Dự báo về bộ công cụ kinh tế chủ đạo của ông Donald Trump
Theo bài phân tích trên tờ Wall Street Journal (WSJ) số ra mới đây, cử tri Mỹ lựa chọn ông Trump một phần bởi tâm lý thất vọng trước thực tại kinh tế dưới thời Tổng thống Joe Biden. Họ nuối tiếc quãng thời gian lạm phát thấp cùng các điều kiện thời tiền đại dịch, lúc ông Trump còn nắm quyền Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ đầu tiên. Để thỏa mãn kỳ vọng của cử tri, bộ công cụ kinh tế chủ đạo của ông Trump sẽ không khác so với nhiệm kỳ đầu: tăng thuế nhập khẩu và giảm thuế đối với cá nhân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt. Thuế nhập khẩu mà ông Trump dự định áp dụng sẽ ở diện rộng hơn và cao hơn, trong khi cắt giảm thuế trong nước có tính mục tiêu hẹp hơn.
Giới đầu tư và chuyên gia kinh tế đều đồng thuận rằng thuế nhập khẩu sẽ gây sức ép lên lạm phát, trong khi cắt giảm thuế đối với cá nhân và doanh nghiệp sẽ kích thích tăng trưởng, nới rộng thâm hụt ngân sách. Hội tụ cả hai yếu tố này cùng lúc tất yếu dẫn đến lãi suất điều hành của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ đứng ở mức cao hơn.
Nền kinh tế Mỹ ở hai năm đầu trong nhiệm kỳ tổng thống lần thứ nhất của ông Trump tốt hơn so với những kỳ vọng tại chính đêm bầu cử năm 2016 và rất có thể điều này sẽ lặp lại trong nhiệm kỳ tổng thống lần thứ hai của ông. Một phần là bởi vị tỷ phú nổi tiếng này được thừa hưởng triển vọng kinh tế tương đối sáng sủa. Tăng trưởng kinh tế Mỹ mạnh bất ngờ, trong khi lạm phát đã giảm sâu so với đỉnh điểm. Ngày 7/11 (theo giờ Mỹ) Fed đã chính thức hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm, đưa lãi suất cơ bản xuống phạm vi 4,50%-4,75%. Nguy cơ kinh tế suy thoái chỉ ở mức tối thiểu.
Thương mại có thể sẽ là chủ đề đầu tiên và cũng là cơ hội đầu tiên để ông Trump tạo dấu ấn trên cương vị là nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Mỹ tới đây. Theo bài viết trên, gần như chắc chắn ông sẽ áp thuế nhập khẩu – lĩnh vực ông có thể hành động mà không cần đến sự cho phép từ Quốc hội. Tuy nhiên, quá trình thực thi chính sách có thể có độ trễ, do quy trình thủ tục hành chính cũng như tiến trình đàm phán, thảo luận. Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump, phải mất 11 tháng kể từ khi khởi xướng kế hoạch, Mỹ mới có thể triển khai áp thuế chống lại hàng hóa Trung Quốc.
Đòn áp thuế dưới nhiệm kỳ đầu của ông Trump không gây ra hiệu ứng rõ nét về lạm phát, bởi chỉ số giá tiêu dùng ở Mỹ vào thời điểm đó ở mức thấp. Lần này, ông đã công khai đe dọa áp thuế cao hơn, có thể lên đến 60% đối với hàng hóa Trung Quốc và từ 10-20% đối với hàng hóa của các nước khác. Biện pháp này xuất hiện tại thời điểm tổng cầu sôi động, chuỗi cung ứng dễ bị tổn thương trước xung đột địa chính trị, ký ức về thời kỳ lạm phát cao vẫn còn chưa nguôi ngoai. Tại Mỹ, tốc độ tăng trưởng tiền lương hiện ở mức 3,8%/năm, còn lạm phát dự kiến ở mức 2,3%.
Những thông số này cho thấy, đòn áp thuế có thể gây ra nguy cơ lạm phát cao hơn so với nhiệm kỳ cầm quyền trước đó của ông Trump. Ngân hàng Morgan Stanley ước tính mức thuế 60% đánh vào hàng hóa Trung Quốc và 10% với các nước còn lại sẽ khiến chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ tăng thêm 0,9 điểm phần trăm.
