1. Chứng khoán

Dự cảm kết quả kinh doanh quý III/2024 và nhóm ngành có dư địa tăng trưởng tốt

Chưa thể đáp ứng kỳ vọng bứt phá của các nhà đầu tư, chỉ số VNindex đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần tại mốc 1270,6 điểm, giảm hơn 20 điểm và chấm dứt chuỗi tăng 2 tuần liên tiếp trước đó. Đâu là góc nhìn của ông/bà về xu hướng giao dịch trong tuần tới?

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích, CTCK DSC

Chúng tôi tiếp tục đánh giá cao triển vọng vượt 1.300 điểm của VN-Index trong các tháng tiếp theo. Tuy nhiên, vì một số lý do, tuần tới thị trường sẽ cần nghỉ ngơi tích lũy:

Tháng 10 bước vào mùa kết quả kinh doanh quý 3, trong đó kết quả kinh doanh quý 3 của các doanh nghiệp thường sẽ có tương đối sớm. Các tin đồn ở các nhóm ngành dẫn dắt, tính đến thời điểm hiện tại, là chưa đột biến.

6 phiên gần nhất đem lại tâm lý hụt hẫng cho thị trường, biểu hiện qua cụm nến phân phối kỹ thuật.

Ông Lương Duy Phước, Giám đốc phân tích, CTCK kafi

VN-Index lần thứ 4 kiểm nghiệm ngưỡng 1.300 điểm, tuy nhiên áp lực bán vẫn chiếm ưu thế, biến ngưỡng này thành một ngưỡng tâm lý mạnh. Dù vậy, bối cảnh vĩ mô thị trường đã có một số điểm sáng, giúp đà tăng có cơ sở vững chắc hơn so với trước. Do đó Nhịp điều chỉnh hiện tại được kỳ vọng ngắn hạn, với khả năng VN-Index quay về vùng hỗ trợ 1.250 điểm, hấp thụ áp lực bán và tích lũy trước khi tiếp tục hướng đến việc vượt qua 1.300 điểm trong tương lai gần.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank

Như vậy, có thể thấy ngưỡng 1.300 vẫn rất mạnh và dù Index đã có n lần chạm mốc này nhưng rồi vẫn điều chỉnh trở lại. Tuy vậy, dòng tiền gần đây có sự tích cực hơn khác với những lần chạm 1.300 lần trước nên việc lùi lại có thể được xem là lấy đà để có thể vượt 1.300 với điều kiện dòng tiền tiếp tục duy trì và cải thiện.

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Tôi chưa nhận thấy tín hiệu cho thấy thị trường sẽ sớm phá vỡ trạng thái giằng co trong biên độ 1.250-1.300 của VN-Index. Nhiều khả năng trạng thái này sẽ tiếp diễn trong tuần tới đi kèm với sự phân hóa do bước vào kỳ báo cáo kết quả kinh doanh.

Ngoài ra, khối ngoại đã dừng mua ròng trong tuần qua, đây là yếu tố hỗ trợ đáng kể tới nhịp tăng điểm 2 tuần qua.

Ông Lâm Gia Khanh, Phụ trách phân tích thị trường, CTCK Vietinbank (CTS)

Ông Lâm Gia Khanh

Trong tuần qua thị trường có thời điểm áp sát kháng cự mạnh 1.300 điểm, tuy vậy áp lực bán gia tăng mạnh khi nhiều cổ phiếu trụ đã ghi nhận mức lợi nhuận tương đối tốt sau khoảng thời gian ngắn khiến chỉ số VN-Index thất bại trong việc chinh phục kháng cự này.

Bên cạnh đó, các diễn biến leo thang trong căng thẳng tại khu vực Trung Đông cũng ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư trong nước. Với việc diễn biến trong căng thẳng tại khu vực Trung Đông tiếp tục diễn biến phức tạp và dòng tiền đổ vào thị trường dần tỏ ra thận trọng hơn, thể hiện qua thanh khoản xuống thấp kỷ lục trong phiên cuối tuần, chỉ số VN-Index dự kiến sẽ tiếp tục duy trì xu hướng giảm và dao động trong biên độ 1.255 – 1.280 điểm.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc phân tích, CTCK Agribank

Sơ bộ về điểm nhấn giao dịch tuần qua, VN-Index giảm điểm 4 trên 5 phiên giao dịch và điều chỉnh giảm 20 điểm, tương ứng -1,57%. Tại phiên ngày thứ 3 và thứ 5 tuần qua, VN-Index đều tiến sát mốc 1.300 điểm nhưng sau đó thu hẹp đà tăng với thanh khoản cao cho thấy có áp lực bán đáng kể tại ngưỡng cản tâm lý quan trọng.

