1. Tài chính

Dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ dần thu hẹp

Dòng vốn FDI vào Việt Nam có thể chậm lại do biến động thuế quan

VND mất giá 1,79% so với đầu năm

Theo quan sát của ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, sau khi chính phủ Mỹ công bố chính sách thuế đối ứng vào ngày 2/4, Đồng Việt Nam (VND) đã có phản ứng nhất định.

Diễn biến trên thị trường ngoại hối trong nước ngày 8/4 (trước khi ông Donald Trump tuyên bố hoãn áp dụng thuế đối ứng cho 75 đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam trong vòng 90 ngày và tạm áp dụng thuế 10% trong thời gian này) cho thấy, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm giữa VND với USD ở mức 24.898, tăng 3 đồng/USD so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được niêm yết ở mức 23.704 VND/USD, cao hơn 50 đồng/USD so với tỷ giá sàn. Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên với mức 26.020 VND/USD, tăng 235 đồng/USD so với phiên 4/4/2025. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 165 đồng/USD ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 26.100 VND/USD và 26.200 VND/USD.

Tính từ đầu năm đến ngày 8/4/2025, VND giảm giá 1,79%, tương đồng với diễn biến của một số đồng tiền trong khu vực, như Rupiah Indonesia giảm giá 2,89%, đồng Bath của Thái Lan giảm giá 0,96% và Nhân dân tệ của Trung Quốc giảm giá 0,47%. Ở chiều ngược lại, đồng Yên của Nhật Bản tăng 6,18%; đồng Peso của Philippines tăng 1,4%; đồng đô-la Singapore tăng 1,11%; đồng Won của Hàn Quốc tăng 0,45%.

Phiên giao dịch cuối tuần qua (11/4), tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.923 VND/USD, giảm sâu 41 đồng so với mức niêm yết của phiên trước đó. Đây cũng là phiên giảm đầu tiên của tỷ giá trung tâm sau 6 phiên tăng liên tiếp. Với biên độ 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại được phép giao dịch là từ 23.677 - 26.169 VND/USD. Giá USD niêm yết tại các ngân hàng đồng tiếp tục giảm sâu trong phiên 11/4, với mức giảm từ 70 - 220 đồng ở cả hai chiều mua bán so với mức niêm yết phiên 10/4, giá chào mua USD nằm trong khoảng 25.450 - 25.620 VND/USD, còn giá bán USD giao dịch trong phạm vi 25.840 - 25.980 VND/USD.

“Giữa những biến động hiện tại, không thể tránh khỏi có những thời điểm nhạy cảm tạo ra biến động ngắn hạn của thị trường ngoại hối ở mỗi nước. Tuy nhiên, dựa trên những số liệu của khu vực ASEAN và Đông Á hiện tại, chúng ta thấy có những nền tảng cơ bản về chính sách tiền tệ để ổn định được thị trường ngoại hối”, ông Hùng nhấn mạnh.

Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, ông Shantanu Chakraborty cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đã rất thành công trong việc điều hành chính sách tiền tệ phù hợp, hỗ trợ các yếu tố cơ bản của nền kinh tế trong nước, lạm phát có tăng nhưng vẫn dưới 4%. Ngân hàng Nhà nước vẫn có nhiều công cụ điều hành chính sách tiền tệ khác, ví dụ như nếu áp lực lạm phát tăng, Ngân hàng Nhà nước có thể thắt chặt lãi suất hơn một chút cùng với việc điều hành chính sách tỷ giá sẽ đảm bảo được tính ổn định của VND.

“Sẽ có những tác động nhất định trong mối quan hệ giữa tỷ giá và lãi suất nhưng chúng tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục sử dụng chính sách tiền tệ hỗ trợ và phù hợp để ổn định thị trường ngoại hối”, ông Shantanu Chakraborty nói.

Xung quanh vấn đề này, một số chuyên gia phân tích cho rằng, VND đã giảm giá dần trong thời gian trước nên áp lực tỷ giá trong ngắn hạn có thể không quá nghiêm trọng, trong ngắn hạn tỷ giá có thể biến động nhưng xu hướng dài hạn là ổn định.

Dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ bị thu hẹp

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT nêu quan điểm: “Mỹ đã công bố tạm dừng thuế đối ứng với hơn 75 quốc gia trong 90 ngày và giảm thuế đối ứng xuống 10% trong giai đoạn này, với hiệu lực ngay lập tức. Dẫu vậy, chính sách thuế quan của Mỹ tiềm ẩn rủi ro khó lường trong thời gian tới. Nếu sau 90 ngày hoãn, thuế đối ứng vẫn được thực thi như kế hoạch ban đầu thì sẽ có tác động lớn tới dòng ngoại tệ và thị trường ngoại hối của Việt Nam”.

Về tác động trực tiếp, theo ông Hinh, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ có thể sụt giảm khiến thặng dư thương mại và nguồn thu ngoại tệ bị ảnh hưởng đáng kể. Đồng thời, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam có thể chậm lại, đặc biệt những doanh nghiệp đang xem xét đầu tư vào Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ có thể phải thay đổi phương án đầu tư.

“Điều này sẽ có tác động không nhỏ đến cán cân ngoại hối của Việt Nam, bởi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài luôn là một nguồn ngoại tệ quan trọng. Dòng vốn gián tiếp nước ngoài cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực khi nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi Việt Nam do rủi ro gia tăng”, ông Hinh dự báo.

Nhận định về tác động gián tiếp của chính sách thuế đối ứng, ông Hinh cho rằng, thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang có thể gây sức ép khiến đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá mạnh so với USD. Điều này sẽ làm gia tăng sức ép đối với tỷ giá VND bởi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam nhập siêu lớn từ nước này.

“Nhìn chung, chính sách thuế quan của Mỹ có thể khiến VND tiếp tục suy yếu so với USD và gây áp lực lên chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đang ưu tiên nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng thì việc rủi ro tỷ giá gia tăng mạnh trở lại có thể khiến dư địa nới lỏng thêm chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước bị thu hẹp đáng kể”, ông Hinh phân tích.

Còn theo bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Nghiên cứu Công ty Chứng khoán MBS, VND sẽ mất giá chủ yếu do: Thứ nhất, nguồn thu USD giảm do xuất khẩu giảm, FDI suy yếu; Thứ hai, tăng nhu cầu USD trong nước do Việt Nam cũng cần động thái tăng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ.

Một chuyên gia tài chính nêu quan điểm, chính sách thuế quan của Mỹ lần này ngoài mọi dự báo và đây không phải là vấn đề thuế quan thương mại. Chính sách này đang làm thay đổi hoàn toàn cấu trúc thương mại đầu tư toàn cầu và đến giờ không ai có thể đánh giá được tác động nếu nhìn vào cách Mỹ và Trung Quốc đang trả đũa lẫn nhau. Đằng sau còn hàng loạt diễn biến khác về thị trường ngoại hối, trái phiếu, chứng khoán cực kỳ phức tạp đan xen.

Trong bối cảnh Mỹ công bố các mức thuế quan đối ứng mới, Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) cảnh báo cú sốc thương mại có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực ASEAN+3, trong đó có Việt Nam. Mức thuế mà Mỹ mới công bố kéo theo sự sụt giảm trên thị trường chứng khoán và dịch chuyển dòng vốn từ cổ phiếu sang trái phiếu và các đồng tiền trú ẩn.

Theo AMRO, tác động của các biện pháp thuế quan sẽ khác nhau giữa các quốc gia trong khu vực, tùy thuộc vào cách từng nước điều chỉnh chính sách ứng phó. Tăng trưởng kinh tế của ASEAN+3 được dự báo có thể chậm lại nếu căng thẳng thương mại tiếp tục kéo dài và tình hình có thể trở nên khó khăn hơn trong những kịch bản không thuận lợi. Tuy nhiên, AMRO cũng nhận định khu vực ASEAN đã dần giảm phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ nhờ tăng cường thương mại nội khối và mở rộng thị trường sang Trung Quốc, qua đó phần nào gia tăng khả năng chống chịu trước các cú sốc bên ngoài.

“Các phản ứng chính sách của các nước nên có trọng tâm và linh hoạt. Bên cạnh việc phối hợp chính sách tiền tệ và tài khóa một cách thận trọng để duy trì ổn định tài chính, việc thúc đẩy tự do hóa thương mại dịch vụ, đa dạng hóa xuất khẩu và tăng cường năng lực đổi mới sẽ giúp nâng cao sức cạnh tranh và khả năng chống chịu của khu vực trong trung và dài hạn”, AMRO khuyến nghị.

Nhuệ Mẫn

Tin khác