Fed giảm lãi suất lần thứ 2 trong năm, kinh tế Việt Nam liệu có hưởng lợi?
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ giảm lãi suất 0,25%
CNBC đưa tin ngày 7/11, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã giảm lãi suất 25 điểm cơ bản (tương đương 0,25%) xuống phạm vi mục tiêu là 4,5 - 4,75%, sau khi đánh giá nỗ lực giảm nhiệt lạm phát trong khi hỗ trợ thị trường lao động. Trước đó, Fed đã giảm lãi suất lần đầu tiên với mức giảm 0,5% vào tháng 9.
Tăng trưởng kinh tế Mỹ gần đây duy trì tốt với tốc độ vững chắc, thị trường lao động ổn định, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi, không bao gồm các mặt hàng thực phẩm và năng lượng giữ vững trong 3 tháng qua.
Tuy nhiên các tác động tiêu cực của thiên tai và những cuộc đình công của công nhân khiến bảng lương phi nông nghiệp (công cụ đo lường sự thay đổi trong số lượng người có việc làm của Mỹ trong suốt tháng trước, ngoại trừ ngành nông nghiệp) chỉ tăng 12.000 vào tháng 10.
Kết quả bầu cử tổng thống Mỹ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ phải đối mặt với một bài toán phức tạp về chính sách. Nếu các đề xuất của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump liên quan đến cắt giảm thuế, tăng thuế quan và thay đổi chính sách nhập cư được thực thi thì bối cảnh kinh tế có thể có những thay đổi.
Các nhà đầu tư đang kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất 0,25% vào tháng 12, sau đó tạm dừng trong tháng 1 năm 2025 để đánh giá các tác động và điều chỉnh các mô hình kinh tế.
Tác động của việc giảm lãi suất của Fed đến Việt Nam
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định rằng, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ giảm lãi suất chủ yếu sẽ mang đến những tác động tích cực cho nền kinh tế Việt Nam.
Trong bối cảnh ông Trump vừa tái đắc cử, các nhà đầu tư kỳ vọng đồng USD sẽ lên giá, kinh tế tăng trưởng và cổ phiếu sẽ tốt. Tuy nhiên, khi Fed giảm lãi suất, đồng USD có xu hướng mất giá, giúp giảm áp lực lên tỷ giá VND/USD. Điều này sẽ làm cho các khoản đầu tư vào Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn.
Lãi suất thấp tại Mỹ cũng sẽ khiến các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội đầu tư có lợi nhuận cao hơn ở các thị trường mới nổi như Việt Nam, nơi lãi suất có thể vẫn ở mức hấp dẫn, cũng như giúp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu giảm lãi suất trên thị trường lưu động, từ đó hỗ trợ nền kinh tế phát triển.
Bên cạnh đó, ông Thịnh bổ sung một số tác động tiêu cực cần lưu ý như việc xuất khẩu của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng do nền kinh tế Mỹ chậm lại, làm giảm nhu cầu tiêu thụ hàng Việt Nam từ Mỹ
Song, các chuyên gia đều nhận định, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ giảm lãi suất 0,25% xuống biên độ 4,5% - 4,75% sẽ tác động không đáng kể đến kinh tế Việt Nam vì mức giảm này là không nhiều và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn có những cách thức điều hành tỷ giá hợp lý để giúp cung - cầu ngoại tệ ổn định.
Tiến Thành