Dựa theo dữ liệu phân loại nhà đầu tư, áp lực bán trong 2 phiên trên chủ yếu đến từ các nhà đầu tư cá nhân trong nước, vốn đã trở lại mua ròng trong phiên cuối tuần. Chúng tôi kỳ vọng dòng tiền từ cá nhân với mức độ linh hoạt cao sẽ nhanh chóng mua trở lại khi diễn biến rung lắc điều chỉnh tại kháng cự kết thúc.

Dự báo xu hướng thị trường, chúng tôi cho rằng quán tính điều chỉnh vẫn sẽ tiếp diễn trong phiên đầu tuần. Nhưng lực cầu được kỳ vọng sẽ sớm trở lại sau đó bởi VN-Index đã lùi về vùng hỗ trợ, giao của nhiều đường xu hướng quan trọng. Mốc 1.270 (+-5) điểm và xa hơn là mốc 1.255 được kỳ vọng sẽ là ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật quan trọng, có thể giúp VN-Index đảo chiều và trở lại xu hướng tăng trong tuần tới.

Không chỉ trong những phiên vừa qua, mà trong cả năm 2024, chỉ số VN-Index nhiều lần nỗ lực vượt 1.300 nhưng bất thành và hai lần chạm ngưỡng này cũng khá chóng vánh. Liệu 1.300 điểm vẫn là ngưỡng tâm lý quan trọng?

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích, CTCK DSC

1.300 là vùng cản quan trọng, nhưng tôi không cho rằng đây là đích đến của thị trường trong năm 2024, với một số lý do:

(1) Định giá P/E dự phóng của thị trường trong 2024 chỉ ở khoảng 12 lần, thấp hơn tương đối so với trung bình quá khứ. Định giá một số cổ phiếu Ngân hàng không còn rẻ, nhưng

(2) Mỗi lần chỉ số kiểm chứng vùng 1.300 điểm, mức nền đều được nâng dần. Bên Mua dần gia tăng áp lực, tạo điều kiện giúp chỉ số dần vượt cản. Về mặt kỹ thuật, chúng tôi quan tâm hơn tới vùng cản 1.350 – 1.400 điểm.

Ông Lương Duy Phước, Giám đốc phân tích, CTCK kafi

Ông Lương Duy Phước

Ngưỡng 1.300 điểm chắc chắn là ngưỡng tâm lý quan trọng, tuy nhiên cũng cần lưu ý thời gian VN-Index kiểm nghiệm lại 1.300 điểm đã ngắn dần cho thấy giới đầu tư đã dần chấp nhận vùng cân bằng ở mức giá cao. Tuy nhiên điểm đáng lưu ý là thanh khoản tuy đã bứt phá khá tốt so với cuối tháng 08, nhưng chưa phải là mức thanh khoản đột phá cho xu hướng tăng trưởng trung dài hạn.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank

Như câu 1. Chính xác. Nhà đầu tư đa phần đều e dè khi thị trường tiến sát ngưỡng này và hầu như nhìn nhau để xem ai sẽ vượt lên trước khiến mốc này lại càng là mốc tâm lý quan trọng.

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Kể từ đầu năm, VN-Index đã 6 lần tiếp cận và thất bại trong việc chinh phục ngưỡng này. 1.300 điểm vừa là kháng cự mạnh vừa là mốc tâm lý đối với nhà đầu tư ngắn hạn, thậm chí có thể coi là “nỗi ám ảnh”.

Áp lực bán đều tăng mạnh khi gặp ngưỡng cản này do vậy cần có sự tích lũy đủ dài cùng với lực cầu đủ mạnh, hiện tại chưa đủ điều kiện hội tụ nên trạng thái giằng co vẫn sẽ là chủ đạo.

