệt, cho phép SBV duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ. SBV đã giảm lãi suất điều hành 4 đợt trong năm 2023, với tổng cộng 150 điểm cơ bản, dù nhiều ngân hàng trung ương bao gồm Fed trên thế giới tăng lãi suất. Điều này gây áp lực lên tỷ giá, khiến VND giảm giá 5% so với đô la Mỹ trong những tháng đầu năm trước khi tăng 1,7% trong tháng 8.

Các nhà kinh tế kỳ vọng, VND tiếp tục tăng giá trong những tháng còn lại của năm 2024 nhờ đà tăng trưởng mạnh mẽ, ngành sản xuất phục hồi. Xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam tăng trưởng hàng năm lần lượt 14,5% và 12,4% trong tháng 8. Trong khi đó, lạm phát hạ nhiệt xuống mức thấp nhất trong 7 tháng, 3,45%. Lạm phát của Việt Nam dự báo tiếp tục suy giảm trong những tháng tới sau khi Fed hạ lãi suất.

Tuy nhiên, một số thách thức vẫn dai dẳng, bao gồm tiêu dùng trong nước và tín dụng tăng trưởng trì trệ trong bối cảnh lĩnh vực bất động sản phục hồi chậm chạp.

Doanh số bán lẻ của Việt Nam tăng 8,5% trong 8 tháng đầu năm, chậm hơn mức tăng 10,3% vào năm ngoái. Tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng, tính đến ngày 26-8, chỉ mới đạt 6,63%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 15% cho cả năm. Đầu tư công cũng chậm, với vốn giải ngân từ ngân sách nhà nước chỉ tăng hàng năm 1,3% trong tháng 8.

Theo Business Times

Chánh Tài

Tin khác