1. Tài chính

ECB đã sẵn sàng cho một cuộc 'hạ cánh cứng?

Biểu tượng đồng tiền chung euro ở phía trước trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại Frankfurt am Main, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Nền kinh tế châu Âu đang bị ảnh hưởng bởi thời tiết cực đoan, kết hợp mưa lớn và cháy rừng. Trong khi đó, tình hình lạm phát tại đây vẫn nóng, giá cả trong tháng Tám tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Điều này khiến các quan chức châu Âu ngày càng lo lắng trước triển vọng tăng trưởng u ám, đặc biệt là khi chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) đối mặt với nguy cơ sụt giảm.

Tờ The Economist (Anh) cho biết, trước cuộc họp tiếp theo của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào ngày 14/9 tới, các nhà hoạch định chính sách ngày càng lo ngại nhiều hơn về khả năng xuất hiện tình trạng lạm phát đình trệ (tình trạng tăng trưởng thấp đi kèm với lạm phát cao). Chủ tịch ECB Christine Lagarde gần đây đã nhắc lại cam kết giảm lạm phát và đặt lãi suất ở “mức đủ hạn chế trong thời gian cần thiết, để đưa lạm phát quay lại mục tiêu trung hạn 2%”. ECB dường như đang ngụ ý về một kịch bản “hạ cánh cứng”, ưu tiên giảm lạm phát nhiều hơn sự lo ngại về tổn thất kinh tế có thể xảy ra.

Vấn đề là ý định của ECB có nguy cơ không đạt hiệu quả. Lạm phát ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang trở nên dai dẳng hơn. Tại đây, giá cả tăng do chi phí năng lượng tăng. Điều này khác với Mỹ, nơi lạm phát tăng là do nhu cầu thúc đẩy nhiều hơn. Nhưng ở cả châu Âu và Mỹ, lạm phát đều diễn ra theo một con đường tương tự, với châu Âu ở phía sau một chút. Bây giờ câu hỏi đặt ra là liệu lạm phát cơ bản, loại trừ giá năng lượng và lương thực biến động, có tác động đến nền kinh tế châu Âu hay không? Theo The Economist, cho đến nay, lạm phát vẫn ở mức cao một cách “bướng bỉnh”.

Điều này một phần là do châu Âu, giống như Mỹ, cho đến nay đã luôn tìm cách tránh suy thoái kinh tế. Vào cuối năm ngoái, khi nhiều người dự đoán châu Âu sẽ suy thoái, động thái thắt chặt tiền tệ của ECB vẫn chưa tác động đến nền kinh tế và chính phủ các quốc gia thành viên đã đưa ra một loạt các biện pháp hào phóng, để chống lại "cú sốc" năng lượng. Lĩnh vực dịch vụ cho thấy mức tăng trưởng khá và sổ đặt hàng công nghiệp vẫn được lấp đầy, sau thời kỳ bùng nổ hậu đại dịch COVID-19. Nhưng sự u ám hiện đang lan rộng khắp lục địa. Nền kinh tế toàn cầu đang suy yếu và số lượng đặt hàng giảm nhanh chóng. Sự hỗ trợ của các chính phủ dành cho các hộ gia đình cũng đang cạn kiệt. Giá năng lượng bán lẻ vẫn cao hơn trước cuộc khủng hoảng năm ngoái, thu nhập thực tế vẫn chưa phục hồi.

Theo khảo sát Chỉ số PMI trong lĩnh vực dịch vụ của EU giảm trong tháng 8/2023, ghi nhận mức yếu nhất trong hai năm rưỡi.

Lãi suất cao hơn cũng bắt đầu ảnh hưởng đến nền kinh tế châu Âu, không nằm ngoài dự định của các nhà hoạch định chính sách của ECB. Ngành xây dựng, vốn có truyền thống nhạy cảm với lãi suất, đang cảm nhận nỗi đau. Theo ngân hàng Goldman Sachs, việc cho vay của ngân hàng Stingier đang khiến tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 0,4 điểm phần trăm mỗi quý, kể từ năm 2015. Chuyên gia tư vấn Oliver Rakau của tổ chức Oxford Economics dự đoán tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt hơn sẽ lên đến đỉnh điểm vào nửa cuối năm nay.

Do đó, một cuộc "hạ cánh cứng" gần như sẽ xảy ra. Tuy nhiên, việc lạm phát quay trở lại mục tiêu 2% của ECB vẫn còn rất xa vời. Hai lực lượng đang kéo giá đi theo các hướng khác nhau. Một là tình hình trên thị trường lao động, khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp kỷ lục. Mặc dù các công ty đang tuyển dụng ít công nhân hơn, nhưng không có nguy cơ xảy ra tình trạng sa thải hàng loạt - một phần vì các ông chủ muốn giữ chân những công nhân đang ngày càng khan hiếm ở một lục địa đang già đi, không đủ để bù đắp cho lạm phát trước đó.

Một lực lượng khác đang kéo lạm phát xuống là nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ suy yếu. Trong đại dịch COVID-19, tốc độ tăng giá diễn ra trước tốc độ tăng lương, khiến lợi nhuận của các công ty tăng mạnh cùng với lạm phát. Nếu bây giờ các công ty nhận thấy nhu cầu đang cạn kiệt, có thể lạm phát sẽ giảm cùng lúc với mức tăng trưởng tiền lương vẫn ở mức cao, khiến lợi nhuận giảm trở lại. Thực tế, giá hàng hóa trên thị trường bán buôn đã giảm nhanh và giá nhập khẩu cũng đang giảm, đến một lúc nào đó, mức giá thấp hơn này sẽ được chuyển sang người tiêu dùng.

Hiện tại, có vẻ như câu trả lời sẽ là nhu cầu yếu và cũng đã lan sang lĩnh vực dịch vụ. Điều này cho thấy lạm phát của Eurozone có thể giảm trong thời gian tương đối ngắn, nhưng ECB có vẻ không bị thuyết phục và dường như sẵn sàng nâng lãi suất cơ bản từ 4,25% lên 4,5%. Do đó sẽ tốt hơn nếu các nhà hoạch định giữ lãi suất ổn định, để có thể kiểm soát nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng./.

Vân Hải (P/v TTXVN tại London)

Tin khác