Ông Lâm Gia Khanh, Phụ trách phân tích thị trường, CTCK Vietinbank (CTS)

Việc chỉ số VN-Index nhiều lần thất bại khi chinh phục kháng cự tại 1.300 điểm rõ ràng gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư. Thực tế từ đầu năm 2024, mỗi khi chỉ số tiệm cận kháng cự này đều xuất hiện các yếu tố gây tác động tiêu cực đến triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết như tỷ giá USD/VND bật tăng mạnh, Fed duy trì lãi suất ở mức cao kỷ lục trong thời gian dài hơn dự kiến, Ngân hàng trung ương Nhật Bản chính thức chấm dứt chính sách lãi suất âm, căng thẳng tại khu vực Trung Đông diễn biến phức tạp hơn.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc phân tích, CTCK Agribank

Theo dữ liệu quá khứ, kháng cự kỹ thuật chính của chỉ số trong năm 2024 ở quanh vùng 1.270-1.290 điểm. Đây là vùng điểm số cao và có biên độ tương đối rộng, vì vậy thị trường thường mất nhiều nguồn lực để vượt qua vùng kháng cự này. Sự suy yếu thường đến nhanh sau đó và VN-Index chỉ có thể chớm vượt thay vì vượt dứt khoát mốc 1.300 điểm.

Ngoại trừ tác động tâm lý do căng thẳng địa chính trị, chúng tôi cho rằng các yếu tố vĩ mô trong và ngoài nước đều đang hỗ trợ thị trường chứng khoán trở lại xu hướng tăng điểm. Vì vậy, vận động tích lũy quanh vùng 1.270-1.290 điểm có thể xem là sự chuẩn bị phù hợp để VN-Index có thể dứt khoát vượt mốc 1.300.

Ông Nguyễn Anh Khoa

Vậy đâu là nhóm yếu tố có thể kỳ vọng giúp thị trường có nhịp bứt phá ở giai đoạn này?

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích, CTCK DSC

Sau giai đoạn tập trung trích lập vào quý 1&2, Ngân hàng dự kiến sẽ có điểm rơi tăng trưởng lợi nhuận tốt hơn trong 2 quý cuối năm 2024. Đây sẽ tiếp tục là nhóm ngành dẫn dắt ổn định và đồng đều nhất cho thị trường.

Thép và đầu tư công có thể là điểm sáng mới trong tháng 10, khi chính sách tài khóa trở lại là điểm sáng trong quá trình hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.

Bất động sản và các ngành phụ trợ có thể còn nhiều khó khăn, do sự phục hồi của thị trường bất động sản chưa phản ánh lên đa số dự án của các doanh nghiệp trên sàn. Kết quả kinh doanh có thể cải thiện, nhưng sẽ xuất hiện sự phân hóa lớn.

Ông Lương Duy Phước, Giám đốc phân tích, CTCK kafi

Theo quan điểm của tôi, có một số yếu tố nền tảng có thể hỗ trợ thị trường bứt phá trong giai đoạn này. Đầu tiên, việc FED đang giảm lãi suất giúp Việt Nam giảm áp lực tỷ giá và duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Trung Quốc cũng đã xoay chiều về chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ kinh tế và phục hồi niềm tin tiêu dùng, điều này có thể dẫn dắt kinh tế toàn cầu, trong đó kinh tế Mỹ vẫn giữ được sự ổn định. Những yếu tố này tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và đẩy mạnh đầu tư công.

Ngoài ra cũng có nhiều cú hích cho thị trường trong tháng 10. Thị trường sẽ đặc biệt quan tâm đến kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp niêm yết, tình hình kinh tế xã hội trong tháng 9, bao gồm FDI, xuất nhập khẩu, tăng trưởng tín dụng, và chi tiêu cho dự án công. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi sát sao việc nâng hạng thị trường khi FTSE công bố kết quả review vào ngày 08/10, tìm kiếm các dấu hiệu tích cực liên quan đến khả năng nâng hạng này.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank

Các yếu tố là: dòng tiền cải thiện, lực mua của khối ngoại hoặc việc bán ròng giảm bớt, chỉ số USDX không mạnh lên, chứng khoán Mỹ và thế giới tiếp tục tích cực, các kênh đầu tư an toàn như vàng không quá mạnh, chính sách và số liệu kinh tế vĩ mô tiếp tục cải thiện và phát triển, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tích cực hoặc cải thiện hơn.

