1. Tài chính

Dự báo triển vọng cổ phiếu 'vua' nửa cuối năm 2025

Giao dịch dưới giá trị sổ sách

Theo số liệu từ WiChart, hệ số giá/giá trị sổ sách (P/B) của nhóm 27 ngân hàng niêm yết đạt 1,51 lần vào cuối quý I/2025, tăng 1% so với cuối năm 2024. Trong đó, ABBank có P/B thấp nhất, ở mức 0,58 lần tại ngày 31/3. Giá trị sổ sách mỗi cổ phiếu ABB của ABBank là 13.870 đồng, theo báo cáo tài chính quý I/2025, trong khi giá chốt phiên hôm 31/3 chỉ là 7.900 đồng/cổ phiếu.

Tiếp theo, VietABank (mã VAB) có định giá theo P/B thấp thứ hai, ở mức 0,63 lần vào cuối quý I/2025. KienlongBank (mã KLB) được định giá thấp thứ ba, với hệ số P/B là 0,7 lần vào cuối quý I/2025.

Một số ngân hàng khác trong top định giá thấp gồm VietBank, MSB, OCB, SHB, TPBank, Bac A Bank và VPBank. Trong đó, định giá của TPBank tiếp tục rẻ đi thêm 18% so với đầu năm, OCB và VPBank rẻ đi 4%, KienlongBank rẻ đi 1%. Tính đến cuối quý I/2025, có 8 ngân hàng với mức P/B nhỏ hơn hoặc bằng 1.

Ở chiều ngược lại, một số ngân hàng được định giá với P/B trên 2 lần là Vietcombank, LPBank và NCB. Tính đến hết quý I/2025, P/B của NCB tăng 26% so với đầu năm, cao thứ hai toàn ngành, sau SHB. Theo báo cáo tài chính quý I/2025, giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu của NCB ở mức 10.003 đồng, trong khi thị giá ngày 31/3 là 11.600 đồng/cổ phiếu.

Trước thắc mắc của cổ đông về việc giá cổ phiếu OCB không tăng trong thời gian qua, tại Đại hội cổ đông thường niên 2025 diễn ra cuối tháng 4/2025, Chủ tịch HĐQT OCB, ông Trịnh Văn Tuấn cho rằng, giá cổ phiếu OCB đang thấp hơn giá trị sổ sách và thấp hơn các cổ phiếu cùng ngành (P/B của OCB chỉ ở mức 0,82 vào phiên cuối tuần trước, trong khi trung bình các ngân hàng tư nhân là 1,25). Như vậy, cổ phiểu này đang bị chiết khấu tới 35%. Ông Tuấn thừa nhận, khi kết quả kinh doanh chưa đạt kỳ vọng, giá cổ phiếu cũng bị tác động.

Triển vọng trong nửa cuối năm

Theo ông Trịnh Văn Tuấn, OCB đã và đang đưa ra một số giải pháp nhằm cải thiện sức khỏe tài chính, tình hình kinh doanh, tạo niềm tin với cổ đông hiện hữu và các nhà đầu tư tiềm năng. Theo đó, trước hết, OCB cải thiện tình hình tài chính tích cực hơn, trở thành một trong những ngân hàng hoạt động hiệu quả, cao hơn trung bình ngành.

Kết thúc quý I/2025, quy mô tài sản của OCB tăng so với đầu năm, đạt mức 289.067 tỷ đồng, tăng 3%. Ngân hàng cũng ghi nhận kết quả dư nợ thị trường 1 đạt 184.388 tỷ đồng, với sự đóng góp đáng kể từ nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (mức tăng trưởng 9,3%). Lợi nhuận trước thuế đạt 893 tỷ đồng, hoạt động cốt lõi giữ đà tăng trưởng tốt.

TS. Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch thường trực HĐQT HDBank cho hay, HDBank không chỉ tự hào về những con số (mục tiêu lợi nhuận năm 2025 hơn 21.000 tỷ đồng, tổng tài sản hướng tới 1 triệu tỷ đồng), mà quan trọng hơn là niềm tin vào tương lai của một ngân hàng phát triển vững chắc. HDBank luôn hành động cho sự minh bạch, cho nền tảng của niềm tin và đó là tài sản vô giá để Ngân hàng không ngừng thu hút nhà đầu tư, nâng cao vị thế trên thị trường, tạo ra giá trị bền vững cho tất cả cổ đông.

Ngoài ra, Techcombank, MBBank, ACB có ROA (lợi nhuận trên tài sản) ở mức cao, khả năng sinh lời tốt. Tuy nhiên, cổ phiếu của các ngân hàng này chưa bị định giá quá cao (P/B ở mức thấp so với ngành và trung bình 5 năm), tạo ra cơ hội đầu tư hấp dẫn...

Với việc cổ phiếu ngân hàng tăng giá vượt trội so với VN-Index trong năm 2024, các chuyên gia phân tích của VinaCapital kỳ vọng, giá cổ phiếu ngành này năm 2025 tiếp tục tăng tốt, nhờ lợi nhuận tăng trưởng mạnh hơn và mức định giá thấp (1,3x P/B so với 16% ROE). Tuy nhiên, diễn biến giá cổ phiếu của từng ngân hàng sẽ phân hóa rõ do những khác biệt lớn về định giá, chất lượng tài sản và tăng trưởng lợi nhuận.

Theo FiinTrade, rủi ro co hẹp NIM (biên lãi ròng) vẫn hiện hữu, đặc biệt ở nhóm ngân hàng quốc doanh, trong bối cảnh Chính phủ duy trì chính sách ổn định lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Sự phục hồi chậm của cầu tín dụng cũng khiến các ngân hàng khó nâng lãi suất do lo ngại cạnh tranh gay gắt có thể làm giảm thị phần. Điều này cho thấy, các quý tới, động lực tăng trưởng của ngành ngân hàng tiếp tục phụ thuộc vào tốc độ mở rộng tín dụng, thay vì kỳ vọng vào biên lãi thuần.

Vân Linh

Tin khác