1. Tài chính

Dự án Cụm công nghiệp do FECON Hiệp Hòa làm chủ đầu tư: Tiến độ, dòng vốn ra sao?

Công ty vài tháng tuổi làm chủ đầu tư dự án “nghìn tỷ”

Công ty cổ phần FECON (Mã HoSE: FCN) được biết đến là một nhà thầu có tiếng trong lĩnh vực công trình ngầm, từng bước lấn sân sang mảng năng lượng tái tạo. Thời gian qua, doanh nghiệp này tiếp tục lấn sân vào lĩnh vực bất động sản với những dự án tiềm năng tại Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Nguyên… thông qua hệ sinh thái các công ty con, công ty liên kết.

Gần đây nhất, Công ty cổ phần FECON Hiệp Hòa – một công ty con gián tiếp của Công ty cổ phần FECON đã trở thành Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Danh Thắng - Đoan Bái.

Đáng chú ý, ngày 10/9/2023, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết xây dựng Cụm công nghiệp Danh Thắng - Đoan Bái, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang (tỷ lệ 1/500).

Chủ đầu tư tổ chức lập quy hoạch là Công ty Cổ phần FECON Hiệp Hòa, nguồn vốn thực hiện là trên 2 tỷ đồng.

Phối cảnh Cụm công nghiệp Danh Thắng - Đoan Bái, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang (Ảnh: fecon.com.vn)

Như Pháp luật Plus từng thông tin, Dự án “Đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng Cụm công nghiệp Danh Thắng - Đoan Bái, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang” được UBND tỉnh Bắc Giang ra quyết định thành lập tại Quyết định số 1319/QĐ-UBND ngày 26/12/2022 do Công ty cổ phần FECON Hiệp Hòa làm Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật với diện tích 75 ha tại địa điểm thuộc địa bàn xã Danh Thắng và xã Đoan Bái, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.

Tổng mức vốn đầu tư của dự án là 954,11 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 355,11 tỷ đồng (tỷ lệ góp vốn thực hiện dự án của nhà đầu tư đạt 37,22% tổng mức đầu tư). Trong đó, phần vốn vay là 599 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Công ty cổ phần FECON Hiệp Hòa mới chỉ được thành lập vào ngày 15/3/2022 (người đại diện theo pháp luật là ông Phùng Tiến Trung) và đã trở thành Chủ đầu tư tại Dự án có quy mô cả “ngàn tỷ” nêu trên chỉ sau có 9 tháng.

Do đó, nhà đầu tư cũng hết sức quan tâm đến kinh nghiệm thi công, năng lực tài chính của Công ty cổ phần FECON Hiệp Hòa và tình hình triển khai dự án này thời gian qua.

Đáng chú ý, các khoản đầu tư tại Công ty cổ phần FECON Hiệp Hòa hiện là khoản đầu tư của Công ty CP Đầu tư FECON (FECON Invest) – một Công ty con của Công ty cổ phần FECON.

Một thông tin đáng quan tâm khác, đó là tại báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2022 soát xét. Theo đó, bảng cân đối kế toán hợp nhất của FECON cho thấy, trong kỳ FCN hợp nhất phát sinh thêm gần 500 tỷ đồng là các khoản phải thu ngắn và dài hạn khác. Trong đó, có 90,2 tỷ đồng liên quan đến ông Phùng Tiến Trung (từng là thành viên HĐQT FCN, miễn nhiệm ngày 28/04/2022). Ông Phùng Tiến Trung hiện là người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần FECON Hiệp Hòa.

Cổ đông FCN chất vấn ban lãnh đạo tại buổi Họp ĐHCĐ diễn ra tháng 4/2023. Trong đó, nhiều nội dung xoay quanh khoản phải thu hàng trăm tỷ đồng, cùng với tiến độ triển khai dự án tại Bắc Giang, Thái Nguyên.

Dự án có khả năng phải lùi sang năm 2024

Vào đầu năm 2023, Sở Tài chính Bắc Giang đã ban hành văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến ý kiến thẩm định hồ sơ. Theo đó, Sở Tài chính đã có những “góp ý, đề nghị” ban đầu liên quan đến năng lực tài chính của Công ty cổ phần FECON Hiệp Hòa khi triển khai dự án theo đúng tiến độ cam kết.

Ảnh minh họa - nguồn internet

Cụ thể, liên quan đến năng lực tài chính của dự án, Sở Tài chính nêu rõ: Để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 58 Luật Đất đai năm 2013 được chứng minh thông qua: Báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán (chứng minh đã góp đủ vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án) và Cam kết cung cấp tài chính số 1193/BIDV.TX-KHDN6 ngày 22/6/2022 của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Thanh Xuân (chứng minh cho khả năng huy động vốn từ tổ chức tín dụng của Nhà đầu tư).

Tuy nhiên, Công ty cổ phần FECON Hiệp Hòa đang sử dụng vốn chủ sở hữu cho Công ty cổ phần Năng lượng FECON vay số tiền là 442,255 tỷ đồng (tại Biên bản đối chiếu công nợ số 01/2023/ĐCN.FCHIEPHOA ngày 31/01/2023).