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Cần một cú hích đủ mạnh thực sự để thúc đẩy dòng tiền đổ vào TTCK. Theo tôi, những thông tin hỗ trợ thông thường sẽ khó có tác động giúp thị trường bứt phá, cần những cú hích mạnh hơn, như nâng hạng TTCK.

Ông Lâm Gia Khanh, Phụ trách phân tích thị trường, CTCK Vietinbank (CTS)

Yếu tố kỳ vọng lớn nhất đến từ việc Fed đã chính thức hạ 50 điểm lãi suất cơ bản trong cuộc họp chính sách tháng 9, đồng thời các dữ liệu vĩ mô quan trọng gần đây của kinh tế Mỹ như số lượng việc làm mới và chỉ số PCE lõi tiếp tục cho phép Fed tiếp tục hạ lãi suất trong phần còn lại của năm 2024. Điều này góp phần hạ nhiệt tỷ giá USD/VND (hiện chỉ còn tăng khoảng 1.3% so với đầu năm), từ đó tạo thêm dư địa cho NHNN tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.

Ngoài ra, việc khối ngoại dần chuyển sang mua ròng trong thời gian gần đây cũng góp phần hỗ trợ tâm lý thị trường. Động thái này diễn ra trong bối cảnh dòng vốn đầu tư tại Mỹ bắt đầu dịch chuyển sang nhóm các thị trường mới nổi đồng thời Bộ Tài chính đã chính thức ban hành Thông tư 68 nhằm tháo gỡ các nút thắt liên quan đến tiêu chí prefunding.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc phân tích, CTCK Agribank

Cuối tuần ngày 05-06/10 thị trường đã đón nhận thông tin tích cực trong và ngoài nước được kỳ vọng sẽ phản ánh vào chỉ số tuần tới gồm: (1) Việt Nam có tăng trưởng GDP quý 3/2024 tích cực ở mức 7,4% so với cùng kỳ, chỉ thấp hơn mức 13,67% của quý III/2022 trong giai đoạn 2020-2024; (2) Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ sụt giảm, việc làm tạo ra nhiều hơn cho thấy thị trường lao động đang hồi phục và chỉ số chứng khoán tại Mỹ tiếp tục có diễn biến tích cực.

Ngoài ra các sự kiện khác sẽ xuất hiện và tác động khó đoán định tới tâm lý nhà đầu tư trên thị trường trong tuần tới như: (1) Báo cáo kết quả đánh giá phân loại thị trường từ FTSE Rushell; (2) Trung Quốc trở lại giao dịch sau tuần nghỉ lễ Quốc khánh; (3) Kết quả kinh doanh quý III/2024 của các doanh nghiệp trên sàn dần được công bố; kỳ vọng sẽ là động lực bứt phá cho thị trường trong tuần tới.

Trong một vài tuần tới, các DNNY sẽ công bố kết quả kinh doanh quý III/2024. Ông/bà có dự cảm như thế nào về những ngành có triển vọng ở quý này?

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích, CTCK DSC

Như đã đề cập, chúng tôi đánh giá cao triển vọng kết quả kinh doanh quý 3 của nhóm ngành ngân hàng, với mặt bằng tăng trưởng đồng đều.

Ông Trương Thái Đạt

Nhóm bất động sản và các ngành phụ trợ sẽ có kết quả phân hóa, với không nhiều DN ghi nhận lợi nhuận từ đà phục hồi của thị trường bất động sản.

Ngành thép và chứng khoán có nhiều kỳ vọng tăng trưởng trong dài hạn (từ 2025), nhưng khó gây ra đột biến ngay từ quý 3/2024.

Ông Lương Duy Phước, Giám đốc phân tích, CTCK kafi

Trước tiên, chúng tôi nhận thấy giá hàng hóa cơ bản, đặc biệt là giá cao su tự nhiên đã có một nhịp tăng kéo dài từ đầu năm, chúng tôi cho rằng nhóm các doanh nghiệp cao su có thể có kết quả kinh doanh khả quan do tỷ trọng hoạt động kinh doanh cao su vẫn đang ở mức cao.

