Dược phẩm Imexpharm tăng trưởng ấn tượng
Kết quả tài chính nổi bật
Doanh thu thuần quý III/2024 của Imexpharm đạt 545 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này đến từ việc tận dụng tối đa vị thế dẫn đầu kênh ETC khi doanh thu trên kênh này trong quý III tăng 47% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo của Imexpharm cũng đánh giá kênh OTC bắt đầu hồi phục với doanh thu quý III tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu bán hàng qua chuỗi nhà thuốc trong 9 tháng đầu năm 2024 tăng 158% so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận trước thuế và Ebitda quý III/2024 lần lượt tăng 5% và 3% so với cùng kỳ năm trước. Trong 9 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận trước thuế và Ebitda đạt 252 tỷ đồng và 334 tỷ đồng, giảm 12% và 4% so với cùng kỳ năm trước (so với mức giảm 19% và 7% trong 6 tháng đầu năm). Doanh thu tháng 9/2024 tại IMP4 cao gấp đôi so với tháng 8 và gấp ba lần so với tháng 9/2023.
Biên Ebitda đã tăng lên 22% vào cuối quý III nhờ vào sự tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ, cùng với sự gia tăng sản lượng tại IMP4 và kiểm soát hiệu quả Chi phí Bán hàng & Quản lý chung, với mức tăng chỉ 2,8% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động kinh doanh nổi bật
Trong 9 tháng đầu năm 2024, sản lượng của Nhà máy Công nghệ Cao - IMP4 tăng mạnh. Đồng thời, công ty cũng gia tăng công suất sản xuất tại IMP2 và IMP3 để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, công ty đã ra mắt 16 sản phẩm mới với 99 dự án R&D đang triển khai. Imexpharm cũng triển khai phần mềm hiện đại - SAP S/4HANA, trở thành công ty dược phẩm tiên phong tại Việt Nam áp dụng công nghệ tiên tiến này trong vận hành và dịch vụ khách hàng.
Thay đổi trong Hội đồng Quản trị và Ban Tổng Giám đốc
Công ty đã bổ nhiệm bà Lê Nữ Minh Hoài giữ chức Phó Tổng Giám đốc Imexpharm. Bà Hoài đã có 30 năm kinh nghiệm trong ngành dược phẩm quốc tế và Việt Nam.
Sau khi Bà Chun Chaerhan từ nhiệm vào ngày 26/9, Imexpharm đã đề xuất bổ nhiệm ông Woo Sung Min - với hơn 20 năm kinh nghiệm tư vấn quản lý tại Châu Á - vào Hội đồng quản trị, hiện đang chờ phê duyệt của cổ đông.
Imexpharm cũng công bố hoàn thành phát hành cổ phiếu thưởng và trở thành công ty dược phẩm niêm yết dẫn đầu về vốn điều lệ, tăng khả năng cạnh tranh của công ty, thúc đẩy giao dịch cổ phiếu IMP sôi động hơn, cải thiện thanh khoản, củng cố nền tảng vốn nhằm chuẩn bị cho kế hoạch mở rộng trong 3 - 5 năm tới.
Kế hoạch đầu tư nhà máy mới
Imexpharm đã công bố kế hoạch và đang làm thủ tục lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua việc xây dựng Dự án Tổ hợp Nhà máy Dược phẩm Cát Khánh tại Đồng Tháp với mục tiêu đa dạng hóa danh mục sản phẩm, mở rộng các thị trường xuất khẩu mới.
Dự án có tổng diện tích 25.000 m2, tổng mức đầu tư dự kiến là 1.495 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư ước tính sẽ bao gồm 20% vốn chủ sở hữu và 80% vốn vay. Công ty dự kiến hoàn thành mục tiêu xây dựng vào cuối năm 2028, bắt đầu hoạt động thương mại trong khoảng thời gian từ tháng 12/2028 đến quý I/2030.
Triển vọng thị trường
Kế hoạch Hành động của Chính phủ được công bố vào tháng 2/2024, nhằm thực hiện Chiến lược Quốc gia cho ngành dược phẩm của Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho đà tăng trưởng của Imexpharm. Theo đó, dự kiến năng lực sản xuất nội địa sẽ đáp ứng 80% nhu cầu dược phẩm trong nước và 70% tổng giá trị thị trường vào năm 2030.
Bà Trần Thị Đào, Thành viên HĐQT - Tổng Giám đốc của Imexpharm, cho biết: “Quý III vừa qua, Imexpharm đã tăng trưởng ấn tượng. Điều này khẳng định chiến lược đúng đắn, lợi thế cạnh tranh và bề dày kinh nghiệm hơn 45 năm của Imexpharm trên thị trường. Điều này đồng thời khẳng định sự đóng góp không ngừng nghỉ của hơn 1.400 nhân viên cùng nỗ lực của Ban lãnh đạo và sự dẫn dắt của HĐQT, đặc biệt là bà Chun Chaerhan.
Tôi tin rằng với chiến lược đầu tư có chiều sâu vào chất lượng sản phẩm, chuyển giao công nghệ tiên tiến, mở rộng danh mục thuốc, thâm nhập thị trường quốc tế và gia tăng năng lực sản xuất, Imexpharm sẽ luôn giữ vững vị thế là doanh nghiệp dược hàng đầu Việt Nam, từng bước trở thành doanh nghiệp có tên tuổi trên thị trường dược phẩm châu Á”.
Bích Đào