Được ACB hậu thuẫn, ACBS tăng vốn 'thần tốc' lên 10.000 tỷ đồng
Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) vừa được duyệt tăng vốn thêm 3.000 tỷ đồng, lên mức 10.000 tỷ đồng theo nghị quyết mới nhất của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) - công ty mẹ của ACBS.
Nếu tăng vốn thành công, ACBS có thể sẽ vượt mặt một số tên tuổi lớn như Chứng khoán SHB (SHS), Chứng khoán HSC... để lọt vào Top 5 các công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.
Đáng chú ý, động thái này nối tiếp chuỗi tăng vốn liên tục trước đó của ACBS. Công ty chứng khoán này đã thực hiện các kế hoạch nâng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng vào quý IV/2023; và tiếp tục tăng lên 7.000 tỷ đồng ngay quý I/2024 nhằm đáp ứng cho nhu cầu nâng cấp hệ thống giao dịch lõi, chiếm lĩnh thị phần môi giới cơ sở/phái sinh và kinh doanh margin.
Tăng trưởng mạnh nhờ nguồn vốn dồi dào
Cùng với đà tăng của nguồn vốn chủ sở hữu, ghi nhận từ báo cáo tài chính quý III mới công bố, ACBS đạt 661 tỷ đồng doanh thu hoạt động, tăng 19% so với cùng kỳ ở đa phần các mảng kinh doanh (trừ mảng môi giới).
Theo đó, lãi từ tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ, chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu doanh thu hoạt động, tăng nhẹ lên 311 tỷ đồng. Trong khi lãi từ cho vay và lãi từ đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn lần lượt tăng 80% lên hơn 183 tỷ đồng và 67% lên hơn 81 tỷ đồng.
Trong khi đó, chi phí hoạt động đều ghi nhận giảm đáng kể, qua đó giúp ACBS lãi sau thuế gần 217 tỷ đồng, tăng đến hơn 80% và là quý có lợi nhuận cao kỷ lục của công ty kể từ khi thành lập.
Lũy kế chín tháng, ACBS ghi nhận 1.889 tỷ đồng doanh thu hoạt động, tăng 60% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tăng 68%, đạt 546 tỷ đồng.
Quy mô bảng cân đối của ACBS cũng mở rộng đáng kể sau tăng vốn, kết thúc quý III, tổng tài sản ghi nhận hơn 22.620 tỷ đồng, gần gấp đôi so với thời điểm đầu năm.
Trong đó, nhờ nguồn vốn dồi dào, dư nợ cho vay đạt mức kỷ lục gần 7.609 tỷ đồng, tăng 66% so với đầu năm. Tiền và tương đương tiền tăng 14 lần lên hơn 7.000 tỷ đồng. Tài sản tài chính cũng tăng mạnh gấp đôi lên gần 2.532 tỷ đồng. Khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn là 5.157 tỷ đồng.
Trong một diễn biến liên quan, không chỉ ACBS đẩy mạnh huy động vốn, nghị quyết được công ty mẹ của ACBS - Ngân hàng ACB vừa công bố cũng thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ đợt ba trong năm 2024 với tổng giá trị phát hành là 15.000 tỷ đồng nhằm phục vụ nhu cầu cho vay, đầu tư.
Hiện tại, ACB đang sở hữu và có toàn quyền biểu quyết tại ACBS với tỷ lệ 100%. Bên cạnh ACBS, ACB cũng sở hữu một loạt các định chế tài chính khác trong hệ sinh thái như Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ ACB, Công ty TNHH MTV Cho thuê tài chính Ngân hàng Á Châu, hay Công ty TNHH Quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng Á Châu.
Củng cố nội lực và bộ đệm rủi ro
Hàng loạt động thái đẩy mạnh tăng vốn của ACBS diễn ra trong bối cảnh toàn bộ thành viên thị trường tích cực chuẩn bị nguồn lực và vị thế cho sự kiện nâng hạng chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi.
Mới đây nhất, Chứng khoán MB (MBS) đã hoàn tất chào bán hơn 109 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, thu về gần 1.100 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên gần 5.500 tỷ đồng. Chứng khoán SSI (mã SSI, sàn HoSE) cũng đã phát hành hơn 453 triệu cổ phiếu thưởng và chào bán cho cổ đông hiện hữu. Vốn điều lệ của SSI sẽ tăng từ 15.111 tỷ đồng lên gần 19.645 tỷ đồng.
Trong khi đó, Chứng khoán VNDirect cũng đã chào bán thành công gần 244 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 5%, nâng vốn điều lệ từ 12.178 tỷ đồng lên 15.223 tỷ đồng.
Trước đó, các công ty Chứng khoán VIX, Chứng khoán SHB (SHS)… cũng đã thực hiện các phương án tăng vốn “bằng lần” trong năm nay.
Với nguồn vốn bổ sung, các công ty có thể đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh cốt lõi là đầu tư và cho vay ký quỹ trong năm nay. Tăng trưởng lợi nhuận cao hơn từ các hoạt động kinh doanh này sẽ giúp các công ty tăng cường bộ đệm rủi ro.
Bên cạnh kế hoạch tăng vốn thành công, quá trình nâng hạng thị trường đang có những chuyển biến tích cực.
Mới đây nhất, việc giải quyết vấn đề ký quỹ của nhà đầu tư nước ngoài và kiểm soát rủi ro về mặt thanh toán là điều kiện thiết yếu để chuẩn bị cho mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Hiện Việt Nam vẫn nằm trong danh sách theo dõi với vai trò cận biên và được kỳ vọng phân loại lại lên Secondary Emerging. Hoạt động đánh giá lại sẽ được FTSE thực hiện tiếp tục vào đầu tháng 10/2024, và hai kỳ năm 2025, trong tháng 3 và tháng 9.
Với việc nâng hạng lên thị trường mới nổi, theo ước tính sơ bộ, dòng vốn từ các quỹ ETF có thể lên đến 1,7 tỷ USD, chưa tính đến dòng vốn từ các quỹ chủ động (FTSE Russell ước tính tổng tài sản từ các quỹ chủ động gấp 5 lần so với các quỹ ETF).
Dũng Phạm