Tiếp theo có thể kể đến ngành ngân hàng với NIM được cải thiện và tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu tăng tốc khi càng về cuối năm. Nhóm ngân hàng có thể có sự phân hóa tương đối rõ ràng về mặt tăng trưởng giữa các ngân hàng với nhau.

Ngành cảng biển cũng là một ngành chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng về kết quả kinh doanh khi hoạt động xuất nhập khẩu đang tăng trưởng trở lại ở mức hai con số, điều này đang hỗ trợ rất mạnh cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cảng biển.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank

Sóng kết quả kinh doanh trong năm nay thật sự không quá mạnh, nhìn vào thị trường để thấy điều này khi mãi mốc 1.300 đã n lần không vượt qua được. Do đó, trừ khi kết quả kinh doanh quá đột phá của doanh nghiệp (điều này khó) còn không thì phải kỳ vọng vào các yếu tố khác như câu 3.

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Một số ngành như Công nghệ, Bán lẻ, Hàng không, Bất động sản khu công nghiệp nhiều khả năng sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong quý 3, do đó đây được coi là thời điểm tốt để nhà đầu tư có thể cơ cấu lại danh mục nhằm đón đầu kỳ công bố sắp tới.

Ông Lâm Gia Khanh, Phụ trách phân tích thị trường, CTCK Vietinbank (CTS)

Kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp niêm yết dự kiến tiếp tục phân hóa mạnh, với lợi nhuận toàn thị trường dự kiến tăng trưởng khoảng 10%, được thúc đẩy chủ yếu bởi các cổ phiếu ngân hàng khi tăng trưởng tín dụng tiếp tục có dấu hiệu cải thiện trong quý III.

Trong khi đó, dù có nền so sánh khá thấp từ diễn biến tiêu cực trong cùng kỳ, việc thanh khoản thị trường giảm mạnh và hoạt động tự doanh hiếm có khoản lợi nhuận tốt khiến lợi nhuận của nhóm chứng khoán dự kiến chậm lại, đạt khoảng 5%.

Bên cạnh đó, lợi nhuận của nhóm bất động sản dự kiến vẫn chưa có nhiều tín hiệu cải thiện khi thị trường vẫn đang trong giai đoạn đầu của quá trình phục hồi đồng thời nguồn cung mới với giá bán hợp lý hơn vẫn đang khá hạn chế.

Còn lợi nhuận của nhóm cổ phiếu xuất khẩu như dệt may, thủy sản dự kiến tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt với mức tăng khoảng 8% nhờ nhu cầu tiêu dùng dần phục hồi tại thị trường Trung Quốc và việc cho phép thêm 8 doanh nghiệp được hưởng thuế suất bằng 0 trong phán quyết về POR 20.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc phân tích, CTCK Agribank

Trong quý III/2024, chúng tôi cho rằng sẽ khó hơn trong việc tìm kiếm các cơ hội tăng trưởng kết quả kinh doanh bằng lần, do yếu tố nền thấp cùng kỳ đã không còn là câu chuyện toàn thị trường.

Động lực tăng trưởng trong quý 3 chúng tôi đánh giá sẽ tới từ: (1) Hoạt động thương mại quốc tế có nhiều khởi sắc; (2) Mặt bằng lãi suất duy trì mức thấp giúp tiết kiệm chi phí lãi vay; (3) Nguồn vốn tăng cao ở quy mô thị trường so với cùng kỳ tạo cơ sở cải thiện năng lực hoạt động và công suất sản xuất.

Chúng tôi kỳ vọng rằng phân bón và bán lẻ sẽ là 2 nhóm có tăng trưởng tích cực nhất trong quý III/2024 nhờ mức nền thấp của cùng kỳ bên cạnh yếu tố nhu cầu được kích thích hồi phục. Nhóm ngân hàng nhờ yếu tố tín dụng duy trì tăng trưởng tốt với sự hồi phục của dư nợ bất động sản, NIM cải thiện nhờ mức giảm của chi phí vốn thấp hơn mức giảm của lợi suất tài sản cho vay sẽ trở lại là trọng tâm đầu tư tăng trưởng.

Bên cạnh đó, nhóm logistic cũng được kỳ vọng có kết quả kinh doanh thuận lợi nhờ dữ liệu xuất khẩu trong nước tăng trưởng tích cực và giá cước vận tải biển duy trì ở mức cao trong quý III/2024.

