FECON (FCN) lợi nhuận sụt giảm 85%, dòng tiền âm 316 tỷ đồng
5 năm liền "vỡ kế hoạch kinh doanh"
CTCP FECON (Mã: FCN) là đơn vị có tiếng trong lĩnh vực xây dựng nhưng trong 5 năm gần nhất, chưa một lần nào FECON hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra.
Cụ thể, trong năm 2019, FECON chỉ đạt lợi nhuận 221 tỷ đồng, hoàn thành 62% mục tiêu. Trong năm 2020 tiếp theo, lợi nhuận FECON sụt giảm 40%, còn 133,6 tỷ đồng tương đương hoàn thành 57% kế hoạch. Tại năm 2021, lợi nhuận FECON tiếp tục teo tóp, giảm tới 47% và chỉ còn 70,8 tỷ đồng, tương đương 40,4% mục tiêu năm.
Đây là 3 năm diễn ra dịch bệnh COVID-19, do đó cũng không quá khó hiểu khi lợi nhuận của FECON liên tục sụt giảm. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh công ty vẫn không khá hơn ở năm 2022 và 2023 sau đó.
Trong năm năm 2022, công ty đặt mục tiêu lợi nhuận 280 tỷ đồng nhưng chỉ mang về 51,6 tỷ tương đương chỉ 18% mục tiêu năm. Trong năm 2023, doanh thu tăng trưởng tới 1.890 tỷ đồng nhưng FECON lại báo lỗ 42 tỷ đồng và tiếp tục không hoàn thành kế hoạch năm.
Khó cạnh tranh trong mảng xây dựng, lợi nhuận tiếp tục sụt giảm
Trải qua 5 năm liền lợi nhuận sụt giảm, tình hình kinh doanh của FECON vẫn không khá khẩm hơn.
Theo BCTC hợp nhất bán niên 2024, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 1.428 tỷ đồng. Giá vốn gia tăng khiến lợi nhuận gộp chỉ còn 185 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ.
Doanh thu hoạt động tài chính gia tăng lên 16 tỷ đồng, kết hợp với chi phí tài chính được tiết giảm xuống 85 tỷ đã giúp kéo lại một phần lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt chiếm 10 tỷ và 102 tỷ đồng. Kết quả, công ty báo lãi sau thuế 1,4 tỷ đồng, tương đương hoàn thành hơn 2% kế hoạch cả năm.
M ặt khác, xét về hoạt động kinh doanh chính trong mảng xây dựng trên BCTC riêng, lợi nhuận sau thuế của FECON cũng chỉ ghi nhận 4,3 tỷ đồng, giảm tới 85% so với cùng kỳ. Giải trình về kết quả kinh doanh này, FECON cho biết do tình hình kinh doanh bị cạnh tranh, công ty phải chấp nhận ký hợp đồng với giá thấp khiến lợi nhuận suy giảm.
FECON âm dòng tiền 316 tỷ đồng
Tại cuối Quý 2/2024, FECON ghi nhận tổng tài sản đạt 8.517 tỷ đồng, giảm 64 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, lượng tiền mặt sụt giảm gần một nửa so với đầu kỳ, chỉ còn 370 tỷ đồng. Trong khi lượng phải thu quá lớn, chiếm tới 3.891 tỷ đồng.
Lượng phải thu quá lớn trong khi tiền mặt giảm mạnh, không quá khó hiểu khi FECON gặp khó khăn trong việc duy trì dòng tiền cho hoạt động kinh doanh.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của FECON cho thấy đơn vị âm dòng tiền kinh doanh tới 316 tỷ đồng trong nửa đầu năm, cùng kỳ chỉ âm 102 tỷ đồng. Trong đó, dòng tiền âm từ khoản phải thu lên tới 217 tỷ, theo sau là khoản lãi vay phải trả trong kỳ lên tới 103 tỷ đồng.
Bích Diễm