"Vì vậy, đề nghị Nhà đầu tư cần thực hiện nghiêm túc việc cân đối nguồn tài chính để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án như đã cam kết" - Sở Tài chính Bắc Giang nhấn mạnh.

Nhà đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự chính xác của toàn bộ số liệu, tài liệu, hồ sơ đã cung cấp và bản Cam kết về năng lực tài chính khi thực hiện dự án ngày 15/02/2023.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Công ty cổ phần FECON diễn ra vào ngày 27/4 vừa qua, một trong những nội dung được cổ đông hết sức quan tâm đó là liên quan đến việc triển khai Dự án Danh Thắng – Đoan Bái.

Liên quan đến các câu hỏi của cổ đông về Dự án nói trên, đại diện Công ty cổ phần FECON cho biết, đối với Dự án Danh Thắng – Đoan Bái thì công ty lên kế hoạch cố gắng năm nay khởi công, tuy nhiên, tiến độ hoàn thành các thủ tục pháp lý liên quan khá chậm, khả năng sẽ lùi sang năm 2024.

Cũng tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, đại diện Công ty cổ phần FECON cho biết, các khoản đầu tư tại Công ty cổ phần FECON Hiệp Hòa hiện là khoản đầu tư của Công ty con – Công ty CP Đầu tư FECON (FECON Invest). Sau khi hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết, Công ty cổ phần FECON sẽ có khoản tái cấu trúc vốn theo đúng Phương án tài chính của từng Dự án.

Liên quan đến tình hình triển khai Dự án Danh Thắng – Đoan Bái, để khách quan thông tin, phóng viên đã có trao đổi với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang.

"Tại Dự án Danh Thắng – Đoan Bái, Nhà đầu tư đã có Báo cáo tài chính đã kiểm toán độc lập chứng minh việc hoàn thành góp đủ vốn chủ sở hữu 450 tỷ đồng và có cam kết góp vốn theo đúng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư và Điều 14 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Đến thời điểm hiện tại, Dự án Danh Thắng – Đoan Bái mới được cấp Quyết định chủ trương đầu tư và phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng. Do đó, Nhà đầu tư còn phải thực hiện thủ tục đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trình Thủ tướng Chính phủ cho phép và sẽ thực hiện góp vốn vào dự án theo tiến độ cam kết", Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Giang cho hay.

Trụ sở Sở KH&ĐT tỉnh Bắc Giang.

Gặp khó về dòng tiền, FECON xoay sở vốn ra sao?

Như đã đề cập, Công ty cổ phần FECON dù gặp khó khăn về dòng tiền nhiều năm nay cùng số lượng dự án cần đầu tư lớn nhưng vẫn gia tăng các khoản đầu tư tài chính, nắm giữ cổ phần ở nhiều công ty.

Hiện tại Công ty cổ phần FECON nắm giữ cổ phần ở 12 công ty con trực tiếp và đầu tư vào một loạt công ty liên doanh, liên kết, cùng một số đơn vị khác. Tính đến ngày 30/6/2023, Công ty cổ phần FECON tăng các khoản đầu tư tài chính ở công ty liên doanh, liên kết lên tới 329 tỷ đồng, nâng tổng mức đầu tư tài chính lên 389,9 tỷ đồng.

Do đó, việc Công ty cổ phần FECON tập trung vốn để đầu tư không phải một hành động khó hiểu khi doanh nghiệp đang muốn phát triển, lấn sân sang mảng bất động sản và một số mảng đầu tư mới, tuy nhiên vấn đề là làm sao để doanh nghiệp có được nguồn vốn với chi phí hợp lý.

Dù vậy, hiện chi phí giá vốn cao và chi phí lãi vay ngày càng tăng đang là hai trở ngại lớn trong việc cải thiện lợi nhuận và dòng tiền của Công ty cổ phần FECON.

Nếu như giá vốn ít nhiều phụ thuộc vào khả năng đàm phán của doanh nghiệp thì vấn đề lãi vay khó khăn hơn rất nhiều. Công ty cổ phần FECON hiện tại đẩy mạnh việc vay mượn (phần lớn là vay ngân hàng) không phải chỉ để trang trải chi phí hoạt động mà chủ yếu là để đầu tư.

Hiện nay, chủ nợ lớn nhất của Công ty cổ phần FECON là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (hơn 700 tỷ đồng), tiếp theo là 3 chi nhánh của ngân hàng TMCP Quân đội (tổng hơn 300 tỷ đồng), cùng nhiều ngân hàng khác.

Được biết, trong tháng 7/2022, FECON đã phát hành thành công 150 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 18 tháng và lãi suất cố định 11%/năm, tài sản đảm bảo là 22,7 triệu cổ phần của Công ty CP Đầu tư FECON và 15,6 triệu cổ phần Công ty CP Công trình ngầm FECON. Đây là 2 công ty con của Công ty cổ phần FECON và chưa được niêm yết trên sàn chứng khoán.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin khi sự việc có diễn biến mới.

Lê Hải

Tin khác