1. Tài chính

ECB: Căng thẳng thương mại làm gia tăng rủi ro cho sự ổn định tài chính

Trong báo cáo Đánh giá ổn định tài chính được công bố hôm thứ Tư (20/11), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết, tăng trưởng kinh tế suy yếu hiện đang là mối đe dọa lớn hơn lạm phát cao ở khu vực đồng euro.

Dữ liệu mới nhất cho thấy tăng trưởng kinh tế khu vực đồng euro ở mức cao nhất trong hai năm là 0,4% trong quý III, trong khi lạm phát toàn phần đạt 2% vào tháng 10.

ECB cho biết thị trường tài chính đã trải qua "sự gia tăng biến động" kể từ khi công bố báo cáo trước đó vào tháng 5, đồng thời lưu ý rằng những biến động tiếp theo "có khả năng xảy ra nhiều hơn bình thường" do định giá cao và rủi ro tập trung.

Phó chủ tịch ECB Luis de Guindos cho biết: "Triển vọng ổn định tài chính bị che mờ bởi sự bất ổn vĩ mô tài chính và địa chính trị gia tăng cùng với sự gia tăng bất ổn về chính sách thương mại".

Mặc dù chiến thắng của cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử Mỹ không được đề cập cụ thể trong thông cáo của ECB, các quốc gia trên khắp thế giới đang chuẩn bị cho kế hoạch áp thuế toàn diện 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ, đồng thời với mức thuế cao hơn nhiều đối với một số quốc gia, chẳng hạn như Trung Quốc. Các nhà kinh tế cho biết tác động lan tỏa của việc thực hiện các biện pháp này có thể tác động làm đồng euro giảm giá, nếu sự chậm lại trong xuất khẩu thúc đẩy ECB cắt giảm lãi suất nhiều hơn và nhanh hơn.

“Căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng và xu hướng bảo hộ có thể tiếp tục gia tăng trên toàn thế giới làm dấy lên lo ngại về tác động tiêu cực tiềm tàng đối với tăng trưởng toàn cầu, lạm phát và giá tài sản”, báo cáo cho biết.

Báo cáo cũng nêu bật mối lo ngại về chi phí nợ công tăng cao và nền tảng tài chính yếu kém của một số quốc gia thành viên khu vực đồng euro. Những lo ngại khác bao gồm chi phí vay cao và tăng trưởng suy yếu làm ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình tài chính của các doanh nghiệp, cũng như rủi ro tín dụng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ và hộ gia đình có thu nhập thấp nếu tăng trưởng chậm hơn dự kiến.

"Trong bối cảnh bất ổn vĩ mô tài chính và địa chính trị gia tăng, có thể có sự đảo ngược đột ngột mạnh mẽ trong tâm lý rủi ro do định giá tài sản cao và rủi ro tập trung trong hệ thống tài chính", báo cáo cho biết.

Mặt khác, ECB cũng lưu ý rằng thị trường chứng khoán, đặc biệt là ở Mỹ đang ngày càng phụ thuộc vào một số ít công ty được xem là hưởng lợi từ sự bùng nổ của AI.

"Sự tập trung này giữa một số ít công ty lớn làm dấy lên lo ngại về khả năng xảy ra bong bóng giá tài sản liên quan đến AI…Ngoài ra, trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu tương quan sâu sắc, điều này chỉ ra rủi ro về sự lan tỏa toàn cầu theo chiều hướng bất lợi nếu kỳ vọng về lợi nhuận của các công ty này không đạt kỳ vọng”, báo cáo cho biết.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Tin khác