Các chuyên gia kinh tế của Goldman Sachs nhận định ông Trump sẽ tăng thuế thêm 20% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, thay vì 60% như đe dọa trước đó. Riêng mức thuế 10% áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước khác sẽ tạm được gác lại. Nguyên do là sức ép của lạm phát. Theo kịch bản này, lạm phát lõi (không bao gồm sự biến động của giá thực phẩm và năng lượng) sẽ giảm từ 2,7% xuống 2,3% sau một năm, thay vì xuống còn 2% như các dự báo trước đó. Mức chênh lệch nhỏ sẽ không cản trở Fed tiếp tục cắt giảm lãi suất. Mức 2,3% cũng thấp hơn nhiều so với lạm phát trong suốt ba năm gần đây.
Thuế sẽ là mục tiêu hành động tiếp theo của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Nhiều mục trong Đạo luật cắt giảm Thuế và Việc làm (TCJA) do ông Trump ký ban hành năm 2017 sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2025, nổi bật trong đó là các điều khoản giảm thuế cho cá nhân và doanh nghiệp. Gia hạn TCJA sẽ là ưu tiên của ông Trump thời gian tới. Nếu hoàn tất, việc thực thi TCJA sẽ khiến nước Mỹ tiêu tốn khoản ngân sách 5.000 tỷ USD trong vòng 10 năm – theo dự báo của Ủy ban Trách nhiệm Ngân sách Liên bang (CRFB). Tiến trình gia hạn sẽ tốn nhiều thời gian của chính quyền và Quốc hội Mỹ trong năm 2025. Việc gia hạn cả gói TCJA không ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng hay lãi suất, do việc thực thi đã được "cài đặt" trước trong hành vi của công chúng và nhà đầu tư.
Nhưng nhiều điều chỉnh mới sẽ không hẳn như vậy. Ông Trump đề xuất nhiều ưu đãi thuế mới, bao gồm miễn thuế đối với thu nhập từ làm thêm giờ và tiền thưởng (tip). Ông cũng đề xuất loại trừ các khoản thanh toán an sinh xã hội khỏi thu nhập chịu thuế, kế đến là miễn giảm thuế cho các khoản lãi vay mua xe, giới hạn khấu trừ thuế cho các khoản thuế bang và địa phương khi khai báo thuế liên bang. Nếu triển khai trên thực tế, đề xuất mới sẽ gây ra khoản thâm hụt ngân sách 4.000 tỷ USD trong 10 năm tới.
TCJA tốt cho tăng trưởng dài hạn do đạo luật này đơn giản hóa hệ thống thuế bằng cách hạ thấp mức thuế trên thu nhập, lợi nhuận và đầu tư, thu hẹp các khoản mục cắt giảm thuế. Những đề xuất mới chưa hẳn sẽ có hiệu ứng tương tự, vì chúng tạo thêm tính phức tạp khi gắn thêm vào nhiều khoản cắt giảm thuế mới. Tuy nhiên, thuế thấp có thể tạo ra lực đẩy nhất định cho nền kinh tế. Deutsche Bank ước tính chính sách của chính quyền đảng Cộng hòa sẽ tạo ra mức tăng trưởng bổ sung 0,5% trong năm 2025 và 2026 với điều kiện không áp thuế nhập khẩu cao. Còn nếu áp thuế 60% với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và 10% với các nước, hiệu ứng ròng về tăng trưởng sẽ ở mức âm.
Giảm thuế cũng làm trầm trọng thêm thâm hụt ngân sách và gây sức ép lớn hơn với lãi suất. Giới chuyên gia tại JP Morgan nhận định, lịch trình hiện tại của Bộ Tài chính Mỹ về bán đấu giá nợ đủ để trang trải cho thâm hụt năm 2025, nhưng sẽ thiếu hụt tới 3.300 tỷ USD trong giai đoạn năm 2026-2029 với điều kiện TCJA không được gia hạn. Thâm hụt sẽ còn lớn hơn nếu gia hạn TCJA và áp dụng các kế hoạch miễn giảm thuế khác của ông Trump.
Hoài Thanh (P/v TTXVN tại New York)