Thực tế kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của một số nhóm ngành, DN đã ít nhiều được phản ánh vào giá của cổ phiếu. Vậy nếu chọn giải ngân tiếp, đâu là nhóm cổ phiếu được đánh giá là còn dư địa tăng trưởng, theo ông/bà?

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích, CTCK DSC

Trong ngắn hạn, những nhịp điều chỉnh sẽ là cơ hội giải ngân với những nhóm ngành giá trị và an toàn như Ngân hàng.

Trong trung hạn, các yếu tố hỗ trợ đang ủng hộ sự hồi phục ở một số nhóm ngành có xu hướng giá chưa tốt. Điển hình như Thép và đầu tư công, các ngành phụ trợ FDI.

Ông Lương Duy Phước, Giám đốc phân tích, CTCK kafi

Hiện tại, đa phần các nhóm ngành đã có sự tăng giá ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, trên quan điểm của tôi, vẫn còn có một số nhóm ngành được giao dịch ở mức định giá rẻ so với bình quân lịch sử.

Tiêu biểu có thể kể đến nhóm ngân hàng khi mức định giá của phần nhiều các ngân hàng đang thấp hơn mức trung bình lịch sử. Với triển vọng về tăng trưởng tín dụng cũng như cải thiện các chỉ số về sức khỏe tài chính và NIM thì tôi nhận thấy rằng tiềm năng tăng giá của nhóm ngành này vẫn còn tương đối rộng.

Ngoài ra, nhóm ngành thép với triển vọng phục hồi tích cực sau loạt các thông tin về thị trường Trung Quốc cũng chưa tăng quá nhiều và hiện vẫn đang ở vùng định giá, theo tôi là khá hấp dẫn. Nhóm các doanh nghiệp ngành thép theo tôi vẫn đang có nhiều tiềm năng phục hồi về mặt lợi nhuận trong tương lai khi nhu cầu ngày càng tăng và sự cạnh tranh từ thép Trung Quốc đã giảm đi phần nào.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank

Ông Phan Dũng Khánh

Các nhóm cổ phiếu công nghệ, tài chính ngân hàng, bất động sản, nguyên vật liệu, vận tải, năng lượng... được kỳ vọng nhiều hơn.

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Đúng vậy, rất nhiều cổ phiếu, nhóm ngành đã có sự phản ánh vào giá trước kỳ công bố kết quả kinh doanh. Tuy nhiên, nếu phải chọn, tôi đặt cược vào nhóm cổ phiếu Bất động sản, đây sẽ là nhóm có sự phân hóa lớn nhất, đa số doanh nghiệp ngành này vẫn còn nhiều khó khăn tuy nhiên những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính cũng như quỹ đất tốt dự báo nhiều khả năng sẽ có sự hồi phục mạnh về lợi nhuận như VHM, NTL, HDG, KDH.

Ông Lâm Gia Khanh, Phụ trách phân tích thị trường, CTCK Vietinbank (CTS)

Tôi vẫn đánh giá cao nhất nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng, tuy vậy nhà đầu tư cần tiến hành chọn lọc các cổ phiếu trước khi tiến hành giải ngân khi sự phân hóa mạnh vẫn sẽ diễn ra. Các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng tốt sẽ có nhiều dư địa tăng trưởng hơn khi cuối tháng 8 vừa qua NHNN đã tuyên bố các ngân hàng hoàn thành 80% chỉ tiêu tín dụng giao cho năm 2024 sẽ được phép cấp thêm room, với mức tăng phổ biến nằm trong khoảng 2 – 2,5%. Đây chính là động lực giúp tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 23.09 đã đạt mức 7,78%, tăng khá mạnh so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc phân tích, CTCK Agribank

Lựa chọn trong các nhóm ngành tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong quý III/2024 và giai đoạn cuối năm, chúng tôi cho rằng ngân hàng vẫn là nhóm cổ phiếu có dư địa định giá đủ hấp dẫn để đầu tư ở thời điểm hiện tại. Đây cũng là nhóm cổ phiếu đang trong sóng tăng tích cực và thu hút dòng tiền tốt trong nhịp vừa qua, vì vậy kỳ vọng về mặt diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường nhìn chung cũng đang có quan điểm tích cực tương tự.

Hoàng Anh

Tin khác